Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội: Tập trung vào công tác quy hoạch, GPMB












KTĐT – Đã qua hơn 6 năm triển khai, nhưng do nhiều nguyên nhân mà Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội đã bị đình trệ. Để bảo đảm chất lượng, tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển chủ đầu tư Dự án từ Đại học Quốc gia Hà Nội sang Bộ Xây dựng. Với mô hình quản lý mới, dự án đang được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến rõ rệt. Mới đây, Ban Quản lý Dự án Đại học quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ Phát động thi đua 100 ngày đêm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2009 tại Hoà Lạc, Thạch Thất.Nhân dịp này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án về những công việc mà Ban đang tập trung triển khai.


– Xin ông cho biết, khi Dự án được chuyển về Bộ Xây dựng, mô hình quản lý sẽ như thế nào?



– Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng thay mặt Chính phủ quản lý toàn bộ dự án đầu tư xây dựng này, từ khâu quy hoạch cho đến lập dự án, thiết kế, tổ chức thi công và Đại học Quốc gia – đơn vị quản lý vận hành sau này, sẽ tham gia cùng Bộ Xây dựng quản lý điều hành dự án. Bộ Xây dựng đã thành lập một ban quản lý dự án trên cơ sở tổ chức lại ban quản lý của Đại học Quốc gia trước đây và bổ sung cán bộ mới và hình thành một ban quản lý thống nhất do Bộ Xây dựng chỉ đạo.


Mặc dù tiến độ sẽ không thể đáp ứng được mục tiêu ban đầu của dự án, vì khi chúng tôi tiếp nhận dự án này thì đã chậm mất 6 năm, nhưng với điều điều kiện như hiện nay, cơ chế đặc thù (như ưu đãi cho các nhà thầu, chỉ định thầu, cơ chế huy động vốn) thời gian triển khai công việc có thể được rút ngắn.



Ngay sau khi thành lập Ban quản lý dự án, chúng tôi đã khẩn trương rà soát, tập hợp, nghiên cứu hồ sơn, lên phương án kiến nghị xử lý các phần việc dở dang, tháo gỡ tổng thể, toàn diện những vướng mắc. Dự kiến dự án được điều chỉnh chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến 2015, giai đoạn 2 là những năm tiếp theo. Đây là dự án khổng lồ với quy mô diện tích 1000 ha với số học sinh, sinh viên dự tính là 4-5 vạn, số giáo viên phục vụ khoảng 6 vạn trong những năm tới. Như vậy, về mặt quy mô diện tích thì tương đương với một quận nội thành, về mặt quy mô dân số thì tương đương với đô thị loại 4.



Bộ Xây dựng cũng như Ban quản lý dự án sẽ phải làm gì để đẩy nhanh tiến độ dự án, khắc phục những vướng mắc tồn đọng?



– Chúng tôi xác định, trong quý IV/2009, trọng tâm là kiểm đếm, đền bù, GPMB và tái định cư. Trong đó, tái định cư là chìa khoá của mọi vấn đề. Nếu chỉ kiểm đếm, đền bù nhưng không có tái định cư, tức là dân không di dời được thì việc đền bù, GPMB không thể thực hiện được. nên chúng tôi đã cùng bàn với UBND huyện Thạch Thất xin Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển chủ đầu tư thứ cấp về dự án tái định cư cho UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tưvà Bộ xây dựng quản lý. Tôi hi vọng với việc áp dụng Nghị định 69 mới của Chính phủ và một số cơ chế khác như khuyến khích đào tạo nghề cho con em cán bộ, những người bị thu hồi đất, xây dựng quỹ nhà tạm cư trước khi tái định cư…sẽ tạo môi trường thông thoáng nhất cho công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2010, chúng tôi sẽ tăng tốc trong công tác xây dựng nhà tạm cư. Mặc dù không hi vọng giải phóng cũng một lúc gần 2.000 hộ dân, nhưng sẽ thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, đất sạch đến đâu xây dựng đến đấy.



Theo tính toán từ năm 2003, tổng nhu cầu vốn cho dự án là hơn 7 nghìn tỷ đồng, tình hình giá cả đã có nhiều thay đổi, vốn đầu tư cho dự án sẽ thay đổi như thế nào?



– Theo Báo cáo tiền khả thi Chính phủ phê duyệt năm 2003 thì tổng vốn là 7.300 tỷ đồng với 13 dự án thành phần. Đến thời điểm này, không chỉ thay đổi về giá cả, dự án còn có thể có những thay đổi về quy mô, một số trường, một số khoa của Đại học Quốc gia đã được thành lập mới, một số công trình về hạng mục xã hội trong khu đô thị Hòa Lạc này cũng chưa được đề cập cần bổ sung. Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung và lập quy hoạch chi tiết 1/2000, lập dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ xác định lại tổng nhu cầu vốn của toàn bộ dự án và báo cáo Thủ tướng vào tháng 12/2009.



Xin cảm ơn ông!


 



Minh Thu (thực hiện)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *