Trang chủ » Đào tạo đại học: Chuyện của ai nhỉ ?

Đào tạo đại học: Chuyện của ai nhỉ ?

bởi Kien Truc - Kientruc.vn


Ông Đào trọng Thi

Đầu tuần này, những thông tin về tình hình giáo dục đại học nước nhà đã làm nóng thêm nghị trường. Kết quả giám sát của UBTV Quốc hội mà GS.TSKH Đào trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH đưa đã khiến các đại biểu sửng sốt.

Tăng trưởng vọt

Tính đến 30/9/2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học (180 trường đại học, 232 trường cao đẳng, 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn (1998 – 2009) có tới 304 trường ra đời theo phong trào mỗi địa phương “một nhà máy đường, một trường đại học”. Hiện 62/63 tỉnh thành có ít nhất một trường. Quy mô đào tạo năm học 2009 – 2010 là hơn 1,7 triệu sinh viên/năm, đạt tỷ lệ 195 sinh viên/vạn dân, quả dân ta thật hiếu học!

Nhiều trường mới được thành lập đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt quá năng lực đào tạo nên chất lượng đào tạo không được đảm bảo. Nhiều trường sau hơn 10 năm thành lập vẫn chưa có địa điểm như ĐHDL Đông Đô, đến nay phải thuê tới 4 địa điểm đào tạo khác nhau. Có trường biến quán ăn thành… giảng đường như ĐH phan Thiết; hay vừa học vừa xem thi đấu như ĐHDL Nguyễn trãi thuê nhà tại khán đài SVĐ Mỹ Đình và khi sân này có trận đấu bóng là đương nhiên sinh viên phải nghỉ học (?).


Với tấm bằng cử nhân bạn sẽ làm gi?

Chất lượng lùi

Hiện tượng loạn cấp phép mở trường trên có thể nói trách nhiệm do Bộ GD&ĐT đã không hậu kiểm. Nhiều giảng viên có học hàm học vị được đăng ký tại rất nhiều trường, nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm. Cơ sở vật chất lại không bảo đảm cho giảng dạy và học tập. Điều nhãn tiền là sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của DN, của xã hội, và họ lại bắt đầu công cuộc đào tạo lại mới có thể làm được việc. Như vậy rất lãng phí tiền của, thời gian của sinh viên cũng như gia đình và xã hội.

Nhưng cũng phải nhìn ngược lại, khi đa số người dân đều muốn con em mình được “phổ cập đại học”, muốn làm thầy cho nở mày nở mặt với mong muốn thoát khỏi đói nghèo. Có cung thì có cầu. Các trường liên tục mở ra để đáp ứng khi mà hệ thống trường công lập không gánh nổi. Cũng do vậy mà nhiều trường hạ thấp điểm vào (có trường 7 – 8 điểm cũng đỗ, vì sợ không có sinh viên). Vì vậy, đã “sản sinh” ra loại “thầy chẳng ra thầy, trò không ra trò”. Một số DN ngành Xây dựng cũng cho biết họ đã phải đào tạo lại kỹ sư thành… công nhân cho phù hợp với yêu cầu phát triển của DN cũng như năng lực của lao động!

Kẻ nói 5 người nói 3

Ai cũng hiểu, để xảy ra tình trạng này là “lỗi hệ thống”, là từ chuyện hoạch định chiến lược giáo dục tầm vĩ mô. Giáo dục đại học đến nỗi “bi đát” thế này, một phần là do thiếu tầm nhìn, phần kia là do… ảo tưởng. Vì vậy mà Chính phủ phải cử hẳn một phó Thủ tướng đảm nhận trọng trách này. Mấy năm trước khi nhậm chức Bộ trưởng GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân đã tuyên bố những phương án cải tổ giáo dục được xã hội đồng tình. Nhưng giải quyết bài toán này thật không hề dễ. trên diễn đàn Quốc hội hôm 7/6, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT lại hùng hồn tuyên bố: “Bộ sẽ tập trung quản lý – quản lý nhà nước cũng như quản lý trường – trong 3 năm từ giờ đến 2012, giáo dục đại học sẽ tốt lên”. trong khi đó, ông Đào trọng Thi cho rằng Bộ GD&ĐT cần phải siết chỉ tiêu theo đúng năng lực của từng trường, nếu làm nghiêm túc thì sau 5 năm sẽ chấn chỉnh được chất lượng giáo dục đại học. “10 năm thì sợ quá dài, người ta quên mất. 5 năm cũng không quá “sốc”, phù hợp với việc lập kế hoạch, nhiệm kỳ lãnh đạo” – ông Thi nói.

Dù gì thì cũng quá nhiều câu hỏi đặt ra cho việc đi tìm một lời giải về chất lượng giáo dục đại học của chúng ta. Chuyện chẳng của riêng ông Nguyễn Thiện Nhân (tất nhiên) và cũng chẳng thể bắt các vị Bộ trưởng GD&ĐT tiền nhiệm cùng chung trách nhiệm (vô lý). Vậy thì chuyện của ai nhỉ?

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.