Ngày 11/9/2009, UBND TP.HCM có cuộc họp với các báo, đài thành phố, Trung ương trên địa bàn cung cấp thông tin về dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài sau khi các báo, đài đồng loạt có bài phản ánh về dự án này.Theo tài liệu do ban tổ chức cuộc họp báo cung cấp thì ông Trần Quang Phượng(Giám đốc Sở) một lần nữa lại mâu thuẫn với chính mình.
Nhằm giải một cách hợp lý cho việc “âm thầm” thay đổi hướng tuyến con đường rộng 60m được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 1997, ông Trần Quang Phượng, người được UBND TP.HCM ủy quyền cung cấp thông tin, dẫn chứng: tại công văn số 4557/KTN ngày 12/9/1997 Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh chuyển giao. Văn bản của Thủ tướng không phê duyệt quy hoạch tuyến đường, quá trình lập dự án các nhà tư vấn sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án theo các điểm mốc khống chế đầu và cuối các đoạn tuyến để trình các Bộ thẩm định trước khi cấp có thẩm quyền (tại thời điểm này là Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt. Dẫn chứng này không thuyết phục, vì rằng, tại văn bản số 1119/GT-GT ngày 7/10/2002, chính ông Trần Quang Phượng báo cáo Thường trực Thành Ủy và UBND TP.HCM nêu rõ: Hướng tuyến được chọn theo phương án 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 4537/KTN ngày 12/9/1997. Cũng theo văn bản này, tuyến số 2 là tuyến đi theo quy hoạch tổng thể phát triển cụm cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (đã được duyệt) ở đoạn đầu, sau đó nối vào ngã ba Chú Ía. Hướng tuyến này có ưu điểm: trùng với quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất tại đoạn đầu tuyến (Km0+000-Km0+554), sân bay đã quản lý và không cho xây dựng mới bất kỳ công trình nào trong phạm vi phần đất của đoạn đường này; tránh giải tỏa gần 200 hộ dân, các cơ quan công sở lớn như Đoàn bay 919, Đoàn tiếp viên Việt Nam Airline, Trung tâm huấn luyện hàng không…Ông Phượng còn trả lời cho ông Đặng Thành Nhưỡng và các hộ dân khu phố 8, phường 2, quận Tân Bình rõ rằng: kiến nghị của người dân là không chính xác vì tuyến đường được Thủ tướng duyệt theo văn bản trên không đi qua khu phố 8. Về vấn đề tuyến đường Tân Sơn Nhất –Bình Lợi-Vành đai ngoài không còn chức năng đường vành đai nữa mà trở thành tuyến đường trục đô thị của thành phố. Ông Phượng dẫn chứng căn cứ vào thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31/12/2007 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, trong văn bản này, Thủ tướng chỉ kết luận: Về quy hoạch giao thông đường bộ: đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh quy hoạch từ 4 vành đai xuống còn 3 vành đai theo hướng cắt giảm đoạn của vành đai số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn quận Tân Bình và quận Tân Phú về đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, hợp nhất vành đai số 1 và số 2 thành một tuyến. Giao Bộ Giao thông vận tải cùng Thành phố nghiên cứu, tính toán cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong đoạn văn bản trên không có ý mà ông Phượng nêu. Vì thế, việc ông Phượng viện dẫn các quyết định phê duyệt thay đổi hướng tuyến của TP.HCM từ những năm 1999, 2005…để cho rằng trên địa bàn phường 2 và 4 của quận Tân Bình đã tồn tại 2 tuyến đường có lộ giới 20m là chưa thuyết phục. Cũng theo tài liệu họp báo, ông Phượng cho rằng việc chia con đường 60m thành 2 nhánh, mỗi nhánh 20m này đã được Bộ Xây dựng phê duyệt vì Bộ Xây dựng đã thẩm định thiết kế cơ sở công trình đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi –Vành đai ngoài tại văn bản số 2774/BXD-KSTK ngày 20/12/2006. Trong đó, ông Phượng còn mở ngoặc nhấn mạnh: một trong các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở là xem xét sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng. Đồng thời, ông Phượng dẫn chứng văn bản số ngày 1878/TTg-QHQT ngày 30/11/2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, ông Phượng nhấn mạnh: một số nội dung cụ thể của dự án được nêu trong dự án đầu tư tuyến đường đã được các Bộ có liên quan thẩm định và thông qua. Tuy nhiên, tại văn bản số 2774/BXD-KSTK ngày 20/12/2006, Bộ Xây dựng nêu rõ: Đoạn đầu tuyến là nút giao thông Trường Sơn (Km0+00) đến nút giao thông Nguyễn Thái Sơn dài 1,533 km, rộng 20m, 3 làn xe. Điều này phù hợp với nội dung văn số 8145/UBND-ĐTMT ngày 27/11/2007 của TP.HCM. Trong văn bản này, TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới tuyến đường vành đai trong (cũ), tức là đoạn từ nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn. Trong đó nêu rõ: Hiện nay, dự án Xây dựng đường nối sân bay Tân Sơn Nhất –Bình Lợi-Vành đai ngoài TP.HCM được giao cho Công ty GS E &C thực hiện, UBND TP.HCM đang trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ dự án, theo đó đoạn tuyến từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ngã năm Nguyễn Thái Sơn bao gồm 2 nhánh rẽ, mỗi nhánh rộng 20m, có hướng tuyến chủ yếu đi theo 2 đường Hồng Hà và Bạch Đằng hiện hữu để giảm thiểu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, tránh xáo trộn lớn cho cư dân tại khu vực. Phương án tuyến cuối cùng được chọn hiện nay có phần khác so với phương án tuyến đã nêu trong hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ năm 1997. Về cơ bản, chỉ còn một nhánh rẽ rộng 20m đi theo hướng và nằm trong phạm vi quy hoạch rộng 60m của đường vành đai trong đã được quy hoạch trước đây. Rõ ràng, với văn bản trên, con đường trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 60m thì nay được TP.HCM xin xuống còn 20m, không xin thay đổi hướng tuyến đã duyệt. Thêm vào đó, văn bản xin Thủ tướng phê duyệt trên không được gửi tới Bộ Xây dựng, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xem xét, thẩm định dự án. Vì thế, tại văn bản số 254/BXD-HĐXD ngày 25/2/2009 gửi UBND TP.HCM, Bộ Xây dựng nhắc nhở: Đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao, Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh, Xây dựng- chuyển giao, thì doanh nghiệp dự án phải trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp thiết kế kỹ thuật thay đổi so với thiết kế đã được phê duyệt. Do đó, biểu khối lượng dự án cũng như giá trị của các dự án khác sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Kết thúc cuộc họp báo, ông Phượng có đề nghị các Báo, Đài và các cơ quan liên quan giải thích theo những thông tin mà ông Phượng cung cấp để các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án hiểu và ủng hộ thành phố thực hiện thắng lợi dự án. Tuy nhiên, với những thông tin nêu ra thiếu thuyết phục như trên, liệu rằng người dân có hiểu và ủng hộ thành phố? |
Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài: Giám đốc Sở giao thông vận tải TP.HCM mâu thuẫn với chính mình
84