Tình trạng khai thác khoáng sản không có giấy phép ở tỉnh Đắc Lắc đang diễn ra phổ biến và công khai. Theo điều tra sơ bộ của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, trong tổng số 329 tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh thì chỉ có 53 tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động; 276 tổ chức còn lại đều đang hoạt động trái phép một cách công khai.
Hoạt động khai thác khoáng sản “chui” của các tổ chức, các nhân ở Đắc Lắc chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: đá kẻ, đá grannít, đất sét, cát, than bùn… Tại huyện Krông Ana hiện có 179 tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng chỉ có 2 đơn vị có giấy phép, còn lại đều không có giấy phép. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở Đắc Lắc đang diễn ra công khai, bởi hầu hết các tổ chức cá nhân thực hiện khai thác “chui” đều chọn những vùng khoáng sản có địa bàn thuận lợi về giao thông để làm.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Đắc Lắc không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn làm ô nhiễm trầm trọng môi trường, phá hỏng các công trình giao thông, làm đảo lộn dòng chảy và gây sạt lở bở sông… Đáng lo ngại hơn, tại các địa phương có nhiều khoáng sản kim loại và phi kim loại như Krông Bông, Krông Pắk, Ea Súp, Lắk, Ea H’leo, Cư Kuin… tình trạng khai thác trái phép tiếp tục phát triển rầm rộ với nhiều công trường khai thác mới được mở. Hiện các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng ở Đắc Lắc vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này./. |