Quan sát tại các chợ, các trục đường lớn, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm kinh doanh đổi chủ liên tục. Một trong những nguyên nhân, là giá thuê mặt bằng liên tục tăng cao trong nhiều năm qua, các chủ kinh doanh không tìm đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí…
Nhiều tiệm may đo trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Lý Chính Thắng… dù khá đông khách nhưng đành phải trả lại mặt bằng.
Không chịu nổi
Bà Kim Loan, từng có tiệm may gần ngã ba Kỳ Đồng, cho biết: “Giá thuê từ hai triệu, tăng lên ba triệu, rồi bốn triệu đồng/tháng tôi vẫn cố bám trụ. Nhưng đến khi mặt bằng cho thuê mở nhà thuốc tây, cửa hàng thời trang chung quanh đồng loạt tăng lên 8 – 10 triệu/tháng thì chủ nhà không thể nào chấp nhận giá cho thuê dưới tám triệu/tháng. Với mức giá này, nghề may đo không thể kiếm lãi được, do vậy tôi đành dời tiệm về nhà làm hàng cho khách quen”.
Tiệm cắt tóc gội đầu của bà Mai trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thuê cả căn nhà mở tiệm được gần năm năm với giá khoảng 2.000 USD/tháng. Đến khi giá thuê mặt tiền Nguyễn Huệ, Đồng Khởi tăng vọt kéo giá mặt tiền Ngô Đức Kế lên theo, gần 4.000 USD/tháng, bà Mai đành dời tiệm về nhà.
Ở đường Đặng Chất, quận 8, giá thuê mặt bằng tăng lên từ sau khi cầu chữ Y và cầu Nguyễn Văn Cừ thông đường. Điều này đã đẩy nhiều người thuê nhà mở tiệm may đo, dịch vụ sửa chữa quần áo, lên lai quần jeans ra… lề đường. Bởi dịch vụ làm công này không thể kham nổi giá thuê trên một triệu đồng/tháng trong khi giá lên lai quần jeans chỉ 15.000đ, sửa áo từ 10.000 – 20.000đ/cái.
Đẳng cấp nào, mặt bằng đó
Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, giá thuê trung bình tại các trung tâm bách hoá, trung tâm mua sắm dao động từ 35 – 140 USD/m2, thậm chí 220 USD, song công suất cho thuê mặt bằng vẫn đạt trên 96%.
Những tiệm may còn “bám trụ” ở mặt tiền đường, nhất là đường lớn, phải có đủ uy tín, thương hiệu để khách hàng chấp nhận giá công may cao. Tại nhiều nhà may ở quận 1, quận 3 hiện giá công may sơmi lên đến 450.000đ/áo, áo kiểu 500.000đ, quần tây 450.000đ… nhằm bù vào chi phí thuê mặt tiền cao ngất ngưởng (15 – 20 triệu đồng/tháng).
Bà Lan, bán dù, bóp, ví cầm tay ở chợ Bến Thành chọn giải pháp khác. Bà nói: “Tui cho thuê sạp có lợi hơn là giữ chỗ ngồi bán”. So với các sạp bán túi xách, giày dép thời trang hàng hiệu trị giá từ vài trăm đến vài triệu/sản phẩm, thì hàng của bà Lan khó có thể tăng giá để lợi nhuận lên cao hơn. Hàng giá thấp nên lợi nhuận thấp. Chính vì vậy, theo bà Lan, mỗi ngày bán ở chợ lãi khoảng 300.000đ sau khi trừ chi phí ăn uống, vệ sinh, xăng xe, thuế, các khoản phí… Như vậy, một tháng lãi chín triệu đồng. Mức lời này thấp hơn nhiều so với cho thuê sạp, từ 700 – 800 USD/tháng (tương đương 13 – 14 triệu đồng/tháng).
(Theo SGTT)