Trang chủ » Ðộng lực mới cho sự phát triển của thành phố Hải Dương

Ðộng lực mới cho sự phát triển của thành phố Hải Dương

Ngày 15-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QÐ-TTg về việc công nhận Tp Hải Dương (Hải Dương) là đô thị loại hai. Ðây là sự ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Tp Hải Dương trong hơn mười năm qua; mở ra triển vọng mới để thành phố tiếp tục phát triển.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Tp. Hải Dương năm 2007

Từ “thị xã đi qua”… đến đô thị loại hai

Ở tuổi 75, ông Nguyễn Quang Hòa, hiện sống ở phường trần Hưng Ðạo (Tp Hải Dương), dù đã về hưu, nhưng ông luôn theo dõi và chứng kiến sự đổi thay của thành phố. Ông cho rằng: trước đây, người ta đã ví von thị xã Hải Dương chỉ là “thị xã đi qua”. Ðiều đó ngẫm ra hoàn toàn đúng, bởi vì thị xã khi ấy chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân những người đi qua, nhất là với khách du lịch và các nhà đầu tư. Họ làm sao yên tâm gắn bó lâu dài với thị xã khi mà cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực còn yếu kém.

Năm 1997 với người dân Tp Hải Dương là năm đánh dấu nhiều bước chuyển quan trọng, năm tái lập tỉnh Hải Dương và cũng là năm thị xã Hải Dương được công nhận là đô thị loại ba, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Khi ấy, thành phố chỉ có gần 144 nghìn dân, với diện tích tự nhiên hơn 3.626 ha và có 13 xã, phường. Cơ cấu kinh tế của thành phố chủ yếu là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (47%); thương mại, dịch vụ (45%); nông nghiệp, thủy sản (8%). Tuy nhiên, quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, với hơn 100 HTX, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và hơn năm nghìn hộ kinh doanh cá thể, mức doanh thu hơn 200 tỷ đồng, nộp ngân sách gần bảy tỷ đồng, thu hút 7.500 lao động. Thương mại, dịch vụ phát triển chậm; sản xuất nông nghiệp manh mún, hiệu quả chưa cao; tổng thu ngân sách trên địa bàn mới đạt gần 14 tỷ đồng; mức sống của người dân còn khiêm tốn, bình quân thu nhập đạt hơn 600 USD/người/năm.

Ngày 15-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QÐ-TTg công nhận Tp Hải Dương là đô thị loại hai trực thuộc tỉnh Hải Dương. Theo đó, thành phố có diện tích hơn 7.318 ha, dân số gần 254 nghìn người và 19 xã, phường. Khi nghe tin này, ông Nguyễn Quang Hòa, cũng như nhiều người dân thành phố Hải Dương đều chung niềm phấn khởi. Ông Hòa cảm nhận: Giờ thì Hải Dương không còn là “thị xã đi qua” nữa mà đã trở thành đô thị hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng. Diện tích và số dân của thành phố đã gấp hai lần so thị xã Hải Dương trước đây. Thành phố đã hội đủ các tiêu chí và sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đô thị loại hai.

Ðứng chân trên địa bàn phường Tứ Minh (Tp Hải Dương), Công ty cổ phần Ðại An, chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Ðại An, trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như với Tp Hải Dương. Năm 2003, dự án KCN Ðại An giai đoạn một được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích quy hoạch hơn 170 ha. Ðến nay, KCN thu hút 36 dự án, chủ yếu là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 541 triệu USD, thu hút gần 13 nghìn lao động. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ðại An trương Tú phương cho biết: Năm 2008, công ty đạt mức lợi nhuận hơn 26,5 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng. Mặc dù gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế trong và ngoài nước, nhưng từ đầu năm đến nay, KCN Ðại An đã thu hút bốn dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 111,3 triệu USD. trong đó, dự án sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao giai đoạn một của Tập đoàn KEFICO (Hàn Quốc) và Công ty BOSCH (Ðức) có mức đầu tư 60 triệu USD.

Ðể tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Hải Dương đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu. Ðến nay, trên địa bàn Tp Hải Dương có ba KCN (Ðại AN, Nam Sách, Kenmark), tổng diện tích quy hoạch gần 1.000 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2008, Công ty TNHH Ford Việt Nam (Tp Hải Dương) nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, bằng hơn 30% tổng thu ngân sách của tỉnh; tạo việc làm và thu nhập cao cho 700 lao động địa phương. Ngoài các KCN, thành phố đã sớm quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp: Cẩm Thượng (50 ha), Ðồng Lạc (100 ha), Thạch Khôi (70 ha)…để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, sản xuất, kinh doanh.


Khu đô thị mới phía Tây Tp. Hải Dương

Ðến nay, trên địa bàn Tp Hải Dương đã được quy hoạch khu văn hóa – thể thao và đô thị mới phía đông (108 ha); Khu Thương mại – Văn hóa – Du lịch và đô thị mới phía tây (hơn 595 ha). Theo phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cương Nguyễn Ðỗ Việt, vóc dáng của Tp Hải Dương đang hiện lên với nhiều công trình lớn như: Quảng trường 30-10, đường 52 m kết nối giữa khu đô thị mới phía đông và phía tây khang trang, đang được lấp đầy bởi các khu dân cư với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng đồng bộ; trung tâm thương mại phố chợ Hội Ðô; khách sạn bốn sao 25 tầng (NACIMEX); khu du lịch sinh thái Ðảo Ngọc;… Ðẩy mạnh đô thị hóa cũng như thu hút đầu tư thật sự là bước ngoặt quan trọng đối với Ðảng bộ, chính quyền Tp Hải Dương cũng như tỉnh Hải Dương trong việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương đổi mới của Ðảng và Nhà nước. Việc phát triển các khu đô thị không những tạo cho Tp Hải Dương có diện mạo mới, mà còn tạo nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Sau hơn một năm sáp nhập về Tp Hải Dương, bộ mặt nông thôn xã Thạch Khôi có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Chủ tịch UBND xã Thạch Khôi Tăng Văn Quản khẳng định: Ðối với sản xuất nông nghiệp, xã tập trung sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, rau màu và chăn nuôi sạch; tạo vành đai rau xanh và thực phẩm sạch cung ứng cho thành phố. Ðối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, xã đã quy hoạch cụm công nghiệp để thu hút các cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống, đầu tư mở rộng chợ cá (chợ Hui) để tạo nguồn thu và việc làm cho nhân dân địa phương. Ðến nay, Thạch Khôi đã được đầu tư hơn mười tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển sản xuất.

Năm 2008, cơ cấu kinh tế của thành phố có sự chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH: công nghiệp, xây dựng (56,7%), dịch vụ (38,5%), nông nghiệp, thủy sản (4,8%); mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%; giá trị sản xuất đạt gần 5.000 tỷ đồng; gần 1.400 doanh nghiệp và hơn 15 nghìn hộ kinh doanh cá thể. Tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.800 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.400 USD/năm (tăng gần 2,5 lần so mức thu nhập năm 1997). Hơn 92% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 36% số trường học mầm non, tiểu học, THCS và gần 70% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục và y tế. Theo Chủ tịch UBND Tp Hải Dương Nguyễn Ðức Thăm, hết năm 2009, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội sẽ sớm về đích so chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 20 đề ra đến năm 2010.

Ðộng lực để phát triển

phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Dương Lê Tiến Dũng cho rằng, việc Tp Hải Dương trở thành đô thị loại hai là động lực để thành phố tiếp tục phát triển trong những năm tới. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 20 đề ra mười đề án trọng điểm đến năm 2010 về: Nâng cấp Tp Hải Dương lên đô thị loại hai; quy hoạch kiến trúc và cảnh quan đô thị; xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng; đầu tư xây dựng và quản lý vườn hoa, công viên, cây xanh đô thị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân; xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, nhà văn hóa; tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy; bảo đảm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền thành phố và phường, xã; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Cùng với việc đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện các đề án, Thành ủy tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cấp ủy và chính quyền các cấp thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2010: GDp tăng bình quân hơn 13%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, xây dựng (55,1%), dịch vụ (41%), nông nghiệp, thủy sản (3,9%); thu ngân sách nhà nước hằng năm tăng hơn 5%; 95% số làng, khu dân cư có nhà văn hóa; hơn 85% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 95% số phòng học kiên cố, cao tầng; hơn 80% số chính quyền cơ sở và 75% số chi bộ đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.


Khu đô thị mới phía Đông Tp. Hải Dương đang dần hình thành

Tp Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải phòng-Quảng Ninh; nằm trên hai hành lang kinh tế: Côn Minh (trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng – Quảng Ninh và Nam Ninh (trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội -Hải phòng – Quảng Ninh; nằm sát vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Ðối với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 490/QÐ-TTg, ngày 5-5-2008, Tp Hải Dương được xác định đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng; phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng phía nam, đông nam đồng bằng sông Hồng; đồng thời, có vai trò trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo. Ðó là những lợi thế rất quan trọng để Tp Hải Dương giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

The ND; ảnh Baoxaydung.vn

Banner

Bài viết có liên quan

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.