Dự án xây dựng Trung tâm đấu giá chè Việt Nam: Vì sao 14 năm chưa thực hiện













KTĐT – Quyết định số 1324/GP ngày 2/7/1995 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Tổng công ty (TCty) chè liên doanh cùng Tập đoàn Mulpha Haute Couture SPN. BHD của Malaysia xây dựng Trung tâm đấu giá chè Việt Nam và khách sạn 3 sao tại đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Ngày 21/3/1996, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1042/QĐ-UB giao 1500 m2 đất choTCty chè Việt Nam thuê, thời hạn 30 năm, tại đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng để liên doanh với đối tác của Malaysia xây dựng Trung tâm đấu giá chè Việt Nam và khách sạn 3 sao Indochine-Hanoi.


Nguyên nhân suốt 14 năm qua, chủ đầu tư là TCty chè Việt Nam vẫn chưa có đất triển khai xây dựng DA là do gia đình ông Phạm Văn Gang cùng các con là bà Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Tính lấn chiếm một phần diện tích đất trong DA 1.500 m2 mà TP đã giao cho TCty chè Việt Nam, lại có đơn khiếu nại đòi quyền lợi, cản trở không cho chủ đầu tư thực hiện DA.



Gia đình ông Phạm Văn Gang, cùng các con là bà Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Tính (là những người trực tiếp có đơn khiếu nại) có sử dụng 462 m2 đất canh tác của HTX nông nghiệp Đồng Thanh (thuộc phường Thanh Nhàn) để trồng rau. Khi TP thực hiện xây dựng hạ tầng đường Trần Khát Chân, UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Tài chính Hà Nội đã phê duyệt phương án đền bù hoa màu trên đất cho gia đình ông Gang cùng các con đúng chế độ, chính sách đền bù GPMB tại thời điểm năm 1993 – 1995 của Nhà nước. Khi GPMB, xem xét hoàn cảnh gia đình ông Gang cùng bà Sinh, bà Tính, UBND quận Hai Bà Trưng đã giao thêm diện tích 36 m2 đất tái định cư tại khu di dân Thanh Nhàn cho gia đình ông Gang (ngoài 238,5 m2 đất đã giao cho gia đình ông tái định cư khi GPMB xây dựng đường Trần Khát Chân). Sau khi nhận đất, gia đình ông Gang đã bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. Như vậy, quyền lợi của gia đình ông Gang đã được các cấp chính quyền TP giải quyết xong trước khi TP giao đất cho Chủ đầu tư thuê để triển khai DA này.



Đến năm 1996,khi UBND TP thu hồi phần đất lưu không do HTX nông nghiệp Đồng Thanh quản lý giao cho TCty Chè Việt Nam thuê, bà Sinh và bà Tính (con gái ông Gang) lại lấn chiếm đất, dựng lều lán ngay trên khu đất 1.500 m2 của TCty chè Việt Nam. Sai phạm của bà Sinh, bà Tính đã bị các cơ quan chức năng của quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Nhàn ra quyết định xử phạt, yêu cầu dỡ bỏ lều lán xây dựng trái phép. Song, các hộ trên đã không chấp hành lại có đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền TP. Ngày 30/5/2001, UBND quận Hai Bà Trưng đã có Quyết định số 287/QĐ-UB giải quyết đơn khiếu nại của bà Sinh, bà Tính theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Tiếp đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định 289/QĐ-UB và số 290/QĐ-UB áp dụng biện phép cưỡng chế hành chính dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép trên diện tích 1.500 m2đất của DA. Tuy nhiên, việc thực hiện cưỡng chế trên không thành do gia đình ông Gang cùng các con bà Sinh, bà Tính không chấp hành và tiếp tục gửi đơn khiếu nại vượt cấp. Liên tục từ năm 2002 đến 2006, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra Nhà nước TP Hà Nộivào cuộc và có tới 4 kết luận rõ ràng về những sai phạm của gia đình ông Gang, đề xuất với UBND TP giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Ngày 23/3/2007, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1108/QĐ-UB khẳng định rõ: “Việc ông Phạm Văn Gang cùng các con là bà Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Tính khiếu nại đòi quyền sử dụng 462m2 đất trong 1.500 m2 đất đã giao cho TCty chè Việt Nam thuê thực hiện DA và đòi được bồi thường thiệt hại về đất, giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật hai bên tuyến đường Trần Khát Chân và khu di dân Thanh Nhàn là không có cơ sở giải quyết; giao UBND quận Hai Bà Trưng căn cứ thẩm quyền quy định của pháp luật về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị, tổ chức thực hiện nội dung đã kết luận và kiến nghị của Thanh tra Nhà nước TP”.



Mặc dù vậy, gia đình ông Gang lại tiếp tục có đơn khởi kiện quyết định hành chính số 1042/QĐ-UB ngày 21/3/1996 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì cho rằng Quyết định 1108 là quyết định giải quyết lần đầu đối với khiếu nại của họ về Quyết định số 1042 của UBND TP. TAND TP Hà Nội đã quyết định thụ lý vụ án trên. Sau hơn hai tháng thụ lý, ngày 28/9/2007, TAND TP Hà Nội đã có quyết định sơ thẩm, y án phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án với những lý do sau: “Nội dung Quyết định số 1108 của UBND TP Hà Nội là giải quyết khiếu nại của gia đình ông Gang đòi quyền sử dụng 462 m2 trong tổng số 1.500 m2 đất của DA mà TP đã giao cho TCty chè Việt Nam và đòi bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật hai bên đường Trần Khát Chân và khu di dân Thanh Nhàn chứ không phải là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định số 1042/QĐ-UB ngày 21/3/1996 của UBND TP Hà Nội”.Việc gia đình ông Gang cho rằng Quyết định số 1108 là quyết định của UBND TP giải quyết khiếu nại lần đầu của gia đình ông đối với Quyết định số 1042 là không có căn cứ. Việc TAND TP đình chỉ giải quyết vụ khởi kiện hành chính này là đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, Quyết định số 1108/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 23/3/2007 về giải quyết khiếu nại đòi quyền sử dụng 462m2 đất trong số 1.500 m2 đất DA của TCty chè Việt Nam của gia đình ông Gang vẫn có giá trị pháp lý. Bởi từ trước đến nay, ông Gang không xuất trình được bất kỳ thứ giấy tờ gì chứng minh việc hộ gia đình mình có quyền sử dụng hợp pháp đất đai tại đây.




Trên cơ sở TAND TP Hà Nội đã quyết định, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng cùng các ngành chức năng tổ chức thi thành cưỡng chế giải toả các sai phạm về TTXD của các hộ dân trên khu đất 1500 m2 của DA đã giao cho TCty chè Việt Nam để chủ đầu tư triển khai xây dựng. Nhưng, gia đình ông Gang cùng bà Sinh, bà Tính lại tiếp tục có đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ và kháng nghị tới TAND tối cao. Ngày 20/3/2008, Thanh tra Chính phủ lại có văn bản số 421/TTCP gửi UBND TP Hà Nội với nội dung: “Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho tạm hoãn thực hiện Quyết định 1108/QĐ-UB ngày 23/7/2007 của UBND TP Hà Nội…”. Tiếp nhận các văn bản của Thanh tra Chính phủ và TAND tối cao, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục chỉ đạo bằng văn bản số 332 ngày 15/8/2008, giao cho Thanh traNhà nước TP Hà Nội kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nội dung khiếu nại của gia đình ông Gang cùng bà Sinh, bà Tính, nếu không có tình tiết mới thì báo cáo UBND TP, chấm dứt việc giải quyết khiếu nại và đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm…



Ngày 12/2/2009, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký văn bản 1106/UBND gửi TAND tối cao, nội dung nêu rõ: “Tại các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội và Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội; đại diện UBND TP Hà Nội đã khẳng định: Quyết định 1108/QĐ-UB ngày 23/7/2007 của UBND TP Hà Nội không phải là quyết định giải quyết lần đầu khiếu nại của các ông, bà Phạm Văn Gang, Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Tính đối với Quyết định số 1042/QĐ-UB ngày 21/3/1996 của UBND TP Hà Nội. Đến nay, UBND TP thống nhất và không có ý kiến gì khác với khẳng định nêu trên.UBND TP xin báo cáo và làm rõ thêm, tại điều 1 của QĐ 1042 đã ghi rõ: Thu hồi 1.500 m2 đất tại đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng là do HTX nông nghiệp Đồng Thanh đang quản lý, sử dụng. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định tại bản vẽ tỷ lệ 1/500 do Viện thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị Hà Nội lập ngày 15/12/1995; Kiến trúc sư trưởng thành phố duyệt ngày 18/12/1995. Như vậy đối tượng bị thu hồi đất tại Quyết định 1042 của UBND TP Hà Nội là HTX nông nghiệp Đồng Thanh; loại đất thu hồi là đất nông nghiệp. Gia đình ông Gang cùng bà Sinh, bà Tính là người có tài sản cây cối, hoa màu trên diện tích 462 m2 đất (trong tổng số 1.500 m2 đất thu hồi) không phải là đối tượng bị thu hồi quyền sử dụng đất… Nguyên nhân do gia đình ông Phạm Văn Gang tái lấn chiếm lại một phần đất trong lô đất 1.500 m2 của DA nên xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông Gang và TCty chè Việt Nam, dẫn đến DA không triển khai xây dựng được.



 
Ngày 23/7/2007, UBND TP ban hành Quyết định 1108/QĐ-UB là quyết định giải quyết tranh chấp quyền sử dụng 462 m2 đất bị thu hồi và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, không phải là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với Quyết định số 1042/QĐ-UB ngày 21/3/1996 của UBND TP Hà Nội (nay đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo). Tại văn bản số 2519/UBND ngày 24/4/2008 của UBND TP Hà Nội gửi Thanh tra Chính phủ cũng đã giải thích và nêu rõ như trên.Đây là vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và đầu tư nước ngoài. UBND TP Hà Nội đề nghị TAND tối cao xem xét quyết định theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP Hà Nội và Toà phúc thẩm hành chính TAND tối cao, tạo điều kiện ổn định tình hìnhtại địa phương và điều kiện cho TCty chè Việt Nam triển khai DA đầu tư xây dựng theo quy định”.



Thái độ xử lý của UBND TP Hà Nội là tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Nhưng để có hiệu quả thiết thực vẫn là UBND TP cùng các ngành, các cấp có trách nhiệm cần kiên quyết cưỡng chế dứt điểm việc làm vi phạm pháp luật,lấn chiếm đất DA đã kéo dài 14 năm của một số hộ dân trong khu vực đất DA. Gần một nửa thời gian thuê đất của Nhà nước đã trôi qua, TCty chè Việt Nam cùng đối tác liên doanh nước ngoài đã tiêu tốn trên 3,5 tỷ đồng và hơn 120.000 USD cho DA mà vẫn chưa xây dựng được. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư suốt 14 năm nay mà còn tác động ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư khi Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng.


 



Bài, ảnh: Đức Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *