Gấu nuôi –“bỏ thì thương, vương thì tội












KTĐT – Mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chế về quản lý gấu nuôi nhưng đến nay, hầu hết các chủ nuôi gấu trên địa bàn Hà Nội đều không thực hiện được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng mấu chốt của vấn đề là do thị trường mật gấu giờ không còn sôi động. Con gấu trước đây là “con làm giàu” cho một số chủ nuôi nhưng hiện nay đã trở thành gánh nặng. Người nuôi gấu đang sống trong tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước tự định đoạt số phận vật nuôi của mình.

Xa rồi thời “hoàng kim”

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, người ta ảo tưởng rằng mật gấu có khả năng chữa bách bệnh, vì thế mà nó quý hiếm. Nhận thấy đây là một thị trường béo bở, một số người có “máu mặt” ở Hà Nội, Hà Tây (cũ) đã không ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để mua gấu về nuôi lấy mật. Toàn bộ số gấu nuôi đều được mua trôi nổi với giá vài chục triệu đồng/con. Số tiền bỏ ra tuy lớn nhưng chẳng bao lâu, các chủ nuôi đã có thể thu lãi. Trung bình mỗi con gấu, người nuôi có thể tiến hành hút mật 1 tháng/lần, mỗi lần từ 120 – 150cc. Với giá bán 200 nghìn đồng/cc, thu nhập từ mật gấu trong vòng 2 tháng đã có thể bù đủ tiền mua gấu (40 – 50 triệu đồng), còn sau đó là lãi ròng.

Từ thành công của những người đi đầu, người dân đầu tư vào nuôi gấu nhiều hơn, không chỉ “đại gia” mà cả những người có kinh tế kha khá một chút. Số gấu nuôi ở Hà Nội và chủ yếu là Hà Tây tăng lên vùn vụt, tới hàng trăm con. Cao điểm có những trang trại nuôi tới trên dưới 50 con. Để bán được mật, họ đăng biển quảng cáo ở khắp nơi; trên đường đi và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí nhiều trang trại còn có xe ô tô đưa đón khách đến tận nơi mua để xem hút mật trực tiếp; rộn ràng như đi xem hội…

Vì là “con vàng” nên gấu nuôi lúc đó được gia chủ chăm hơn… chăm con. Nào là thịt gà, cá tươi, mật o­ng, sữa, nước mía, nước xương ninh làm thức ăn…, chẳng thiếu thứ gì. Một chủ nuôi gấu ở địa bàn Hà Đông cho biết, gấu ăn nhiều lắm, bao nhiêu cũng chẳng vừa. Ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kể: Cách đây hơn chục năm, trong một lần đi kiểm tra gấu nuôi ở địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ), ông phát hoảng khi thấy một gia đình nuôi gấu ngay… trong nhà! Vì nhà chật, không có chỗ nuôi nên cặp vợ chồng đó đã ngăn nhà ra làm 2 gian, một gian nuôi 2 con gấu, một gian dành cho chủ nhà; đáng sợ hơn cả là hai gian này chỉ cách nhau có một bức tường! 

Bất tuân quy định

Khi việc mua bán gấu và các sản phẩm từ gấu trở nên ngày càng sôi động, nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên sinh vật rừng; cùng lúc nhiều cơ quan chức năng địa phương lên tiếng thì lúc đó, Bộ NN&PTNT mới có phương án quản lý gấu nuôi. Năm 2005, Bộ NN&PTNT đã thực hiện gắn chíp gấu nuôi trên địa bàn cả nước và
áp dụng chính sách chấm dứt việc mua bán, trao đổi gấu và các sản phẩm của gấu. Mới đây, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý gấu nuôi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN (ngày 29/9/2008) về Quy chế quản lý gấu nuôi, trong đó quy định cụ thể những yêu cầu về chuồng trại, vệ sinh môi trường đối với người nuôi gấu. Quy chế yêu cầu người dân hoàn thành các quy định về chuồng trại trước 30/6/2009. Sau thời gian quy định, nếu cơ sở nuôi gấu nào cố tình không thực hiện thì kiên quyết xử lý, tịch thu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện theo quy định đã quá gần 3 tháng nhưng hầu hết các cơ sở nuôi gấu trên địa bàn Hà Nội vẫn “án binh bất động”.

Theo ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thì: Hiện Hà Nội có 150 hộ nuôi 568 cá thể gấu đã gắn chíp. Số gấu này phần lớn được nuôi ở các địa bàn huyện Phúc Thọ (346 cá thể), Hà Đông (39 cá thể), Sơn Tây (28 cá thể)… Sau khi triển khai Quyết định 95 của Bộ NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan và cử cán bộ kiểm lâm xuống các địa bàn để tuyên truyền phổ biến chính sách đến từng hộ nuôi gấu. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra, đa phần các hộ nuôi gấu chưa đảm bảo tiêu chuẩn về chuồng trại theo quy định; 100% các hộ chưa được cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh (thành phố) xác nhận trại nuôi đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường theo quy chế quản lý. Tính đến ngày 30/6/2009, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chưa có một tổ chức, cá nhân nào đến Chi cục Kiểm lâm đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu. Ông Tuyên cho biết, vướng mắc nhất trong việc thực hiện Quyết định 95 chính là quy định về chuồng trại quá chặt chẽ, không có độ xê dịch. Quy chế của Bộ yêu cầu chuồng nuôi gấu phải vuông 1,5m, cao 2m nhưng thực tế tại các hộ nuôi, có chuồng cao 1,8m, có chuồng lại cao 2,2m….

Cũng theo ông Tuyên, việc nuôi gấu đã được người dân thực hiện từ lâu (hơn chục năm nay), nhưng đến giờ Bộ NN&PTNT mới ra các quy định về chuồng trại, vì thế người dân rất khó thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự thờ ơ với các quy định của Nhà nước không nằm ở việc quy định ra trước hay ra sau, mà vì lợi nhuận từ gấu nuôi hiện nay đã không còn nữa.

Gánh nặng khó rũ bỏ

Thời điểm này, các phẩm từ gấu nuôi đã không được ưa chuộng và có giá như trước. Phần vì nhận thức về tác dụng của các sản phẩm từ gấu đã có sự thay đổi, phần vì các sản phẩm từ gấu nuôi (đặc biệt là mật gấu) đã không đáp ứng được chất lượng do người nuôi chạy theo lợi nhuận quá nhiều. Vì thế, mặc dù người nuôi gấu vẫn lén lút khai thác nhưng mật gấu bán trên thị trường đã bị xuống giá thảm hại. Giá 1cc mật gấu chỉ từ 20 – 30.000 đồng.Chán nản, nhiều chủ nuôi đã muốn rũ bỏ gánh nặng. Nhiều con gấu bị chủ nuôi bỏ đói, không chăm sóc thú y dẫn đến ốm yếu rồi chết. Tại huyện Phúc Thọ, số gấu nuôi từ năm ngoái đến năm nay đã giảm vài chục con, do người dân “sang tên” cho các cơ sở nuôi ở tỉnh khác.

Nói về việc thực hiện các quy định về chuồng trại, bà Nguyễn Thị Tài, một chủ hộ đang nuôi 23 con gấu ở Phụng Thượng (Phúc Thọ) cho biết: Để làm lại một lô chuồng trại theo quy định mới của Bộ NN-PTNT thì phải mất ít nhất mỗi chuồng trại khoảng 3,5 triệu đồng. Cách đây vài năm, khi gấu còn là “con vàng” thì mức tiền trên chẳng là bao, nhưng hiện nay thì lại khiến người dân phải so đo, tính toán.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 4.349 cá thể gấu đã được gắn chíp, còn số gấu nuôi trái phép thì chưa thống kê được. Rõ ràng, khi mật gấu không còn giá trị thì hàng ngàn con gấu nuôi đang bị người dân đối xử ghẻ lạnh và có nguy cơ làm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quy định về bảo vệ động vật hoang dã.


 



Hoàng Quyết – Nguyễn Thủy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *