Trang chủ » Định vị Hồ Tây trong “Tầm nhìn Hà Nội 2050”

Định vị Hồ Tây trong “Tầm nhìn Hà Nội 2050”

bởi Kien Truc - Kientruc.vn











Hồ Tây bị phá nát. Tại sao bây giờ vẫn để xây nhà sát mép hồ? Ảnh: Hoàng Hường

KTĐT – “Cần phải có ngay đồ án quy hoạch chi tiết cho Hồ Tây. Những văn bản, quy chế hiện hành đều chưa bảo vệ được, và hồ Tây thì đã đang bị xà xẻo ghê gớm” – Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Suýt” trở thành công viên văn hoá


– Đã 2 – 3 lần, Hồ Tây được đưa vào quy hoạch chung của thành phố, nhưng đến giờ này vẫn chưa có một đề án tổng thể nào được đưa ra, ông lý giải việc này như thế nào?


– Năm 1979, nguyên Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh khi làm việc về xem xét thiết kế và xây dựng Cung văn hoá thiếu nhi vị trí ở chỗ Nhà thi đấu Quần Ngựa bây giờ.

Ý tưởng thiết kế của Viện Nghiên cứu Quy hoạch Leningrad (Liên Xô) và Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn cùng nghiên cứu, thể hiện (đồ án đã được Chính phủ phê duyệt năm 1981) lúc bấy giờ là công trình đó nằm trong công viên văn hoá bao quanh Hồ Tây.


Đồng chí Trường Chinh tán thành ý tưởng này, và cho rằng phải giữ ý tưởng, bất di bất dịch. Nghĩa là quanh Hồ Tây phải là một công viên văn hoá nghỉ ngơi trung tâm của thủ đô Hà Nội.


Sau đó Hồ Tây được đưa vào đồ án quy hoạch chung của Hà Nội do Viện quy hoạch Bộ xây dựng lập phối hợp với phía Liên Xô thiết kế năm 1979 – 1981 thể hiện Hồ Tây là công viên văn hoá, là bộ mặt của thủ đô Hà Nội. Bao quanh khu công viên văn hoá này là một trục vành đai các tuyến phố chính của thành phố Hà Nội. Bao quanh vành đai đó là hệ thống cơ quan trụ sở chính trị xã hội văn hoá, dịch vụ của Việt Nam.


Từ những trục đường này có những đường nhánh đi sâu vào nội đô, trở thành một mạng lưới đường toả đi các hướng.

Từ mặt nước xanh, từ thảm cây trung tâm này có những làn cây xanh toả ra. Có nghĩa rằng đã có một quy hoạch khá tổng thể và hài hoà hiện đại cho khu vực Hồ Tây.


Hãy hình dung hồ Hoàn Kiếm và đường ven hồ Hoàn Kiếm là của thủ đô Hà Nội cũ, thì Hồ Tây chính là trung tâm Hà Nội mới.


Nếu có được một trung tâm như thế, chưa nói vấn đề kiến trúc thế nào nhưng đứng về mặt quy hoạch đã thể hiện tính độc đáo, có bản sắc. Đó là đồ án được duyệt năm 1981.

Nhưng lúc đó chúng ta còn khó khăn quá nên kế hoạch đã không thành hiện thực. Đồ án này bị thay vào một đồ án khác, không chú trọng đến khu vực Hồ Tây không ra gì. Sau này, một đồ án khác được duyệt năm 1998 cũng vậy.


Năm 2000 – 2001, hình thành quận Tây Hồ. Nói cách khác, Hồ Tây hiện nay thực chất là cái ao sau của các khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ và biệt thự này khác, chứ không phải. Chúng ta đang mất đi vật báu mà cái đó là trách nhiệm của những người thiết kế quy hoạch và quản lý.


Tại sao bây giờ vẫn để xây nhà sát mép hồ. Hiện tại Chính phủ đang xúc tiến quy hoạch tầm nhìn Hà Nội đến năm 2050. Theo địa giới hành chính mới được mở rộng của Hà Nội, xác định hình thái hệ thống đô thị trung tâm của Hà Nội. Nhưng nếu trong cấu trúc của bản thân đô thị trung tâm này không khai thác được cảnh quan Hồ Tây và bề mặt của sông Hồng và hệ thống sông hồ của Hà Nội thì đô thị này hoàn toàn không còn bản sắc.


Tầm nhìn 2050 phải thể hiện từ bây giờ

– Nhưng việc Hồ Tây đang bị phá hỏng đã và đang diễn ra rất rõ ràng, ai cũng nhận thấy. Như ông vừa nói, Hồ Tây cũng được vài lần được đưa vào quy hoạch, nhưng hiện thực là đến nay nó vẫn chưa được bảo vệ thực sự, chưa có được vai trò xứng đáng trong lòng Hà Nội, đâu là nguyên nhân?


– Điều này còn phụ thuộc vào tầm nhìn và nhận thức của những người có trách nhiệm. Có nhiều đề án quy hoạch, nhưng tôi cho rằng đây là những quy hoạch hỏng, kể cả đề án quy hoạch được duyệt năm 1991 và 1998. Cái hỏng lớn nhất là không đề xuất nhấn mạnh yếu tố sử dụng tôn tạo cảnh quan.


Cách làm quy hoạch hiện nay giống như thả mồi bắt bóng. Năm 2008 cũng có một quy chế quản lý Hồ Tây được ban hành, nhưng cũng chỉ quanh những vấn đề vụn vặt kiểu không nuôi cá, không sả nước thải xuống hồ này khác, đơn giản là kỹ thuật thuần tuý. Chưa có một quy hoạch nào thực sự có tầm nhìn và bền vững cho Hồ Tây.


Hãy nhìn ra các nước, họ tận dụng mặt nước tối đa. Các dòng sông, ao hồ để làm đẹp thành phố. Như dòng sông Scene là niềm tự hào của ngưòi Pháp. Mình đi sau mà không học tập những điều tốt của họ.


Hồ Tây đã bị lấn chiếm quá nhiều. Tôi đang rất quan tâm xem trong đồ án quy hoạch toàn Hà Nội sắp tới, Hồ Tây đã được đưa vào quy hoạch hay chưa. Tôi thấy người ta còn đang mải quan tâm đến quy hoạch vùng, hệ thống này khác, nhưng những vấn đề cấp thiết như Hồ Tây đây cũng không bỏ bên ngoài.


Nhắc đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến khu trung tâm này, phải tập trung vào nó. Tầm nhìn có thể hiện được hay không chính nằm ở đây, và tầm nhìn đến 2050 phải được thể hiện từ bây giờ.


Chấm dứt “anh hùng nhất khoảnh”


– Nếu đặt ông vào vị trí người lập đồ án này, ông sẽ để Hồ Tây vào vị trí nào trong kịch bản cho Tầm nhìn Hà Nội 2050?


– Theo quan điểm của tôi, nên quy hoạch khu Hồ Tây là trung tâm Hà Nội. Bao quanh là hệ thống trung tâm chính trị xã hội. Nhưng trước mắt phải dừng ngay mọi công trình xây dựng sai phép xung quanh Hồ Tây. Việc cho chia lô bán đất khu vực Phủ Tây Hồ sẽ làm hỏng không gian văn hoá và cảnh quan.

Để chấm dứt tình trạng “anh hùng nhất khoảnh”, đất nhà tôi tôi phân, việc cấp bách là cần có ngay một đồ án quy hoạch chi tiết cho Hồ Tây. Vì tất cả những quy hoạch hay quy chế quản lý từ trước giờ đều không bảo vệ được khu vực này bị xà xẻo, băm phá.



Theo Tuần Việt Nam

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.