Định mức công tác quản lý dự án giao thông thấp: Có làm “chảy máu chất xám”?





Theo Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kinh phí đầu tư cho giao thông trong giai đoạn tới sẽ rất lớn. Đây là tin vui với CBCNV ngành xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, không ít ban quản lý dự án lại tỏ ra lo lắng, bởi định mức chi phí quản lý dự án áp dụng theo cách tính hiện nay chưa sát với thực tế…


Một cầu vượt trên đường Láng – Hòa Lạc do NACIMEX làm chủ đầu tư




Vì sao các ban quản lý phàn nàn?




Thời gian gần đây, một số ban quản lý dự án của ngành GTVT đã có đơn gửi Bộ Xây dựng “phàn  nàn” định mức chi phí cho công tác quản lý dự án hiện quá thấp. Phó tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) Lâm Văn Hoàng cho biết, nguồn kinh phí phục vụ quản lý dự án đang được áp dụng theo Văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14-8-2007 do Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, số kinh phí trên được tính bằng tỷ lệ phần trăm (cao, thấp tùy theo mức độ, quy mô dự án) của giá trị xây lắp chưa có thuế giá trị gia tăng trong tổng mức đầu tư đã được duyệt. Định mức này thấp hơn định mức cũ do Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15-4-2005 khoảng 1,78 lần, nhưng đầu việc phải thực hiện lại tăng thêm. Mức chi phí quản lý dự án thấp, khiến không ít ban quản lý dự án, đặc biệt là những ban ít dự án hoặc dự án quy mô nhỏ, nằm rải rác nhiều nơi gặp nhiều khó khăn. Thông thường, một dự án giao thông kéo dài từ 5 năm đến 7 năm. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hầu hết các dự án giao thông đều bị chậm tiến độ. Dự án càng kéo dài càng tốn kém. Trong khi, các nhà thầu có được sự hỗ trợ nhất định thì đơn vị quản lý lại không có.




Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn dự án, Phó tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Cục Đường bộ Việt Nam) Phạm Ngọc Biên dẫn hàng loạt ví dụ cụ thể để chứng minh định mức hiện nay là không phù hợp. Dự án QL 279 đoạn Bắc Cạn – Tuyên Quang do Ban này quản lý có chi phí xây dựng trước thuế là 771,879 tỷ đồng, thời gian thực hiện 4 năm. Áp dụng “công thức” tại Văn bản 1751/BXD-VP của Bộ Xây dựng, tổng chi phí quản lý sẽ là 7,805 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý thực tế tại công trường này là 2,589 tỷ/năm x 4,5 năm = 11,65 tỷ đồng (cao gấp 1,5 lần so với cách tính theo Văn bản 1751). Với cách tính tương tự, chi phí thực tế cho dự án QL 32 đoạn Vách Kim – Bình Lư giai đoạn 2 cao hơn mức áp dụng “công thức 1751” là 1,75 lần. Còn tại dự án cải tạo, nâng cấp QL 2 đoạn Đền Hùng – Đoan Hùng, mức chênh lệch giữa thực tế với lý thuyết là 1,66 lần…




Chất lượng công trình có bị ảnh hưởng?




Quản lý dự án là một nghề đặc thù, đòi hỏi cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và chịu áp lực lớn trong công việc, đặc biệt là với những dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Ông Lâm Văn Hoàng cho biết, để làm việc tại dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, bên cạnh kiến thức về luật pháp, kinh tế… cán bộ, nhân viên của ban quản lý dự án còn cần giỏi ngoại ngữ. Thường các ban phải mất 5 đến 7 năm rèn giũa, đào tạo mới có được 1 cán bộ năng lực khá. Nhưng do mức lương thấp, nên khi đã trưởng thành, không ít người sẵn sàng chuyển tới nơi khác có thu nhập cao hơn. Tại Ban Quản lý dự án 2, đã có hàng chục cán bộ, nhân viên khi thạo việc đã chuyển tới nơi có môi trường thuận lợi, chế độ đãi ngộ tốt hơn.




Để quản lý nguồn vốn nhà nước hiệu quả, yếu tố con người là rất quan trọng. Cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt sẽ góp phần tích cực trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Tình trạng “chảy máu chất xám” nêu trên là đáng lo ngại. Trong công văn gửi Bộ Xây dựng, có ban quản lý dự án thẳng thắn nhìn nhận, nếu kinh phí không đủ đáp ứng, bảo đảm đời sống của cán bộ, nhân viên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác quản lý. Cán bộ, nhân viên chểnh mảng, không giám sát sát sao sẽ không chỉ kéo dài thời gian thực hiện dự án mà còn gây ra sự lo ngại về chất lượng công trình. Điều này xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế – xã hội.




Có thể nói, việc siết chặt chi phí quản lý để tránh gây thất thoát, lãng phí trong các công trình xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết. Tính chi phí trên giá trị xây lắp sẽ khiến đơn vị quản lý dự án đốc thúc sát sao hơn nhằm hoàn thành đúng tiến độ, bởi dự án kéo dài cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí, giảm thu nhập. Song việc nghiên cứu, xem xét điều chỉnh hệ số cho sát thực tế cũng là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hệ thống giao thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *