– Vị trí: Chùa tọa lạc tại 163A, đường Lương Định Của, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
– Đặc điểm: Các tác phẩm tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp… được tạo ra từ đất sét, thoạt nhìn không ai có thể tin là thật.
Chùa Đất Sét, còn gọi là Bửu Sơn Tự đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (trước đây) công nhận di tích văn hoá lịch sử quốc gia. Đây là ngôi chùa độc nhất vô nhị của một gia đình đồng bào Hoa họ Ngô, có 1991 bức tượng Phật lớn nhỏ được làm hoàn toàn bằng đất sét. Đặc biệt có 8 cây nến nặng 1,4 tấn, tất cả đều được tạo nên bởi bàn tay của nghệ nhân Ngô Kim Tòng (1909-1970).
Chùa được xây dựng cách đây 200 năm do ông Ngô Kim Tây sáng lập để tu tại gia. Lúc ban đầu, chùa được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ, sẵn có tại địa phương như cây, đước, lá. Qua thời gian, chùa bị hư mục nhiều và đã được con cháu, dòng tộc họ Ngô tu bổ nhiều lần; và được trùng tu lần cuối vào năm 1906 với 24 cột bằng cây đước, lợp lá.
Đến năm 1928, ông Ngô Kim Tòng (sinh năm 1909, mất năm 1970), người trụ trì đời thứ tư trông nom Chùa Đất Sét, khởi xướng trùng tu chùa bằng đất sét. Ông Ngô Kim Tòng là một nghệ nhân đã tạo nên công trình ngôi chùa có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm ở nước ta. Đầu tiên, đất sét lấy về, ông cho phơi thật khô; sau đó bỏ vào cối giã nhuyễn, rồi sàng lọc bỏ rễ cây, rễ cỏ, lấy đất sét mịn trộn với bột nham ô đước tạo thành một hợp chất dẻo, thơm để sử dụng nặn Tượng Phật và xây chùa.
Chùa được tôn tạo từ năm 1928 và sau 42 năm thì hoàn thành.
Qua cổng Chùa bước vào chánh điện là nhà tam giáo cộng đồng, được xây đắp năm 1942 gồm: Tượng Adiđà, Quan thế âm, Bổn sư thích ca, Ca diếp, Khổng tử, Lão tử. Bộ tượng này đặt trên hai tầng, hai cột đỡ hình tháp đắp nổi hình rồng.
Năm 1939 khi mới 30 tuổi, ông Ngô Kim Tòng đã xây dựng được toà Đa bảo 13 tầng, 208 cửa, 208 vị phật, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ mái tháp.
Cuối năm 1940 (năm Canh Thìn), ông Ngô Kim Tòng xây đắp tháp Bảo Toà trụ thế chuyển pháp luân, trên có đài sen gồm 1.000 cánh hoa sen, 1.000 vị Phật ngồi trên đài sen là vầng hào quang ngủ bá thân Như Lai, hào quang ẩn hiện hình 500 vị Phật, dưới đài sen có hình bát quái gồm 8 cung, 16 tiên nữ ứng hầu dưới chân tháp bảo toà có long – lân – phụng và 12 con cá hoá long chầu quanh.
Nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu về Chùa Đất Sét đều đánh giá cao cây đèn Lục Long Đăng. Đây là tác phẩm trong những năm cuối đời của cụ Ngô Kim Tòng. Lục Long Đăng khổng lồ làm bằng đất sét treo dưới trần nhà trung tâm chùa gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo mấy chục năm không hề biến đổi.
Vào những năm đầu thập niên 1960, để chống lại mối, mọt tàn phá cột đỡ mái chùa, tạo nét trang nghiêm rực rỡ, cụ Ngô Kim Tòng đắp nổi hình rồng quấn quanh 24 cột trong chùa và đắp linh tượng những con vật hầu Phật: Bạch tượng, Long Mã, Thanh Sư, Bạch Hổ, Kim Lân, chầu điện Diêu Trì. Những năm cuối đời cụ tạm ngưng đắp tượng, tiến hành đúc các cây nến dựng tại các toà chánh điện trong chùa. Trong nhiều tháng làm liên tục, ông đúc được 6 cây nến lớn và 2 cây nến nhỏ. Trọng lượng mỗi cây nến lớn khoảng 200kg, cao 1,6m, ước cháy liên tục khoảng 70 năm. Hai cây nến nhỏ mỗi cây nặng 100 kg được thắp vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1970 kể từ ngày cụ Ngô Kim Tòng viên tịch. Nến đã cháy liên tục hơn 38 năm nay hiện còn gần 1/5 cây. Tại đây còn có 3 cây hương (nhang) mỗi cây cao 1,5m chưa đốt.
Những tác phẩm thờ Phật được làm từ đất sét do cụ Ngô Kim Tòng tạo dựng cách đây 60 năm vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Từ nhiều năm nay, Chùa Đất sét đã được du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Hiện nay cụ Ngô Kim Giảng, 92 tuổi, là em út của cụ Ngô Kim Tòng chăm nom dọn dẹp và hương khói tại chùa.
Hơn 30 năm âm thầm làm “hướng dẫn viên” không chuyên và sự đóng góp to lớn về sự phát triển du lịch ở Sóc Trăng, cụ Ngô Kim Giảng đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao tặng huy hiệu Vì sự nghiệp ngành Du lịch Việt Nam./. |