Trang chủ » Diễn tập lai dắt hầm Thủ Thiêm bằng xà lan

Diễn tập lai dắt hầm Thủ Thiêm bằng xà lan

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Hôm nay bốn tàu kéo Thái Lan và nhiều đơn vị đã phối hợp để lai dắt thử một xà lan thay cho đốt hầm Thủ Thiêm nặng 27.000 tấn. Quá trình diễn tập diễn ra suôn sẻ và không có sự cố suốt quãng đường sông dài 22 km.

Kế hoạch thử nghiệm nhằm đảm bảo độ an toàn khi chính thức đưa 4 đốt hầm Thủ Thiêm từ Nhơn trạch (Đồng Nai) về sông Sài Gòn vào ngày 7/3.


Diễn tập kéo xà lan thay đốt hầm Thủ Thiêm, sáng 6/3. Ảnh: Kiên Cường

Sau khi chuẩn bị mọi công việc từ sáng sớm, đến 9h sáng, công tác kéo đốt hầm đầu tiên đã được triển khai. Dù chỉ là diễn tập nhưng các công nhân, kỹ sư ở bãi đúc Nhơn trạch đều tỏ rõ sự vui mừng vì mọi thao tác đều diễn ra suôn sẻ.

Chiếc xà lan thay cho đốt hầm bắt đầu được kéo ra sông và thực hiện hành trình của mình. Quá trình lái để quẹo qua những khúc cong cũng được đội tàu kéo Thái Lan thực hiện rất thuần thục.

Gần 11h trưa, đoàn lai dắt bắt đầu tới khu vực cầu phú Mỹ và đi qua dưới gầm cầu. Nhiều người dân Sài Gòn hiếu kỳ đã tụ tập trên cầu từ rất sớm để chờ xem.

Ngoài công việc chính là lai dắt hầm, tất cả những công tác khác như đảm bảo an toàn giao thông thủy, tàu dẫn đường, cano thị sát dọc hai bên bờ sông cũng được triển khai một cách rất bài bản.

Đến khoảng gần 1h, xà lan đã được kéo về tới khu vực dìm gần cầu Khánh Hội. Sau một hồi dừng lại, đoàn lai dắt đã quay đầu về lại bãi đúc kết thúc buổi diễn tập. Do chỉ là diễn tập và dùng bằng xà lan, nên tốc độ kéo cũng như thời gian hoàn toàn khác với kịch bản lai dắt đốt hầm nặng 27.000 tấn vào ngày mai.

Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông – Tây, và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Theo thiết kế, đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng nhất định, nằm dưới đáy sông cách mặt nước 26 m. Mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km một giờ.

Kịch bản lai dắt và dìm hầm Thủ Thiêm ngày 7/3:

– Khoảng 7h sáng đốt hầm thứ 1 sẽ được bắt đầu được kéo; khoảng 1-2h chiều cùng ngày sẽ về tới vị trí dìm.

trong suốt quá trình lai dắt, sẽ có 2 tàu cảnh giới đi phía trước để xử lý vật trôi và tàu lạ, có khoảng 13-15 cano đi dọc sông, 20 đơn vị liên quan sẽ phối hợp cùng nhau để đảm bảo an toàn.

“Sau khi tới vị trí dìm, đốt hầm sẽ được quay đầu vào đường dẫn phía Thủ Thiêm và bắt đầu các công tác kết nối với đường dẫn”, ông Lương Minh phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây phân tích.

– Đến 9h sáng hôm sau (ngày 8/3), việc dìm đốt hầm thứ nhất sẽ bắt đầu. Sau ngày 9/3 sẽ hoàn thiện ban đầu các công tác cơ bản khác. Ngày 10/3 nối thông đốt thứ nhất với đường dẫn phía Thủ Thiêm. Đốt thứ hai được kéo và dìm ngày 5-6/4, đốt 3 là 4-5/5, đốt cuối cùng ngày 4-5/6.

Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông Tây. Đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng nhất định, hầm nằm dưới đáy sông cách mặt nước 26 m.

Mặt cắt ngang của hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km một giờ. trong hầm có 2 đường thoát hiểm hai bên, mỗi bên rộng 2 m.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.