Trang chủ » Giải phóng mặt bằng tại Cao Bằng: Cán bộ “nhầm” – dân mất tiền tỷ

Giải phóng mặt bằng tại Cao Bằng: Cán bộ “nhầm” – dân mất tiền tỷ





Quốc lộ 4A là tuyến đường giao thông huyết mạch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Cao Bằng. Tuyến đường hiện chưa hoàn thành vì đoạn gần thị trấn Đông Khê, thuộc địa phận xóm Chang Khuyên chưa giải toả được do nhiều người dân nơi đây bất bình về cách làm không công bằng và thiếu minh bạch của những người “cầm cân nẩy mực” nên chưa đồng ý di dời nhà ở, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Họ còn làm đơn khiếu kiện đến nhiều cấp chính quyền.







Người dân sẵn sàng nhận đền bù, nếu chính sách công bằng

Theo như các hộ dân ở đây phản ánh, cách làm của Ban giải phóng mặt bằng huyện còn nhiều điểm khuất tất. Cùng một loại đất như nhau nhưng có hộ chỉ được tính giá đền bù đất đang ở với giá 27.000đ/m2. Trong khi đó, các hộ gia đình khác có đất cùng loại, ở ngay sát bên cạnh lại được đền bù với giá cao gấp 22 lần, tức là 600.000đ/m2. Thấy không công bằng, các hộ dân này đã nhiều lần kiến nghị lên Ban giải phóng mặt bằng Quốc lộ 4A huyện Thạch An, đề nghị xem xét, nhưng họ đều nhận được câu trả lời giống nhau: Đấy là giá Nhà nước quy định.

Bà Nông Thị Thôn phản ánh: Gia đình bà có mảnh đất rộng, ngay sát đường, thuộc đất đô thị loại 3, vị trí 1. Trước đây, gia đình bà vẫn làm nhà ở trên mảnh đất này, nhưng thời gian gần đây, do điều kiện gia đình, bà dỡ nhà và bán một nửa mảnh đất cho ông Đinh Chí Nhã. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) được cấp năm 1993 cũng ghi đây là đất nhà ở. Nhưng, khi giải phóng mặt bằng, mảnh đất của ông Đinh Chí Nhã được đền bù với giá 600.000đ/m2, còn của bà chỉ được 27.000đ/m2.

Còn bà Nông Thị Vọng cho biết: Trước đây, khi triển khai học tập Nghị quyết của UBND tỉnh về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cán bộ huyện Thạch An có nói, khu vực đất của gia đình bà và bà Nông Thị Lạng là đất nằm ở vị trí 1, đường phố loại III, được tính giá đền bù 600.000 đồng/m2. Thế nhưng, khi đến nhận tiền, bà Vọng và bà Lạng mới biết mình chỉ được đền bù giá đất 27.000 đồng/m2.

Tương tự như vậy, gia đình chị Nông Thị Lạng, năm 1995, mua 102 m2, đất ven đường, giá 70.000đ/m2 với mục đích làm nhà ở cho con trai, nhưng lúc đó gia đình chưa có đủ tiền để xây nhà nên chưa thể xây ngay được. Đến năm 2002, khi Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 4A vào phần đất của bà, Ban giải phóng mặt bằng huyện đã kiểm đếm và ghi rõ là đất xây dựng (có biên bản kèm theo). Năm 2004, con trai bà xây nhà ở trên phần đất này và hằng năm đều nộp thuế nhà đất theo giá đất nhà ở. Thế nhưng đến năm 2007, Ban giải phóng mặt bằng huyện đến kiểm đếm lại và xác định mảnh đất này là đất nông nghiệp và chỉ được đền bù với mức giá 27.000đ/m2.

Cán bộ“nhầm” làm dân khiếu kiện…

Đem những thắc mắc của những hộ dân này đến gặp Ban giải phóng mặt bằng huyện Thạch An, chúng tôi được ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng tài nguyên môi trường huyện Thạch An, Tổ trưởng Tổ kiểm đếm đền bù thiệt hại giải thích: Đất của các hộ dân nói trên đều thuộc vị trí 1, đất đô thị loại 3, nhưng là đất nông nghiệp, không phải là đất ở nên chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp. Nguyên nhân của sự chênh lệch giá đền bù này là do UBND tỉnh có nhiều văn bản quy định về mức giá đền bù khác nhau. Những hộ được kiểm đếm tài sản vào thời điểm nào, sẽ được tính giá đền bù tương ứng với Quyết định ban hành vào thời điểm đó. Các hộ nói trên được kiểm đếm tài sản vào thời điểm áp dụng Quyết định số 1105/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 14/6/2006. Theo Quyết định này, các hộ có đất nông nghiệp liền kề với đất ở sẽ được tính giá đền bù đất nông nghiệp và hỗ trợ 50% giá đất ở. Đất của bà Lạng, bà Vọng, bà Thôn không phải đất ở, cũng không phải liền kề với đất ở nên chỉ được tính theo giá đền bù 27.000đ/m2.

Còn vấn đề tại sao các hộ có đất nông nghiệp, ngay sát với đất bà Lạng, bà Vọng lại được đền bù với giá 600.000đ/m2, ông Toàn thừa nhận: Ban giải phóng mặt bằng huyện đã tính nhầm cho một số hộ, đất nông nghiệp thành đất ở nên mới được đền bù giá 600.000đ/m2. Theo lời ông Toàn “khoảng 3 hay 4 hộ gì đấy”. Đối với hộ của bà Nông Thị Thôn, mặc dù trước đây là đất ở, nhưng tại thời điểm kiểm đếm tài sản, đất đang trồng hoa màu nên chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp. Ông Đinh Chí Nhã mua đất của bà Thôn, sau đó dựng nhà ở nên được tính theo giá đất ở.

Xem ra cách giải thích của ông Toàn chưa hợp lý. Vì đất của bà Thôn đã được cấp giấy chứng nhận là đất thổ cư từ năm 1993, nay chỉ vì bà không có điều kiện làm nhà mà trồng rau lại quy là đất nông nghiệp thì chẳng lẽ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kia không có giá trị?

Có một vấn đề làm chúng tôi băn khoăn suy nghĩ: Tại sao Ban giải phóng mặt bằng lại có thể áp dụng “nhầm”giá đất nông nghiệp thành đất ở cho một số hộ như lời ông Toàn thừa nhận? Tại sao đã “nhầm” các hộ này, lại không “nhầm” cho các hộ ngay sát bên cạnh? Nếu các hộ bà Nông Thị Vọng, Nông Thị Lạng, Nông Thị Thôn không khiếu kiện thì liệu có ai phát hiện ra sự “nhầm lẫn” của Ban giải phóng mặt bằng huyện? Sự nhầm lẫn này do nguyên nhân gì, ai là người phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào??? Chính sự nhầm lẫn này đã khiến cho các hộ dân hoài nghi về tính công bằng của Ban giải phóng mặt bằng huyện và nảy sinh mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng và thi công tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Nếu sự nhầm lẫn không được kiểm điểm nghiêm túc và xử lý triệt để, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân và tiến độ giải phóng mặt bằng ở các dự án khác./.

Banner

Bài viết mới nhất

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.