Gánh hàng rong










Ngày mưa cũng như ngày nắng, từ sáng sớm tinh mơ tới đêm khuya khoắt, gánh hàng rong mang hương vị bốn mùa trải đều khắp các phố phường Hà Nội. Kĩu kịt trên chiếc xe đạp cọc cạch là ổ bánh mì thơm giòn, nồi khoai lang, sắn luộc bốc khói nghi ngút xoa dịu cái lạnh giá đêm đông, là trái quả ngọt lành, tươi mát giữa trưa nắng hè, là những nhành đào thắm, đào phai rung rinh cười với gió xuân, là cả mùa thu dịu êm ẩn trong đóa cúc vàng rực, trong nắm cốm non xanh như ngọc…


Gánh hàng rong
Nặng trĩu vai gầy



Nét đẹp văn hoá một thời



“Ai bánh mì nóng giòn đây!”, “Ai đồng nhôm nát sắt vụn bán đi!”, “Mài dao mài kéo đi!”… Tiếng rao lanh lảnh, khi bổng khi trầm, văng vẳng suốt con ngõ nhỏ, những tiếng rao thẳm sâu, miệt mài, cứ chìm mãi, chìm mãi rồi hoà cùng bóng đêm. Trĩu nặng trên đôi vai gầy của các chị, các mẹ là đôi quang gánh chứa đựng cả nỗi thấp thỏm, âu lo, mưu toan cho cuộc sống bộn bề, chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm, bền bỉ. Người mua kỹ tính, lật qua lật lại hàng, chê lên chê xuống, vậy mà người bán vẫn phải vui vẻ đổi cho thứ khác. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ướt đẫm tấm lưng giãi dầu mưa nắng, nhưng họ vẫn cười thật tươi, nụ cười ánh lên niềm vui, niềm tin yêu, thấp thoáng dưới vành nón.  Biết bao kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… đã được nuôi lớn, trưởng thành nhờ vào thu nhập ít ỏi từ gánh hàng rong ấy.



Gánh hàng rong tự bao giờ trở thành hình ảnh gắn bó thân thương trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân Hà thành. Cùng gánh hàng rong, hoa Ngọc Hà toả ngát hương trên mọi nẻo đường, gói cốm làng Vòng óng ả, tươi rói, quện chặt hương mùa thu trong từng lớp lá sen, bát bún thang sóng sánh, níu giữ mãi nỗi nhớ nhung của những người từng một lần nếm thử… Mặc cái nắng hè gay gắt, người ta vẫn dừng lại bên đường thưởng thức bát tào phớ, cái lạnh của mùa đông cũng không thể ngăn người ta ra đường cùng bạn bè, sà vào một quán gánh rong ngô, khoai nướng. Ngày trước, những người bán hàng rong dù nghèo, nhưng họ thật nhẹ nhàng, lịch sự, không xô bồ, bất nhã. Khi đi bán hàng, họ luôn mặc đẹp, áo năm bảy mớ, đầu chít khăn mỏ quạ, chân đi guốc gỗ. Những điều đó đã khiến hàng rong một thời là nét đẹp văn hoá của đất Hà thành.



Nhọc nhằn giữa cuộc mưu sinh



Từ lâu mảnh đất đô hội này đã là nơi kiếm cơm của biết bao cuộc đời. Ban đầu chỉ có dăm ba người phải bươn chải nơi đầu đường góc phố kiếm thêm chút tiền phụ đỡ gia đình lúc nông nhàn. Chục năm trở lại đây, theo bước đô thị hoá, cuộc sống với bộn bề lo toan đã kéo những người lao động nghèo vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường. Hàng rong trở thành nghề chính của người dân nghèo, thành nguồn thu quan trọng trong gia đình. Số lượng hàng rong ngày một đông lên. Họ tụ tập họp chợ ở bất cứ nơi đâu, kể cả những nơi gắn biển “Cấm họp chợ”. Hàng rau, hàng thịt đến các loại hàng khô, hàng nhựa thi nhau tràn ra vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, làm mất vệ sinh, mỹ quan đường phố.



Tiếng rao không còn trong, không cao vút, khi trầm khi bổng như trước. Có khi họ dùng băng ghi âm giọng nói rồi bật loa oang oang khắp phố, gây ô nhiễm tiếng ồn. Không chỉ thế, một bộ phận những người bán hàng rong đang làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô bởi nạn chèo kéo khách du lịch. Ấn tượng đẹp đẽ về sự độc đáo từ những gánh hàng rong của khách du lịch nước ngoài sẽ không còn khi họ bị quấy rầy, ép mua hàng.



Sau khi Hà Nội cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố chính, nhiều người đã bỏ về quê tìm kiếm việc khác, nhưng cuối cùng vẫn tìm cách quay trở lại, âu cũng vì miếng cơm manh áo. Đêm xuống tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên, Hà Đông, những người lao động nghèo vẫn trải bao tải nằm ngủ, đợi mua được những mớ rau ngon nhất, những thứ quả tươi nhất, chờ trời sáng chở rau quả sau xe đi khắp ngõ Hà thành. Gánh hàng rong lại lên đường, phía trước, mặt trời đã rạng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *