“Đắp” hơn 14 tỷ đồng, đường cao tốc vào Hà Nội vẫn lún

(VTC New) – Quá trình thi công công trình tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ và sau khi đưa vào sử dụng vẫn trong tình trạng lún, làm phát sinh chi phí hơn 14 tỷ đồng.

Nội dung trên được đưa ra tại bản công khai kết quả Kiểm toán dự án công trình tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ (vẫn thường gọi tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Kết quả có được dựa trên việc kiểm toán các gói thầu xây lắp và chi phí giải phóng mặt bằng trong chi phí khác của các hạng mục đoạn Pháp Vân – Tự Khoát, đoạn Tự Khoát – Thường Tín, đoạn Thường Tín – Cầu Giẽ.

Lún triền miên, vì sao?


Với mục đích, xây dựng mới tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên trên tuyến quốc lộ 1A cũ, đồng thời làm động lực phát triển kinh tế, xã hội khu vực Hà Nội cũng như các tỉnh có Dự án đi qua.







Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ  

Dự án công trình tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ, xây dựng đường 4 làn xe cơ giới có dự phòng đất để mở rộng thành 6 làn xe cơ giới và nâng cấp thành đường cao tốc, theo tiêu chuẩn đường cấp I (TCVN 4054-85), mặt cắt ngang rộng 25m. Dự án do Dự án do Chủ đầu tư: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư Chủ đầu tư là Ban QLDA1; giai đoạn thực hiện đầu tư: đoạn Pháp Vân – Thường Tín do Ban QLDA1 làm chủ đầu tư, đoạn Thường Tín – Cầu Giẽ do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư. Được khởi công từ 9/1998 và hoàn thành 01/2002 với tổng mức đầu tư hơn 62 triệu USD.

Quá trình kiểm toán cho thấy, công trình bị lún do công tác khảo sát thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu của dự án. Việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán còn hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án như: Thiết kế chưa nắm bắt đầy đủ thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của địa phương dẫn tới khi triển khai phải thay đổi thiết kế, bổ sung nhiều khối lượng, hạng mục công trình (tổng giá trị các thay đổi, bổ sung hơn 411 tỷ đồng, tăng hơn 110% so với dự toán ban đầu); thiết kế kỹ thuật chưa tính hết những điều kiện cần thiết để đảm bảo ổn định công trình.

Theo KTNN, công tác xử lý nền đường đắp trên đất yếu còn thiếu tài liệu tính toán sơ đồ bố trí và chiều sâu cắm bấc thấm; quá trình dỡ tải chưa xét đến độ lún dự báo; thiết kế kỹ thuật chưa tính đến ảnh hưởng của lớp đất yếu thứ 3 đến quá trình lún… là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lún công trình. Những tồn tại trên, theo KTNN thuộc về trách nhiệm của Tư vấn thiết kế, cơ quan thẩm tra thiết kế, Cục Giám định và QLCL thuộc Bộ GTVT và Bộ GTVT.

KTNN khẳng định, xảy ra hiện tượng lún kéo dài trên toàn tuyến do một trong những nguyên nhân là hạn chế trong khảo sát thiết kế và thi công. Mặc dù đã dự kiến trước nhưng các đơn vị quản lý chưa có biện pháp hiệu quả để hạn chế mức độ ảnh hưởng. “Trong quá trình thi công và sau khi đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường vẫn trong tình trạng lún, làm phát sinh chi phí bù lún rất lớn. Chi phí bù lún tính đến năm 2007 là hơn 14,4 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác” – Bản công khai kết quả kiểm toán chỉ rõ.

KTNN khẳng định, chất lượng công trình chưa đạt yêu cầu. Cơ quan này trích dẫn theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tại văn bản số 1932/HĐNTNN ngày 26/9/2005: Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ chưa đạt những chỉ tiêu thiết kế ban đầu là đường cấp I đồng bằng do tình trạng lún không đều, dẫn đến mặt đường không bằng phẳng).

Chậm và phát sinh nhiều kinh phí

Theo KTNN, tuyến tránh Hà Nội – Cầu Giẽ từ khi được bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giải phóng một lượng xe lớn, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông khu vực và trên Quốc lộ 1A cũ. Thống kê cho thấy, lượng xe bình quân 6 tháng đầu năm 2008 là 19.126 xe ôtô/ngày đêm; Tuy nhiên do công tác thiết kế, thi công và quản lý còn nhiều bất cập nên dự án còn một số hạn chế sau: Quy mô của dự án chưa đạt những chỉ tiêu thiết kế ban đầu là đường cấp I đồng bằng; một số hạng mục hiệu quả sử dụng thấp (vườn ươm cây thanh táo thi công xong nhưng không được sử dụng…), chất lượng không đảm bảo (đường ngang N5 đã hư hỏng chuẩn bị phải làm lại toàn bộ).

KTNN chỉ rõ, dự án chậm và kéo dài ở nhiều khâu (từ khi có Quyết định đầu tư Dự án đến khi Tổng dự toán được phê duyệt kéo dài gần 3 năm), tiến độ thực hiện hợp đồng (1A-1 và 1A-2) chậm (mặc dù đã được điều chỉnh gia hạn thêm 12 tháng nhưng vẫn bị chậm 3 tháng). Ngoài ra, sau khi thi công xong các Liên danh đã giải thể cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quyết toán. Trách nhiệm chủ yếu thuộc Bộ GTVT và Ban QLDA1, Ban QLDA2.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, khối lượng phát sinh quá lớn làm tăng chi phí đầu tư, phải điều chỉnh dự toán và tổng dự toán của công trình nhiều lần (Tổng dự toán lần cuối tăng hơn 2 lần mức ban đầu). Điều này xuất phát từ, công tác lập, thẩm định dự án đầu tư chưa được nghiên cứu đầy đủ, không lường hết các yêu cầu và sự phát triển của địa phương có tuyến đường đi qua nên phải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhiều lần (Tổng mức đầu tư điều chỉnh 3 lần, lần thứ 3 gấp hơn 2 lần tổng mức đầu tư ban đầu).

Theo KTNN, một số tồn tại trong quản lý đã làm ảnh hưởng đến tính kinh tế của dự án, cụ thể: Công tác quản lý chưa tốt dẫn tới sai sót trong nghiệm thu, thanh toán làm tăng chi phí công trình (qua kiểm toán thu hồi số tiền: 2,9 tỷ đồng); Thay đổi thiết kế một số hạng mục nên trong quá trình thi công phải phá đi làm lại, gây lãng phí; bổ sung lớp subase, base giải phân cách thay vì đắp thông thường làm tăng chi phí 620 triệu đồng; Do không xử lý tốt nền đất yếu nền đường bị lún kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng và làm tăng kinh phí bù lún đến năm 2007 là 14,499 tỷ đồng.

KTNN đề nghị giảm chi phí đầu tư đề nghị quyết toán đoạn Hà Nội- Thường Tín và Thường Tín- Cầu Giẽ hơn 20 tỷ đồng. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân đối với những sai sót trong quản lý thực hiện dự án.

Hà Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *