Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Hai “nút thắt” cần tháo gỡ

Cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, thị trường vốn… là các vấn đề đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối thoại với các cơ quan chức năng trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 1/6 tại Tp Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tư vấn tài trợ 2009, do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức.

Cải cách để thu hút đầu tư


Tàu vào cảng quốc tế Gemedept Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng phúc cho biết, vượt qua giai đoạn khó khăn, kinh tế Việt Nam trong các tháng 4, 5 đã bắt đầu khởi sắc, ngành công nghiệp đã tăng trưởng trở lại. Vì vậy, mặc dù GDp quý I-2009 chỉ tăng trưởng 3,1% nhưng mức tăng 5% GDp mà Quốc hội đề ra đã có đủ cơ sở thực hiện.

Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, mức tăng trưởng 3,1% của quý I là một sự sụt giảm đáng kể so với các năm trước. Tuy nhiên, so với bối cảnh chung thì Việt Nam vẫn là nước phát triển tốt trong khu vực. Có được thành công này, một phần nhờ vào đặc điểm nền kinh tế nước nhà, nhưng điều quan trọng nhất là Chính phủ đã có quyết sách và hành động nhanh chóng trong gói kích cầu. Tuy nhiên, bớt khó khăn chưa phải là dấu hiệu khủng hoảng đã qua mà những dấu hiệu tích cực trên cần được biến thành sự phục hồi mạnh mẽ. Để làm được điều này, theo bà Victoria Kwakwa, việc thiết kế và thực thi gói kích cầu thứ hai là quan trọng.

Cùng với những đường lối đúng đắn giúp kinh tế Việt Nam sớm phục hồi trong thời gian qua, bà Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính (CCHC) để tranh thủ “định vị” vị trí của mình trong khu vực khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Cho rằng cải tiến luật và quy định không đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nhưng làm cho môi trường đầu tư ở Việt Nam cải thiện rất đáng kể, ông Alain Cany, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng vào Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính mà Chính phủ đang thực hiện. Ông cho rằng những cải cách sẽ đưa Việt Nam thành một nơi thuận tiện cho việc kinh doanh và nâng cao nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông phạm Văn phượng, phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện Đề án 30 sắp hoàn thành giai đoạn thống kê và các vấn đề minh bạch thủ tục hành chính đang được xem xét, xử lý. Từ tháng 8-2009 đến tháng 5-2010 sẽ tập trung rà soát các thủ tục hành chính có mặt trong cơ sở dữ liệu quốc gia theo ba tiêu chí lớn: tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý.

Tuy nhiên, hiện CCHC vẫn là vấn đề nhiều doanh nghiệp “kêu nhất”. Theo khảo sát về những trở ngại trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư do ông Fred Burk, đại diện phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) trình bày, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, công chứng các văn bản bằng tiếng nước ngoài, xuất khẩu, nhập khẩu đều có nhiều công đoạn rườm rà, lãng phí không cần thiết.

Cởi hai “nút thắt”

Ông Thomas Siebert, Chủ tịch Amcham cho rằng tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng (CSHT) là điểm yếu lớn của nền kinh tế Việt Nam. Các công trình CSHT quan trọng như điện, cảng biển, đường và cầu đều thiếu, đang đe dọa dòng vốn FDI hiện tại và tương lai. Bộ trưởng Võ Hồng phúc cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng hai “nút thắt” cản trở Việt Nam trong hiện tại và tương lai là CSHT và nguồn nhân lực.

Có hai vấn đề cần giải quyết cấp bách cho CSHT được ông Barry Akbae, thuộc Tiểu ban Cảng biển đưa ra: với phía Nam là phát triển giao thông kết nối các khu công nghiệp với các cảng biển như quốc lộ 51, tuyến đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây…; với phía Bắc cần triển khai ngay các cảng vì hoạt động không hiệu quả, chỉ tiếp nhận được các tàu nhỏ…

Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng phúc, Việt Nam đang dành khoản đầu tư lớn cho CSHT và kêu gọi nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Các dự án đang được triển khai như: Quốc lộ 51 dài 72km được xây dựng 6 làn xe, tốc độ 80km/giờ, tổng đầu tư 2.000 tỷ đồng sẽ được khởi công trong quý III-2009; tuyến đường Biên Hòa – Vũng Tàu dài 70km từ 4 tới 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng sẽ khởi công năm 2011… Các cảng phía Bắc cũng đã được quy hoạch để lượng hàng qua cảng năm 2020 khoảng từ 95-150 triệu tấn/năm, trong đó Hải phòng là cảng chính… Ông phúc cũng cho biết Chính phủ đang có chương trình xem xét chính sách, tài chính để phát triển giáo dục và nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam. Ý kiến của các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và báo cáo trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ sẽ diễn ra tại Tp Buôn Mê Thuột trong ngày 8 và 9-6 tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *