TT – Phải có nhà tái định cư trước khi ra quyết định thu hồi đất, cuối năm 2009 áp dụng giấy mới thay sổ đỏ, sổ hồng… là những thông tin được công bố tại cuộc giao lưu trực tuyến trong cả ngày 17-4 của Bộ Tài nguyên – môi trường cùng sở tài nguyên – môi trường của 63 tỉnh, thành phố với người dân, doanh nghiệp.
Tổng cục Đất đai đang trả lời trực tuyến, đây là đơn vị nhận được nhiều câu hỏi nhất – Ảnh: Xuân Long |
Cuộc giao lưu có hơn 1.400 câu hỏi về những vấn đề nóng ở ba lĩnh vực: đất đai, môi trường và địa chất – khoáng sản. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Phạm Khôi Nguyên đánh giá với 75% câu hỏi liên quan đến đất đai, 20% câu hỏi liên quan đến lĩnh vực môi trường và thống kê sơ bộ có tới hơn 900.000 lượt truy cập tham gia giao lưu trực tuyến trong buổi sáng cho thấy lĩnh vực đất đai và môi trường còn nhiều bức xúc cần tháo gỡ. Theo lãnh đạo bộ, trong số 75% câu hỏi liên quan đến đất đai, đa số tập trung xung quanh ba vấn đề: cấp sổ đỏ, sổ hồng, xác lập quyền sở hữu, đền bù thu hồi đất nông nghiệp và thủ tục chuyển nhượng, vay thế chấp. Những vấn đề này, bộ đều đã có lộ trình cụ thể.
Đặc biệt, trong số 20% câu hỏi liên quan đến lĩnh vực môi trường, có rất nhiều câu hỏi tập trung đặt vấn đề về hướng xử lý đối với các đơn vị vi phạm, mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại các tỉnh thành khiến người dân ngày càng bức xúc.
Theo thống kê của bộ, đến cuối ngày bộ và các sở đã trả lời được 518 câu. Tất cả những câu hỏi còn lại, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu trong bảy ngày tới bộ và các sở phải trả lời xong và công khai trên mạng.
Trao đổi bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về những điểm mới được điều chỉnh tại nghị định mới về giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói:
– Lần này việc đào tạo nghề sẽ được làm cương quyết, làm mạnh mẽ, cụ thể hơn và Nhà nước phải đứng ra lo việc đào tạo (trước là giao cho doanh nghiệp). Riêng lĩnh vực đào tạo nghề, bộ đã có bàn riêng với Bộ Lao động – thương binh & xã hội, và tới đây sẽ có những đề án chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm cụ thể cho người bị thu hồi đất. Đối với việc tái định cư, trong nghị định mới sẽ đẩy mạnh theo hướng tránh để thu hồi đất rồi mới lo tái định cư, tức là phải có nhà tái định cư trước khi ra quyết định thu hồi đất. Đặc biệt, cố gắng tối đa để người dân bị thu hồi đất vào khu tái định cư không phải nộp thêm tiền. Để làm được điều này, cách làm lần này phải có nhiều cơ chế.
Cơ chế thứ nhất là phải có nhiều loại hình tái định cư, nhiều mẫu nhà tái định cư, nhiều diện tích nhà tái định cư để phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương đó và phù hợp với tình hình bồi thường, hỗ trợ của từng hộ dân. Riêng về giá đất, phần đền bù giá trị đất đang thực hiện được cho là chưa đủ, và lần này trong nghị định mới xác định có hỗ trợ thêm đối với đất nông nghiệp bị thu hồi bằng cách nâng hệ số. Riêng mức nâng hiện vẫn đang bàn nhưng có ý kiến đề nghị nâng hệ số từ 1,5-5 lần. Đồng thời hình thức hỗ trợ cũng được điều chỉnh, người dân nếu không nhận tiền sẽ cấp cho một suất đất dịch vụ theo định mức của địa phương hoặc có thể cấp cho căn hộ nếu địa phương thiếu đất nhưng nhiều căn hộ.
* Ông có nói sẽ có một loại giấy mới thay thế sổ đỏ, sổ hồng để giảm bớt rắc rối, nhưng cũng có ý kiến hoài nghi khi thêm một loại giấy mới, một tên gọi mới sẽ lại có những rắc rối khác khi ngày càng nhiều loại giấy?
– Đúng là thực tế hiện nay có nhiều loại giấy nên rất phức tạp. Về quyền sở hữu không có vướng mắc nhiều nhưng khi giao dịch vay vốn, thế chấp, liên doanh đã có phát sinh rắc rối. Hiện nay Quốc hội và Chính phủ đều đã có chỉ đạo chỉ có một loại giấy. Loại giấy này đã được bộ thiết kế xong và sẽ được áp dụng sau thời điểm sửa Luật đất đai, Luật nhà ở cuối năm 2009. Tên gọi của loại giấy mới này là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Loại giấy này giống như sổ hộ khẩu, sẽ có nhiều trang và thể hiện được nhiều nội dung, nhiều đối tượng mà các giấy trước đã cấp. Khi áp dụng cấp loại giấy này sẽ dừng việc cấp tất cả các giấy khác, đồng thời những trường hợp cần giao dịch, người dân cần cấp đổi, bộ sẽ có chỉ đạo tạo mọi điều kiện cấp đổi và không tiến hành thu tiền.
* Mới đây Công ty Vedan đã đưa ra mức bồi thường 25 tỉ đồng cho người dân, nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức bồi thường này không thể do một bên đơn phương quyết định mà cần phải có sự thỏa thuận, thưa ông?
– Mặc dù việc kiện cáo và mức bồi thường không phải lĩnh vực do bộ quản lý, nhưng tôi nghĩ ở đây cả Vedan và người dân đều phải sòng phẳng trước pháp luật. Người dân hoàn toàn có quyền đi kiện, nhưng tôi nghĩ các cơ quan nhà nước cần phải đứng sau người dân để có những hình thức hỗ trợ về mặt pháp luật, cơ sở khoa học. Bộ Tài nguyên – môi trường sẵn sàng hỗ trợ người dân xung quanh việc kiểm định về môi trường.
Dứt khoát không đồng ý cho Hyundai Vinashin nhập xỉ đồng Liên quan đến việc UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Tài nguyên – môi trường xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho Hyundai Vinashin nhập khẩu xỉ đồng để phun rửa vỏ tàu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định: “Quan điểm của Bộ Tài nguyên – môi trường là không cho nhập nữa. Thực tế toàn bộ số xỉ đồng phải xử lý vẫn chưa làm xong thì không thể đề cập việc nhập lại. Dứt khoát tôi không đồng ý cho nhập lại”. |
XUÂN LONG