Đà Nẵng mở thêm cơ hội phát triển



TT – Sáng 25-3, Đà Nẵng chính thức thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước – cầu dây võng dài nhất VN – được xây dựng tại nơi sông Hàn gặp biển, nối liền quận Hải Châu và bán đảo Sơn Trà.








Vị trí cáp treo Bà Nà và cầu Thuận Phước trên bản đồ Đà Nẵng- Ảnh: Đ.Nam – Đồ họa: Vĩ Cường


Cũng hôm qua, TP Đà Nẵng khánh thành và đưa vào khai thác cáp treo Bà Nà – tuyến cáp treo dài 5.042m từ chân cầu An Lợi lên đến đỉnh Bà Nà ở độ cao hơn 1.500m. Tuyến cáp treo này được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đạt hai kỷ lục: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới và là tuyến cáp treo có độ chênh cao nhất thế giới.


Phát triển nhanh







Cầu treo dài nhất VN


Cầu Thuận Phước được khởi công đầu năm 2003, có chiều dài 1.850m (dài hơn cầu Mỹ Thuận 300m), độ tĩnh không thông thuyền 27m, nằm ngay cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng. Cầu nối quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà do Cục Cầu lớn Vũ Hán (Trung Quốc) thiết kế, là cầu treo dài nhất VN. Tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.


Cầu Thuận Phước có tải trọng 10 tấn nối TP Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà – nơi có tiềm năng du lịch cực lớn cùng với quỹ đất rộng 4.700ha. Nằm ngay dưới chân cầu Thuận Phước là dự án khu đô thị Đa Phước, một dự án du lịch thuộc loại lớn trong khu vực.


Theo kế hoạch, ngày 19-5 cầu Thuận Phước sẽ khánh thành.

Có mặt tại các sự kiện lớn này của TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Cứ mỗi lần về thăm Đà Nẵng, tôi lại thấy Đà Nẵng đổi thay. Sự đổi thay ấy cho thấy có một sức sống mới đang lan tỏa và làm Đà Nẵng phát triển từng ngày”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng sự đổi thay của Đà Nẵng bắt nguồn tự sự năng động trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo TP. Điều này là yếu tố quyết định để Đà Nẵng trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và xây dựng chính quyền.


Nói về sự thay đổi khá ấn tượng của Đà Nẵng, phó Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng nhận định: “Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh và đang thu hút sự quan tâm của cả nước”. Theo ông Hoàng, để Đà Nẵng thật sự trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu ở miền Trung, cần có một chiến lược phát triển quy mô hơn và đầu tư nhiều hơn nữa.


Hơn 18km bờ biển Liên Chiểu – Thuận Phước với trên 2.000 hộ dân được giải tỏa để xây dựng tuyến đường du lịch ven biển Liên Chiểu – Thuận Phước và hình thành các khu dân cư mới văn minh, sạch đẹp. Các vùng ven đô đã góp phần đáng kể vào việc mở rộng không gian đô thị của Đà Nẵng đương đại. Từ một TP chỉ gói gọn chừng chục km2 trong những năm 1980, hiện đô thị Đà Nẵng đang mở rộng theo các hành lang ven biển và quy hoạch, xây dựng thêm một số quần thể kiến trúc theo hướng tây và nam để hình thành những khu đô thị sinh thái mới.


Trong thời điểm này, Đà Nẵng đang có hơn 20 dự án xây dựng các khu đô thị, khu du lịch và các trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỉ USD. Ông Lee Kwang Won (Hàn Quốc) – giám đốc điều hành dự án khu tháp đôi Truefriend Park, có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD ở bờ đông sông Hàn – nhận xét: “Đà Nẵng là mảnh đất tốt cho các nhà đầu tư, chúng tôi chọn Đà Nẵng vì ở đây hội đủ điều kiện để sinh sống và làm ăn lâu dài”.


An dân


Khi nói đến Đà Nẵng, không ít người đều biết đến đó là một địa phương làm tốt công tác giải tỏa đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh vào hàng nhất nhì của cả nước. Ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy, người từng cọ xát thực tế với câu chuyện giải tỏa đền bù ở Đà Nẵng – tâm sự: “Điều chúng tôi mong muốn là làm cho TP ngày càng đẹp hơn, giàu hơn và người dân có được cuộc sống tốt hơn. Để làm được điều này thì an dân là điều cần làm trước tiên. Dân không an cư thì lãnh đạo TP có giỏi bằng trời cũng bó tay thôi”.


Và với chính sách an dân, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận lớn trong lòng gần 1 triệu người dân đang an cư ở mảnh đất này. Chính điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Đà Nẵng cư trú và xem đây là nơi “đất lành chim đậu”.


KIM EM – ĐĂNG NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *