|
KTĐT – Theo dự án triển khai tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội thì giá đền bù cho các hộ di dời cao nhất là 57 triệu đồng/m², thấp nhất là 1,2 triệu đồng/m², những diện tích nhỏ sau thu hồi không đủ xây nhà cũng bị lấy hết.
Đường Điện Biên Phủ được trình mức đền bù cao nhất
Khảo sát của Cty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (Bộ GTVT) cho thấy, tổng số người bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao lên tới 7.919 nhân khẩu. Con số này hiện đã được thống nhất với UBND các quận, huyện, phường, xã có tuyến đường sắt trên cao đi qua.
Trong đó, nhiều nhất là quận Long Biên với 3.177 nhân khẩu (630 hộ) phải di dời; tiếp đến là quận Đống Đa với 1.419 nhân khẩu (66 hộ); quận Hoàn Kiếm cũng có tới 1.282 nhân khẩu (350 hộ); huyện Thanh Trì là 1.132 nhân khẩu (298 hộ). Quận Thanh Xuân có 396 nhân khẩu (66 hộ) phải di dời; quận Ba Đình là 284 nhân khẩu (52 hộ); và ít nhất là quận Hoàng Mai chỉ có 229 nhân khẩu (54 hộ) phải di dời tái định cư.
Diện tích đất thổ cư phải thu hồi lớn nhất là ở quận Long Biên 40.396m²; quận Đống Đa và Hoàn Kiếm đều ở trong mức hơn 12.500m² đất thổ cư bị thu hồi; quận Thanh Xuân là 2.625m² đất thổ cư phải giải phóng mặt bằng (GPMB)…
Trong số các hộ thuộc diện giải toả, nhiều nhà đang nằm ở vị trí đất “vàng”. Theo phương án sơ bộ mà Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư dự án) thì địa điểm được bồi thường GPMB cao nhất là khu vực quận Ba Đình, hiện có 52 hộ thuộc diện di dời. Trong đó, cao nhất là đường Điện Biên Phủ là 57 triệu đồng/m² tại vị trí số 1; vị trí 2, 3, 4 lần lượt có mức giá 25 triệu đồng, 19 triệu đồng và 17 triệu đồng/m². Tại vị trí 1 đường Trần Phú có giá bồi thường là 51 triệu đồng; vị trí 2 là gần 23 triệu đồng; vị trí 3 gần 18 triệu đồng/m²; vị trí 4 xấp xỉ 16 triệu đồng/m². Đường Tôn Thất Thiệp mức đền bù cao nhất là 32 triệu đồng, thấp nhất là 12 triệu đồng/m².
Quận Hoàn Kiếm, 350 hộ dân nằm ở vị trí 1 trên đường Lê Duẩn, Phùng Hưng, Gầm Cầu được bồi thường từ 35 – 46 triệu đồng/m²; các vị trí còn lại dao động từ 12 – 20 triệu đồng/m². Quận Thanh Xuân có 66 hộ (396 nhân khẩu) sinh sống ở đường Giải Phóng (phía có đường tàu) được hỗ trợ từ 8 – 18 triệu đồng/m², tùy vị trí. 229 nhân khẩu thuộc quận Hoàng Mai nằm trên đường Giải Phóng khu vực phía đường tàu cũng được đền bù thấp nhất là 7,5 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng/m².
Có 1.419 nhân khẩu thuộc quận Đống Đa đang sinh sống trên các đường Lê Duẩn (phía có đường tàu và phía đối diện đường tàu); đường Giải Phóng đoạn đi qua đường tàu; đường Nguyễn Khuyến sẽ được bồi thường từ 9 – 46 triệu đồng/m², tùy vị trí.
Tại quận Long Biên, 630 hộ phải di dời được đề xuất mức đền bù thấp nhất là 4 triệu đồng/m², cao nhất là 20 triệu đồng/m². Cụ thể, tại vị trí 1 đường Ngọc Thụy (mặt đê và đường gom chân đê) 7 triệu đồng/m²; đường Ngọc Lâm 20 triệu đồng/m²; vị trí 1 đường Thượng Thanh 12 triệu đồng/m². Mức đền bù đất ở thấp nhất được Tổng Cty đường sắt trình phê duyệt là đất tại 3 xã Liên Ninh, Ngọc Hồi, Vĩnh Quỳnh thuộc huyện Thanh Trì, chỉ có 1,2 triệu đồng/m².
Mới mua nhà sẽ không được bố trí tái định cư
Như vậy, tổng diện tích chiếm đất vĩnh viễn của dự án lên tới 146ha, tổng số dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 7.919 người. Diện tích khu tái định cư dự kiến cần 180.882m², chưa kể diện tích cơ sở hạ tầng cần thiết của khu tái định cư.
Ông Ngô Anh Tảo – Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho hay, chỉ những hộ có đất hợp pháp, có đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dựng đất theo quy định thì mới được bồi thường thiệt hại về đất. Ngược lại, những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường thì chỉ được xem xét, hỗ trợ theo quy định. Theo đó, chỉ xét giao đất, bán hoặc cho thuê nhà tái định cư cho các hộ có đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại về đất.
Đối với những gia đình có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và được bồi thường thiệt hại về đất nhưng lại không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sẽ không được xét giao đất hoặc nhà tái định cư. Trường hợp đã có thời gian tạm trú (phải có sổ đăng ký tạm trú – PV) tại địa chỉ bị thu hồi đất trước thời điểm công bố công khai chủ trương thu hồi đất từ 1 năm trở lên sẽ được xem xét.
Những trường hợp chỉ bị thu hồi phần diện tích nhà ở, đất ở nhỏ hơn 10m², mà diện tích còn lại ngoài chỉ giới GPMB đủ điều kiện xây dựng được nhà ở phù hợp với quy hoạch và quy định của Luật Xây dựng sẽ không được xét giao đất hay nhà tái định cư. Trong trường hợp phần diện tích còn lại bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất tối đa mà thành phố quy định với một chủ sở hữu cũng không được xét giao đất hoặc nhà tái định cư.
Theo đó, hạn mức giao đất tái định cư tại các phường được quy định là 60m²; tại các xã thị trấn ven đô thuộc các huyện giáp với các phường của quận là 80m²; tại các xã đồng bằng diện tích giao đất tái định cư là 80m².
Nhằm tránh nhà “siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện sau GPMB, trong dự án này, tất cả các trường hợp bị thu hồi đất ở mà có phần diện tích còn lại quá nhỏ không đảm bảo xây dựng nhà theo quy định sẽ bị thu hồi.
Toàn bộ dự án tuyến đường sắt trên cao giai đoạn 1 nằm trong địa bàn TP Hà Nội đi qua 7 quận, huyện và 22 phường/xã gồm: Liên Ninh, Ngọc Hồi, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì); Hoàng Liệt, Thịnh Liệt (Hoàng Mai); Phương Liệt (Thanh Xuân); Phương Mai, Phương Liên, Khâm Thiên, Trung Phụng, Văn Miếu (Đống Đa); Cửa Nam, Cửa Đông, Hàng Bông, Hàng Mã, Đồng Xuân (Hoàn Kiếm); Điện Biên, Phúc Xá (Ba Đình); Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Gia Thụy (Long Biên).
Theo GĐ