(VTC News) – Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn ở Việt > Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ phản ứng về vụ tắc đường “lịch sử” > CSGT nói gì về vụ tắc đường “lịch sử” 50km dịp 30/4? > “Nghẽn mạch” Pháp Vân – Phủ Lý, hành khách bị “chặt chém” không thương tiếc
VTC News đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang Báu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và phát triển giao thông bền vững về vấn đề này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Báu: “Nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường như đợt 30/4 vừa qua chủ yếu là do cơ sở hạ tầng. Phải nói là cơ sở hạ tầng của chúng quy mô nhỏ, thiếu và yếu…”.
Còn yếu và thiếu
– Ông có thể đánh giá một cách tổng quát nhất về hệ thống giao thông nước ta hiện này?
– Hệ thống giao thông Việt Nam mình đã hình thành tương đối lâu rồi. Sự phân bố khá hợp lý. Đặc biệt trong thời gian qua một số tuyến đường đang và sẽ được nâng cấp, cải tạo lại.
– Theo nhiều ý kiến người dân, giao thông nước ta vẫn còn rất yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Là một chuyên gia, theo ông tồn tại đó là gì?
– Tôi có thể chỉ tổng quát mấy bất cập sau: Hệ thống giao thông của ta nói về quy mô còn rất hạn chế, năng lực vận chuyển hạn chế. Thêm nữa là tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, trang thiết bị thì quá lạc hậu. Đó là những bất cấp đang tồn tại đối với mạng lưới giao thông hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Báu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường và phát triển giao thông bền vững. (Ảnh: Lê Thanh) |
– Ông có thể nói rõ hơn về những hạn chế đang tồn tại trên?
– Tôi chỉ đưa ra một điều cụ thể thế này thôi: Chính xác mà nói ở nước ta hầu như chưa có tuyến đường cao tốc. Các tuyến đường chỉ duy nhất có hai làn xe. Nên khi vào độ cao điểm mật độ xe đông, hoặc có một vụ tai nạn thường là gây ùn tắc.
Khi hệ thống đường vành đai 3 đi vào hoạt động sẽ phân bổ tương đối số phương tiện ra vào thành phố. (Ảnh: Lê Thanh) |
Nếu như các tuyến đường tối thiểu có 4 làn xe chẳng hạn, khi gặp sự cố trên đường thì các xe có thể chuyển sang làn khác để vượt lên chứ còn hai làn thì rất khó vượt. Nên dòng xe chỉ còn cách ứ lại, lượng xe hoạt động nhiều mà ứ lại vài phút thì ngay lập tức gây ách tắc.
– Rất nhiều ý kiến cho rằng, “hiện nay, hệ thống giao thông của chúng ta có cái dở là “lắm cha con khó lấy chồng”. Chúng ta tham khảo rất nhiều nhà tư vấn nước ngoài nhưng mỗi nhà tư vấn một kiểu dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc, chậm ngày nào thì ùn tắc càng trầm kha ngày đó. Ý kiến của ông thì sao?
– Tôi nghĩ cũng không quá nghiêm trọng như thế đâu?! Còn về mặt ý kiến tư vấn thì các nước đi trước mình rất nhiều, họ có rồi đó, giờ mình chỉ cần học kinh nghiệm của các nước đó là đã đủ rồi.
Nhưng cái mình thiếu lại là vấn đề kinh tế. Nếu mình có tiền, các tuyến đường làm rộng lên thì ùn tắc sẽ được giải quyết thôi. Chung quy lại là vấn đề vốn.
Ùn tắc là do không có đường vành đai ba
– Lần tắc đường lịch sử dịp 30/4 vừa qua, theo ông nguyên nhân chủ yếu do đâu?
– Tắc đường thì có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như điểm thu phí họ làm chậm, Cảnh sát giao thông một mặt nào đó làm chưa quyết liệt, tai nạn giao thông… Nhưng theo cá nhân tôi nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường như đợt vừa qua chủ yếu là do cơ sở hạ tầng. Như tôi nói trên rồi đó, cơ sở hạ tầng của chúng ta quy mô nhỏ, thiếu và yếu.
Hệ quả này là do hệ thống cơ sở hạ tầng còn thấp. (Ảnh: Kiên Cường) |
Thông thường ở các nước, ở những điểm giao thông đi vào thành phố thì phải có hệ thống đường vành đai ba, trên hệ thống đường này luôn có hệ thống trung chuyển.
Tôi lấy ví dụ xe chạy tuyến phía nam ra, chẳng hạn về Hải Phòng thì chỉ đi thẳng đường vành đai xuống Hải Phòng chứ không được vào thành phố. Trong khi đó hệ thống vành đai ba mình không có. Nên theo tôi đó với là nguyên nhân chính gây hậu quả tắc đường.
– Đợt tắc đường lịch sử dịp 30/4 vừa qua có phải là hệ quả tất yếu khi mà hệ thống giao thông chưa thể đáp ứng kịp với sự phát triển của xã hội?
– Như tôi nói ở trên rồi đó nguyên nhân là cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn vào giờ cao điểm, số người và phương tiện trên đường thì cần phải có 10 làn xe mới có thể đáp ứng được. Nhưng mình chỉ có hai làn đường nên gây tắc đường là điều tất yếu. cái thứ hai nữa mình thiếu hệ thống giao cắt lập thể. Hệ thống giao thông cắt của mình lại toàn giao cắt bằng thì…? Suy cho cùng nguyên nhân vẫn là do “anh” cơ sở hạ tầng gây nên.
– Ngoài nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng, theo ông còn nguyên nhân nào khác không?
– Ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng như tôi đã phân tích ở trên, thì còn yếu tố chất lượng phương tiện, con người điều khiển phương tiện. Đây là nói về mặt ý thức.
– Theo ông để tránh trường hợp đáng tiếc như vừa qua thì cái trước mắt cần phải làm gì thưa ông?
– Trong quy hoạch đô thị bây giờ chúng ta đang làm đường vành đai ba. Cái này gọi là phát triển giao thông đồng bộ. Khi hệ thống này đi vào hoạt động sẽ phân bổ tương đối số phương tiện ra vào thành phố. Khi đó thì mới may ra giảm được ùn tắc.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Lê (thực hiện)
Bạn nghĩ gì về vấn nạn tắc đường và hệ thống giao thông ở Việt Nam? Hãy chia sẻ với VTC News vào ô “Phản hồi của độc giả về bài viết” dưới đây (vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!