Mới đây, trên diễn đàn báo chí, TS Vũ Thành Tự Anh – Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, TP.HCM – có đề cập đến việc quản lý vốn Nhà nước trong các DN sao cho có hiệu quả. Vốn là nhà khoa học có tên tuổi, lại khá “bạo mồm bạo miệng” nên ông đã cùng với nhiều nhà khoa học kinh tế tâm huyết khác không tiếc công sức tham gia chương trình phản biện cho chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Nay động đến việc quản lý vốn Nhà nước trong các DN, đương nhiên là món “khoái khẩu” của ông. Ông nêu lên 3 nguyên tắc cơ bản để những đồng tiền của người dân đóng thuế kia được sử dụng có hiệu quả, một là phải tách quản lý hành chính Nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh của DN; hai là hoạt động của các Cty này phải để cho chúng hoạt động theo các quy luật thị trường và trong khuôn khổ của pháp luật; ba là những đồng vốn của Nhà nước đó trong các DN phải được quản lý chặt chẽ và minh bạch qua mô hình một DN chuyên kinh doanh vốn Nhà nước.
Chẳng ai dám ho he “cãi” ông bởi vì 3 nguyên tắc này đã quá kinh điển rồi, cả thế giới đã biết và áp dụng rồi, và chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng đã nêu cả chục năm nay rồi, nhưng không hiểu sao đồng vốn của Nhà nước luôn luôn có hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với đồng vốn của các khối kinh tế khác. Có ý kiến cho rằng nếu chỉ thuần tuý về góc độ kinh tế, ông đã đúng. Nhưng nếu xét về tổng thể, hình như nó vẫn thiêu thiếu một yếu tố nào đó, cho nên 3 cái nguyên tắc cơ bản ấy rất khó thực hiện, hoặc có thực hiện thì cũng không đến nơi đến chốn. Tại sao có chuyện một ông Chủ tịch HĐQT Cty CP xây dựng nọ khi phát hiện Giám đốc và kế toán Cty có nhiều sai phạm trong việc quản lý chứng từ, tài chính… nhằm biển thủ tiền của mà lại phải tố cáo lên đến tận Tỉnh uỷ? Tại sao một HĐQT rất oách gồm 5 người của một Cty CP khác phát hiện ra Tổng giám đốc làm ăn có nhiều khuất tất, làm thiệt hại cho Cty hàng chục tỷ đồng, liền biểu quyết với đa số phiếu bãi chức Tổng giám đốc. Thế nhưng cái biểu quyết hoàn toàn có hiệu lực theo luật định ấy lại không có hiệu lực tại Cty chỉ vì “Cty mẹ” không đồng ý… Tóm lại, với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, mong rằng các nhà khoa học tìm ra thêm một “nguyên tắc thứ tư” nữa. |
Đi tìm “nguyên tắc thứ tư”…
40