TT – Ngày 1-8, toàn bộ lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã tổ chức đối thoại với các trưởng ấp, trưởng khu phố… trên toàn huyện để lắng nghe và trả lời thắc mắc của những người đại diện cho dân.
Ông Nguyễn Văn Lợi, ở ấp 3, xã Tân Quý Tây, kể nỗi khổ của bà con ấp mình: “Dự án bến xe miền Tây quy hoạch đã mười mấy năm, nay nghe nói thay đổi chủ đầu tư. Dân ấp 3 chờ đợi mỏi mòn bao nhiêu năm rồi, giờ huyện cho biết là có thực hiện dự án hay không và bao giờ thực hiện”.
Ông Trần Trọng Tuấn, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, giải thích: từ đầu năm đến nay UBND huyện đã hai lần làm việc với chủ đầu tư. Chậm nhất đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, UBND huyện cùng với các chủ đầu tư xây dựng xong phương án bồi thường cho dân. Ông Tuấn cũng nói: tuyến cuối của metro Bến Thành – bến xe miền Tây đặt ở P.An Lạc (Bình Tân), nhưng bến xe miền Tây lại đặt ở xã Tân Quý Tây, không thuận tiện lắm cho người dân.
UBND huyện đã kiến nghị với thành phố kéo dài tuyến metro để kết nối với bến xe miền Tây sẽ thuận tiện cho dân và tạo động lực phát triển khu vực này. Liên quan đến dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc, ông Tuấn cũng cam kết sẽ có phương án giá bồi thường đất cho dân vào tháng 11-2009.
Đại diện xã Bình Lợi cho biết dự án bờ bao Bình Lợi kéo dài gần mười năm chưa triển khai. Người dân ở xã này rất khổ sở khi mưa lớn, nước lên. Ông Tuấn thừa nhận: “Khuyết điểm này thuộc về UBND huyện đã để dự án kéo dài”. Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Bình Chánh, giải thích thêm: cái khó của dự án rộng 850 ha này là kinh phí quá lớn (khoảng 100 tỉ đồng) và phải xây dựng 17 cống hộp, 50 cầu qua kênh mương, rạch.
Đại diện ấp 4, xã Đa Phước thắc mắc: người dân trong dự án khu xử lý rác bao giờ được nhận tiền bồi thường và tiền đền bù chênh lệch? Ông Nguyễn Văn Trường, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, cho biết: hễ chủ đầu tư chuyển tiền về thì huyện sẽ chi ngay cho bà con chứ không chậm trễ. Những trường hợp làm hồ sơ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ trễ sẽ được tính lãi suất ngân hàng kể từ ngày duyệt phương án bồi thường đến ngày có quyết định chi trả tiền. Nhưng bao giờ chủ đầu tư chuyển tiền thì… chưa biết.
Ông Nguyễn Văn Bút, phó ban nhân dân ấp 3, xã Phạm Văn Hai, nêu ý kiến: “Người dân đến ở khu tái định cư xã Phạm Văn Hai đã lâu mà chưa được cấp chủ quyền nhà, đất. Chủ đầu tư nói để làm đồng loạt cho cả khu vực nhưng mười năm nay vẫn chưa làm được. Người dân nhiều lần kiến nghị xin cấp giấy chủ quyền hoặc tập thể hoặc riêng lẻ cho từng hộ gia đình nhưng chưa nhận được phản hồi. Bây giờ phải làm sao, cán bộ chỉ cho chúng tôi cách làm?”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, tổ trưởng tổ 11, xã Lê Minh Xuân, bức xúc: “Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay quá rườm rà. Một bộ hồ sơ có 12 thủ tục, mỗi nhà làm ba bộ hồ sơ có đến 36 đầu giấy, có cần thiết hay không?”. Một đại diện ở xã Vĩnh Lộc B cho biết ở ấp của ông có một hộ bị sót trong đợt cấp số nhà lần trước. Hộ này làm hồ sơ xin cấp số nhà lại đã ba năm, hiện chủ nhà đã chết cả năm nay mà người con vẫn chưa được cấp số nhà.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết sẽ tìm hiểu lại hồ sơ này và báo cáo sau.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết huyện đã quyết tâm từ nay đến cuối năm sẽ không có trường hợp nào xây dựng sai phép, không phép mà không bị phát hiện, xử lý. “Từ khi khởi tố một đầu nậu đến nay, việc xây dựng trái phép đã giảm được 60%, huyện sẽ quyết tâm hơn trong việc này”. Ông Trần Trọng Tuấn cho biết cách đây hai ngày còn có người trồng trái phép một hàng trụ điện trên đất nông nghiệp, điều này chứng tỏ nhiều người chưa từ bỏ ý định xây dựng trái phép. Ông Huỳnh Việt, tổ trưởng tổ 62 xã Vĩnh Lộc B, gửi gắm: “Lãnh đạo huyện phải nói rõ cho dân biết thời điểm nào làm, thời điểm nào chấm dứt, chứ nói chung chung thì người dân không biết đâu mà lần”. |
D.NGỌC HÀ