Để đất hoang là lãng phí tài nguyên


KTĐT – Mấy năm trở lại đây, Hà Nội là địa phương có tốc độ đô thị hóa ở mức cao nhất cả nước. Mỗi năm có tới hàng nghìn ha đất dành cho các dự án, từ Trung ương đến địa phương.

Nếu ví đất đai là “Tấc đất, tấc vàng”, thì có thể nhẩm tính giá trị tài nguyên mà Hà Nội đang dành cho phát triển là rất lớn. Song rất tiếc, không phải tấc đất nào cũng được khai thác, tận dụng đúng nghĩa tấc vàng, bởi có tới hàng trăm dự án lớn, nhỏ mới lấy đất để hoang. Nhất là trong điều kiện Hà Nội mở rộng thì số dự án được cấp đất nhưng lại để hoang khá nhiều.

Đấy là chưa kể các chủ đầu tư ồ ạt lập dự án xin đất ở phía Tây trước khi sáp nhập, bất chấp quy hoạch Thủ đô sau khi mở rộng ra sao. Điển hình là 4 xã (thuộc huyện Lương Sơn trước đây) sau khi về Hà Nội đã được “lấp đầy” dự án phát triển đô thị, trong khi quy hoạch chung của Thủ đô thì khu vực này lại ưu tiên dành để phát triển sinh thái. Chẳng cứ gì vùng sâu vùng xa, ngay ở ven đường vành đai 3 khu vực quận Cầu Giấy, trong khi người nông dân không có đất để canh tác, nhưng lại có khu đất để cây dại mọc rậm rì . ..

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, hiện cả nước có trên 70 triệu mét vuông nhà công sở, ước tính giá trị trên 8.000 tỷ đồng. Từ năm 2001 đến nay, 2.500 tỷ đồng đã được các cơ quan nhà nước “đổ” vào xây 440.000m2 trụ sở hành chính. Tuy nhiên, chỉ qua rà soát ban đầu 2.248 địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội, đã phát hiện 3,6 triệu mét vuông đất bị sử dụng sai mục đích. Trong 802 địa điểm nhà, đất do Trung ương quản lý, có 172 địa điểm bị sử dụng sai mục đích (tổng diện tích lên đến 728.000m2).

Với vị thế Thủ đô, Hà Nội cũng đã có Chỉ thị thu hồi đất để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, tuy nhiên kết quả cũng rất hạn chế vì không ít chủ đầu tư có trong danh sách thu hồi “chạy” dự án, hoặc giả khởi động dự án để tránh “hạn”. Cũng liên quan đến hiệu quả sử dụng đất, Hà Nội đã rà soát các dự án trên địa bàn và thống nhất tiêu chí: dự án nào tiếp tục được làm, trường hợp nào điều chỉnh quy mô, trường hợp nào tạm dừng và dự án nào dừng hẳn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, quan điểm của thành phố rất rõ ràng: Tất cả các dự án liên quan đến việc chấp hành pháp luật khi có tiêu chí mà thành phố công bố thì các quận, huyện phải đồng thời có văn bản kiến nghị thành phố hướng xử lý với nguyên tắc sau 12 tháng không khởi công và sau 24 tháng theo tiến độ dự án không hoàn thành kể từ khi công bố tiêu chí thì thu hồi. Ông Khanh khẳng định sẽ không can thiệp bất cứ trường hợp nào và yêu cầu các quận, huyện không được “mềm lòng”.

Cũng với tinh thần này, từ 1/8 đến 30/10/2009, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, kết luận, đề xuất phương án xử lý, khắc phục cụ thể đối với các dự án “treo”. Đối tượng của các đợt kiểm tra gồm: các dự án có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai giải phóng mặt bằng; chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa; chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt… Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hy vọng các động thái của thành phố sắp tới sẽ quyết liệt để nguồn tài nguyên đất đai của Thủ đô thực sự trở thành tấc đất, tấc vàng đúng với giá trị thực, bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô.



Minh Hoàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *