“Giải cứu” di sản lòng hồ Thủy điện Sơn La: Vẫn chỉ… trên giấy!





Đã hơn ba năm kể từ ngày phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La, cùng với nỗi lo ngại những di sản văn hóa trong khu vực có nguy cơ bị vĩnh viễn chìm dưới lòng hồ, nhiều dự án khảo sát, di dời và tôn tạo đã được lập và trình duyệt qua nhiều ngành nhiều cấp. Nhưng cho đến tận thời điểm này, khi mà “thời hạn” ngập nước đang tới rất gần, những dự án giải cứu đó vẫn chỉ nằm… trên giấy.


Một vùng di sản văn hóa đồ sộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu
sẽ chìm trong nước khi công trình thuỷ điện Sơn La hoàn thành.





Một  vùng văn hóa rộng lớn sẽ chìm ngập trong lòng hồ




Theo dự tính, khi công trình thuỷ điện Sơn La hoàn thành, khu vực lòng hồ có tổng diện tích đất bị ngập lên tới hơn 23 nghìn ha. Trong đó, tỉnh Sơn La ngập hơn 15ha, Lai Châu hơn 5ha và Điện Biên gần 3ha. Nằm trong khu vực phải di dời , có gần chục vạn đồng bào thuộc các dân tộc Thái, Kháng, La Ha, Khơ Mú, Kinh… phải nhường bản làng cho lòng hồ thủy điện.




Đây là vùng dân định cư lâu đời, có truyền thống canh tác lúa nước khá sớm và có một nền văn hóa rất phong phú, đặc sắc. Ngoài 27 di tích khảo cổ (8 di tích thời kỳ đồ đá cũ, 9 di tích thời kỳ đồ đá mới, 7 di tích thời đại kim khí…) nơi đây còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể từng được các nhà nghiên cứu xếp vào một trong những chiếc nôi văn hóa tiêu biểu của vùng Tây Bắc. Đặc biệt là văn hóa truyền thống của đồng bào Thái và Khơ Mú là hai dân tộc chiếm tỷ lệ dân số cao nhất ở đây. Trong quá trình tồn tại lâu đời, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng tạo nên sắc thái văn hóa chung cho vùng Tây Bắc.


Bia Lê Lợi – di tich lịch sử văn hóa quốc gia nằm trong vùng ngập nước sẽ phải di dời






Kho tàng di sản văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất là những đồ dùng vật dụng gắn liền đời sống lao động sản xuất, nghề truyền thống và những sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Đó còn là những câu chuyện dân gian, những giai thoại gắn liền địa danh, nhân vật cụ thể ở mỗi địa phương, những bài thuốc chữa bệnh gia truyền, những món ăn đặc sản chỉ có ở từng vùng đất.




Nằm trong khu vực phải di dời, đáng chú ý nhất là tấm bia đá trên đó khắc ghi bút tích của vua Lê Lợi, nằm trên vách núi Pú Huổi Chỏ tả ngạn sông Đà, thuộc địa phận  huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tương truyền, bia được khắc sau khi Lê Lợi dẹp loạn tù trưởng châu Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay) là Đèo Cát Hãn hai lần cấu kết với giặc Minh làm phản vào khoảng đầu thế kỷ 15. Theo các nhà nghiên cứu, đây là tấm bia cổ chữ  Nôm duy nhất ở Lai Châu được khắc vào năm 1432 , không những mang giá trị văn hóa, lịch sử to lớn mà còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền bờ cõi đất nước. Tấm bia này đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) ra quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1981.







Dinh thự Đèo Văn Long hiện chỉ còn phế tích.




Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều di tích-công trình nổi tiếng như: Khu dinh thự của ‘Vua Thái’ Đèo Văn Long ở ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, được công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 1980. Nhà tù Lai Châu do thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Chiếc cầu treo Hang Tom ở phía đông bắc thị xã , được coi là một trong những “công trình” đẹp nổi tiếng…




Và nữa, những phiên chợ thị xã rực rỡ sắc mầu thổ cẩm, những đêm xòe dìu dặt của trai gái Thái , tiếng còi tầm rền vang núi rừng của Nhà máy cơ khí Lai Châu từng thân thuộc với người dân vùng này từ gần nửa thế kỷ nay…




Theo “tính toán” của các nhà chuyên môn, trong quá trình xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, khi nước sông Đà dâng lên, toàn bộ một vùng rộng lớn sẽ bị chìm ngập, riêng bia Lê Lợi sẽ chìm sâu tới 10m trong lòng hồ. Báo cáo của các cán bộ bảo tàng tỉnh Lai Châu cũng cho biết, một khi công trình thuỷ điện Sơn La hoàn thành, nếu không nghiên cứu khoa học và bảo tồn kịp, các di sản văn hóa phi vật thể vùng lòng hồ và khu vực tái định cư sẽ bị mai một, các di sản văn hóa vật thể sẽ bị huỷ hoại hoàn toàn. Một khối lượng di sản văn hóa vô giá có nguy cơ bị xoá nhòa vĩnh viễn.




Có kịp giải cứu?




Được biết, những khảo sát ban đầu đối với những di chỉ khảo cổ nằm trong lòng hồ sông Đà đã được các cán bộ khảo cổ tiến hành từ năm 1998. Kết quả khảo cổ học thềm sông, hang động, mái đá, qua khảo sát đã thu được một số hiện vật đồ đá, đồ đồng, gốm, di cốt người và động vật thuộc các giai đoạn khác nhau từ thời kỳ đồ đá đến thời đại kim khí. Khảo sát ban đầu cũng cho thấy, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong khu vực này chứng tỏ tiềm năng to lớn cần cấp thiết bảo tồn.




Từ năm 2006, một năm sau khi phát lệnh khởi công công trình thuỷ điện Sơn La, dự án bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ giai đoạn từ 2006 đến 2010 đã được thiết lập và phê duyệt. Trong đó, bia Lê Lợi sẽ được di dời ra khỏi vùng lòng hồ đến một nơi mới. Di tích lịch sử khu dinh thự Đèo Văn Long sẽ được trùng tu tôn tạo. Những hiện vật tại những di chỉ khảo cổ sẽ được căng ô thu thập và lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Lai Châu. Những hiện vật dân tộc học cũng sẽ được cán bộ bảo tàng tiến hành sưu tầm và lưu giữ. Đối với di sản văn hoá phi vật thể, sẽ tổ chức nghiên cứu, quay phim.




Tuy vậy, hiện tại  thời điểm này đã là sắp giữa năm 2009, nghĩa là chỉ còn hơn một năm nữa đến thời hạn ngập nước, nhưng tất cả những phương án di dời, tôn tạo các di tích ở khu vực này vẫn chủ yếu chỉ nằm trên giấy.




Ông Trần Văn Long,  Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, riêng đối với bia Lê Lợi, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về phương án di dời. Sở đã trình lên một kế hoạch khác với dự án ban đầu (di chuyển lên khu dinh thự Đèo Văn Long sau nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp vì tính chất khác biệt của hai di tích). Phương án mới là sẽ di chuyển bia lên cao cách vị trí cũ tầm 240m. Các hạng mục công việc sẽ bao gồm di chuyển nguyên khối đá gắn tấm bia, xây đặt khu nhà bia trong một khu di tích mới dự kiến rộng khoảng 500m2, hướng ra sông Ðà. Mở đầu cụm kiến trúc sẽ là một Nghi Môn, tiếp đó là khoảng sân lát gạch bát phục chế. Chính giữa khoảng sân là nhà che bia được xây dựng mới. Phía sau nhà bia là một khoảng sân có ngôi đền nhỏ, bên trái nhà bia là một nhà khách và xung quanh khuôn viên di tích trồng một số cây xanh lưu niệm.




Tuy nhiên, ông Long cũng vừa cho biết, phương án này cũng đang chờ sự đồng ý và phê  duyệt kinh phí từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị đền bù cho dự án vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Theo ông, sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2009 mới có thể tiến hành di dời bia Lê Lợi.




Riêng khu dinh thự Ðèo Văn Long – di tích lịch sử cấp tỉnh,  phương án phục dựng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hiện trạng dinh thự chỉ còn là dạng “phế tích”, các tư liệu, nhân chứng để căn cứ phục hồi di tích hầu như thất lạc không còn nữa. Đơn vị xây dựng dự án đang thiếu những tư liệu cần thiết như: bản thiết kế cũ, hình ảnh lịch sử, nhân chứng lịch sử để mô tả lại đảm bảo cho công tác trùng tu, tôn tạo đúng với lịch sử.




Hai dự án khác gồm xây dựng Kho trưng bày hiện vật trong quần thể Bảo tàng Lai Châu, Sưu tập hiện vật dân tộc học vùng lòng hồ đưa vào kho trưng bày các hiện vật như: nhà cửa, y phục, dụng cụ lao động, nghề truyền thống, văn hoá phi vật thể…đã được phê duyệt vào năm 2008, nhưng cho đến hiện tại vẫn chỉ mới khởi động bước đầu.




Anh Nguyễn Trọng Hiếu, phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu cho biết, đến tháng 4-2009 sẽ kết thúc giai đoạn đầu tiên, bao gồm khảo sát và thu thập hiện vật dân tộc học. Mặc dù loại hình hiện vật này hiện vẫn là đồ dùng sinh hoạt, sản xuất lao động của người dân, nên việc thu thập không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những hiện vật thu thập ban đầu cũng chỉ nằm trong kho bảo quản của dãy nhà cấp 4 tạm bợ.




Đã hơn ba năm để nghiên cứu, tính toán và thiết lập các phương án bảo tồn, cứu giữ những di sản trong vùng ngập. Và chỉ còn hơn một năm để tiến hành, liệu những di sản này kịp để được “giải cứu” một cách cẩn trọng, an toàn?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *