Vì vậy, việc cấm tất cả ôtô qua cầu này suốt gần bốn tháng qua khiến hàng nghìn hộ dân ở phường Cẩm Nam gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Xe tải phải chuyển hàng sang xe thô sơ để chuyển qua cầu Cẩm Nam – Ảnh: V.HÙNG |
Do cấm ôtô không được qua cầu Cẩm Nam nên để vận chuyển hàng hóa, người dân mua vật liệu xây dựng buộc phải vận chuyển bằng xe thô sơ làm chi phí, giá cả tăng lên. Bao ximăng vốn có giá 50.000 đồng khi chuyển qua cầu bị tăng lên hơn 60.000 đồng. Sắt thép, vật liệu xây dựng đều bị tăng giá vì phải thuê người chuyển hàng xuống, thuê xe bò kéo qua cầu.
Nhiều quán xá, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch cũng lâm cảnh buôn bán ế ẩm vì không có khách.
trong đó hàng chục quán bán đặc sản Hội An ở khu vực Cẩm Nam như bánh tráng đập, hến trộn, chè bắp… trước đây nhộn nhịp du khách nay trở nên đìu hiu vì không có ôtô chở khách tới. Thậm chí nhà hàng “Vườn ven sông” trước đây chuyên đón khách Tây phải đóng cửa mấy tháng nay. Cả chủ và 20 nhân viên của nhà hàng trở nên thất nghiệp. Hai khách sạn phố Hội và Vạn Lợi cũng bị mất khách rất nhiều.
Tổng giám đốc khách sạn Vạn Lợi Lê trường Sơn than thở: “15 hãng lữ hành là đối tác thường xuyên của khách sạn đã hủy tour, doanh thu khách sạn bị sụt giảm rất nhiều, mất trắng gần nửa tỉ đồng”. Cũng theo ông Sơn, hơn 80 nhân viên khách sạn có nguy cơ mất việc làm nếu tình trạng cầu Cẩm Nam không được sửa chữa kéo dài.
Ông Đỗ Văn Tuấn – chủ tịch UBND phường Cẩm Nam – cho biết: “Toàn phường có 1.400 hộ với hơn 6.000 dân. Việc cấm ôtô qua cầu khiến dân rất bức xúc. Dân cứ đến phường chất vấn nhiều lần sao cầu không được sửa. Nhưng trách nhiệm của phường chỉ kiến nghị lên Tp chứ không đủ thẩm quyền giải quyết”.
Ông cho biết giữa tháng 10-2009, sau khi Tp Hội An kiến nghị nhiều lần, Sở Giao thông vận tải tỉnh đưa đoàn khảo sát, lập kỹ thuật, dự toán sửa chữa cầu. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy rục rịch chuyện sửa cầu.
Còn theo ông trương Văn Bay – phó chủ tịch UBND Tp Hội An: “Sau nhiều lần kiến nghị, tỉnh đã giao Tp làm chủ đầu tư dự án sửa chữa cầu Cẩm Nam”. phương án sửa cầu là ép các trụ bêtông mới vào hai trụ đang bị gãy và gia cố các trụ còn lại với kinh phí khoảng 1,2 tỉ đồng.
Việc sửa chữa cầu này không phức tạp nhưng tiến độ chậm là do thủ tục khảo sát, thiết kế, lập dự toán kéo dài, rồi gặp thời tiết không thuận lợi nên chưa thể triển khai thi công. Hiện nay, theo ông Bay, tiến độ sửa chữa cầu Cẩm Nam phụ thuộc vào đơn vị thi công nhưng đơn vị này chưa báo cáo Tp thời điểm nào sẽ triển khai sửa chữa.