Những diễn biến trên thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, giới đầu cơ đang có xu hướng quay trở lại mảnh đất vốn vẫn được xem là màu mỡ này. Trong đầu tư bất động sản, có một tâm lý không ai bảo ai nhưng hầu như nhà đầu tư nào cũng đều dự tính: sự hồi phục của thị trường chứng khoán sẽ kéo theo sự sốt nóng trên thị trường bất động sản. Chính vì vậy, không ai khác mà chính giới đầu tư nhà đất sẽ là những người đón đầu sự phục hồi của thị trường bằng việc săn lùng các dự án, các khu chung cư để có thể nắm trong tay được ít nhất một vài căn hộ, mảnh đất rồi “vứt” đấy chờ khi được giá. Dân nghèo lại …tủi Một kịch bản sốt nóng của thị trường bất động sản kiểu như năm 2007 dường như đang có nguy cơ tái xuất hiện khi mà tâm lý mua nhà để đầu tư đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Đơn cử như tại khu đô thị Dương Nội, dù phần móng của dự án vẫn chưa hoàn thành và phải đến cuối năm nay doanh nghiệp này mới tiến hành ký hợp đồng bán suất các khu nhà chung cư. Thế nhưng, theo tìm hiểu thì tất cả các tầng “đẹp” của khu này đều đã được đăng ký kín chỗ. Điều đáng nói ở đây là nếu ai đó cần một suất tại dự án này thì vẫn có thể có ngay với điều kiện là phải mua lại của những người đã đăng ký với giá cao hơn giá của chủ đầu tư đưa ra rất nhiều. Một tay săn nhà đất có tiếng ở Hà Nội tiết lộ, dự án Dương Nội có giá 800 USD/m2 và cứ lên mỗi tầng sẽ tăng thêm 10 USD. Tuy nhiên, để có được một suất đăng ký tại các tầng đẹp, khách hàng chỉ còn cách mua lại của những người đã đăng ký với chênh lệch từ 50 -100 USD/m2. Điều đó giải thích vì sao mua được một căn nhà đúng giá trị của nó vẫn là một điều quá cao xa đối với nhiều người dân. Chị Phạm Thị Tịnh (Tây Hồ- Hà Nội) cho biết, dù đã nắm trong tay đến 5 căn nhà ở đất Thủ đô, nhưng nghe “dân tình” đồn thổi là giá nhà đất sẽ tăng vào cuối năm nay và đầu năm sau nên chị cũng đã lân la dò hỏi khắp các dự án chung cư ở khu Hà Đông, Từ Liêm… nhằm kiếm lấy một vài căn nhà hay miếng đất để đấy sang năm bán kiếm lời. Ngay như một người thân của người viết bài này, dù không phải đang thiếu chỗ ở nhưng cũng chính vì nghe tin đồn nhà đất sẽ tăng giá vào cuối năm nên dốc hết vốn liếng mua một căn chung cư với giá 1,2 tỷ tại khu đô thị Xa La (Hà Đông) để rồi khóa cửa …để đấy. Thắc mắc tại sao chị không cho thuê mà lại lãng phí để không thế cho lãng phí. Chị trả lời ngay: cho thuê cũng chỉ được 2 -3 triệu/ tháng là cao nhưng sẽ làm bẩn nhà, cũ nhà mà lại mất thời gian theo dõi, quản lý. “Cứ vứt đấy, nếu cuối năm tăng giá sẽ bán thì cũng lãi gấp mấy chục lần cho thuê”, chị “phán”như đinh đóng cột. Có sàn… như không Hoạt động đầu cơ dù là ở thị trường bất động sản hay ở bất kỳ thị trường nào khác lâu nay vẫn thường bị phê phán. Tuy nhiên, cũng thật khó để phân biệt được hai khái niệm “đầu tư” và “đầu cơ”, nhất là trên thị trường vốn vẫn được xem là không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận như thị trường bất động sản. Nhưng hậu quả và hệ lụy của đầu cơ nhà đất sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế cũng như quyền lợi của mỗi người dân, nhất là những người đang có nhu cầu tìm một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng, những cơn sốt ảo, bong bóng bất động sản lại đang có dấu hiệu trở lại khi mà giá nhà đất của nhiều dự án, chung cư cả mới lẫn cũ đang có dấu hiệu tăng nhanh chóng dù kinh tế vẫn chưa hồi phục rõ ràng. Đem thắc mắc này lên hỏi cơ quan quản lý thị trường bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đầu tư kinh doanh nhà đất vốn dĩ là hoạt động bình thường của mọi nền kinh tế, nhưng chúng ta vẫn có thói quen “nghĩ xấu” cho cho hoạt động này. Thực tế thì pháp luật đến nay cũng không hề cấm đoán. Chính vì thế, vị lãnh đạo này cho rằng, việc mua đi bán lại nhà, đất của một hay nhiều người cũng là điều bình thường, có chăng, nhà nước chỉ sử dụng công cụ thuế để đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, ngay cả quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn nhằm hạn chế tình trạng mua đi bán lại, thiếu minh bạch của thị trường bất động sản đã ra đời được hơn gần 3 năm nhưng dường như vẫn chỉ là hình thức, lý thuyết. Tình trạng các sàn bị biến tướng theo kiểu mua buôn bán lẻ là khá phổ biến. Tức là họ mua cả sàn hoặc năm bảy chục căn hộ của một chung cư với các ưu đãi riêng của chủ đầu tư, chiết khấu cao. Sau đó, chỉ cần có lời ở mức chấp nhận được là họ bán lại. Chính vì vậy, việc các nhà đầu tư, chủ đầu tư “bảo gì nghe nấy”cũng không lấy gì làm lạ. Điều này cũng giải thích vì sao, nhiều dự án dù chưa xây xong móng nhưng các sản phẩm thì đã hết từ lâu. Việc các căn hộ, mảnh đất được đem đến giao dịch ở sàn chẳng qua chỉ là để nộp lệ phí và để có được chứng nhận “đã qua sàn”. Một quan chức của Bộ Xây dựng thừa nhận, tình trạng không qua sàn hay dùng sàn làm hình thức vẫn khá nhiều, bởi đơn giản là nó liên quan đến túi tiền của các nhà đầu tư. Nếu qua sàn, mọi chi phí sẽ tăng lên và cơ hội mua bán trao tay, chớp nhoáng cũng không còn nữa. Theo vị quan chức này, dù đã có quy định nhưng vì thiếu cơ chế nên nhiều khi cơ quan quản lý cũng không thể quản lý và kiểm soát được hết. (Theo TBKTVN) |