Sau khi biết quyết định quy hoạch dự án tại địa phương mình, hàng chục hộ dân đã “đi tắt đón đầu” vay tiền về cơi nới, xây dựng công trình, nhà cửa nhằm kiếm ít tiền đền bù. Thế nhưng dự án thay đổi địa điểm đã khiến họ như ngồi trên đống lửa vì những khoản nợ không biết bao giờ mới trả được.
Ngày 13/2/2009, quyết định xây dựng dự án KCN Công nghệ thông tin tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng được công bố đến các hộ dân trong vùng giải tỏa của dự án thuộc ba thôn Phước Thuận, Phước Hậu và Hòa Khương. Ngay sau khi biết thông tin này, hàng chục hộ dân đã đi vay “nóng”, mượn của bà con hàng chục triệu đồng về xây dựng nhà cửa, cơi nới tường rào cổng ngõ, công trình phụ chờ ngày được nhận tiền đền bù. Trong các tháng 2, 3 và 4/2009 xe chở VLXD cứ chạy suốt ngày đêm trên các ngõ đường của 3 thôn trên. Và rồi những căn nhà, những tường rào cổng ngõ đến nay vẫn như còn mùi xi măng mọc lên như nấm sau mưa. Người ta xây dựng cả ngày lẫn đêm khiến thợ xây dựng lên cơn “sốt” ảo. Vì vậy giá ngày công xây dựng của thợ liên tục được đội lên từ 70 rồi 90 đến 150 nghìn đồng nhưng vẫn làm không hết việc. “Thấy xung quanh người ta đua nhau đổ VLXD làm nhà cửa, tường rào cổng ngõ tôi cũng đi cầm cố “sổ đỏ” vay 20 triệu đồng và mượn thêm anh em ít nữa về làm cái cổng không kể ngày lẫn đêm”, anh Huỳnh Ngọc Hồng (trú Phước Thuận, Hòa Nhơn, Hòa Vang) cho biết. Và anh Hồng không giấu giếm: “Nói thật, khi đó làm để có làm, làm kiểu cuốn chiếu mà chờ ngày nhận tiền đền bù chứ có chú ý đến chất lượng gì đâu”. Giờ đây mỗi tháng anh Hồng phải tích góp trả hơn 2 triệu đồng tiền gốc lẫn lãi, trong khi gia đình anh chỉ có ba sào ruộng, bản thân anh là “thợ đụng”, ai gọi gì làm nấy, hết thợ hồ đến khai thác đá, công việc không ổn định. Ở thôn Phước Thuận, ngoài những cổng ngõ, công trình phụ còn có những ngôi nhà ngày này qua ngày khác cửa đóng then cài, không có người ở. Đó là những căn nhà được xây dựng tạm bợ, chạy đua với thời gian để nhận tiền đền bù từ dự án. Có nhà đi vay mượn hàng trăm triệu đồng về xây những ngôi nhà trông rất bề thế (vì những lý do tế nhị nên chúng tôi không nêu tên những người này). “Trước khi làm nhà tôi tính cả hai phương án. Nếu được giải tỏa đền bù thì tốt nhưng không được cũng chẳng sao vì tôi làm để ở nữa. Vì vậy căn nhà tôi có giá trị hơn 80 triệu đồng, rất chắc chắn”, anh Huỳnh Bá Cầu (trú Phước Thuận, Hòa Nhơn) bộc bạch. Để làm được căn nhà này anh Cầu đi vay mượn gần 50 triệu đồng, tuy nhiên việc hoàn trả là “trong khả năng của tôi vì gia đình tôi có những nguồn thu nhập khá ổn định mà”, lời anh Cầu. Được biết, vợ anh Cầu hiện là giáo viên và bản thân anh cũng rất chăm chỉ làm việc nên thu nhập gia đình vào loại khá trong thôn. Tại thôn Hòa Khương và Phước Hậu, tình trạng cơi nới, xây mới các công trình cũng diễn ra sôi nổi không kém ở Phước Thuận. Có nhiều nhà thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng khi thấy làng xóm xây dựng nhiều quá cũng đi vay mượn tiền về xây công trình. Và rồi khi biết tin dự án được chuyển đi nơi khác mới té ngửa vì biết đến bao giờ dành dụm đủ tiền mà trả nợ. Gia đình anh Đỗ Hữu Thí và chị Lê Thị Hưng là một trường hợp như vậy. Có 5 người con, kinh tế gia đình lại khó khăn nên anh chị được đề xuất vào diện xóa đói giảm nghèo để nhận 20 triệu đồng về sửa sang lại căn nhà đã cũ kĩ. Chỉ vì xây dựng theo mọi người cái tường rào cổng ngõ và làm hòn non bộ bằng tiền vay mượn mà anh chị không được nhận tiền sửa sang nhà cửa nữa. Trong căn nhà cũ nát, chị Hưng nghẹn ngà “Giờ thì tiền mất tật mang rồi. Tiền làm nhà không có, cũng không biết đến bao giờ mới dành dụm đủ tiền mà trả nợ vay khi xây dựng tường rào”.
“Biết được người dân sẽ ồ ạt xây dựng, cơi nới các công trình để chờ giải tỏa đền bù nên xã không cấp phép xây mới nhà cửa và thường xuyên kết hợp với Đội Quy tắc huyện vào xử lý hành chính các hộ xây dựng nhà cửa trái phép. Tuy nhiên, vẫn không thể xử lý dứt điểm được vì người dân xây dựng cả ngày lẫn đêm và làm ồ ạt quá”, ông Nguyễn Đăng Dự – Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết như vậy. Cũng theo ông Dự, để tránh tình trạng sập đổ những công trình kém chất lượng khi mùa mưa bão đang đến gần, xã sẽ quyết liệt trong việc buộc tháo dỡ những công trình này. Được biết, quyết định chuyển KCN Công nghệ thông tin lên xã Hòa Liên, giáp ranh với xã Hòa Nhơn được thông báo gần một tháng nay. Và đây cũng là khoảng thời gian mà hàng chục hộ dân của 3 thôn Phước Hậu, Phước Thuận và Hòa Khương phải mất ăn mất ngủ vì những khoản nợ ngập đầu. Sở dĩ dự án được chuyển lên Hòa Liên vì nơi đây chủ yếu là đất đồi, dân cư ít nên số tiền đền bù sẽ giảm hơn rất nhiều khi dự án được đặt ở Hòa Nhơn. |
Đà Nẵng: Hàng chục hộ dân “méo mặt” vì “đi tắt đón đầu”
54