Dân tái định cư ở Khu kinh tế Dung Quất: Ổn định dần với cuộc sống mới









BQL khu kinh tế Dung Quất đã xây dựng 9 khu tái định cư mới, ổn định nơi ăn chốn ở cho hơn 13.000 người dân trong vùng quy hoạch dự án. Sau hai năm triển khai đến nay đã có hơn 2.000 hộ dân di dời đến nơi ở mới. Khắc phục những khó khăn ban đầu, nhiều người dân tìm hướng đi mới dần dần ổn định cuộc sống.




Đời sống người dân tái định cư ổn định và khấm khá.

Hiện nay, trên địa bàn KKT Dung Quất có 5 khu dân cư đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: Tây Trà Bồng, Đồng Rướn, Bình Thuận, Tây Bắc Vạn Tường và Trảng Bông. Tại các khu dân cư này, cơ sở hạ tầng như hệ thống điện chiếu sáng, điện, nước sinh hoạt, hố gas, đường giao thông, trạm xá, trường học, nhà văn hóa thôn… đã được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân. Ông Lê Đình Nở, khu dân cư Trảng Bông cho biết: “Khu dân cư này gần đường giao thông, có hạ tầng tốt lại gần trường học nên có điều kiện chăm sóc con. Tuy nhiên, do thiếu việc làm nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn”.



Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân sống trên vùng tái định cư đã tự tìm hướng đi mới, chuyển đổi nghề nghiệp như tráng bánh tráng, buôn bán, làm thợ xây, thợ mộc… Phần lớn người dân vùng tái định cư làm nghề nông, nghề biển, khi vào nơi ở mới thì không có điều kiện phát huy nghề nghiệp cũ trong khi họ chưa qua một khoá đào tạo nghề nghiệp nào nên khi xin vào các Cty, xí nghiệp là rất khó.



Để giải quyết những khó khăn cho người dân vùng tái định cư, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho BQL KKT Dung Quất khẩn trương phối hợp các sở, ngành tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách “hậu” tái định cư. Đây là cơ sở để hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi nghề nghiệp, nhà ở, việc làm. Định hướng phát triển KKT Dung Quất đến năm 2015, sẽ GPMB trên diện tích 9.300ha; tổ chức di dời hơn 5.000 hộ dân đến các khu tái định cư. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu người dân cần hỗ trợ và giải quyết việc làm sẽ gia tăng. Vì vậy, trước mắt cần có giải pháp đào tạo, giúp người dân tiếp cận các kênh thông tin việc làm, định hướng đầu tư các điểm dịch vụ xen trong các dự án nhằm giải quyết việc làm cho người dân ổn định tại nơi ở mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *