Giải quyết nước sạch phục vụ dân sinh tại các địa phương





TP. Hồ Chí Minh: Ngày 13/5, Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức đã chính thức phát nước giai đoạn 1 với công suất 100.000 m3/ngày để cung cấp nước cho các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là những khu vực nhiều năm qua ở trong tình trạng “khát” nước sạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Dự án Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 1.547 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đầu tư – sở hữu – vận hành (B.O.O), gồm một số hạng mục chính như: Trạm bơm nước thô Hóa An trên sông Đồng Nai có công suẩt 315.000 m3/ngày, nhà máy xử lý nước Thủ Đức với công suất phát nước 300.000 m3/ngày, trạm bơm nước sạch với công suất trung bình 300.000 m3/ngày, tuyến ống chuyển tải nước sạch có chiều dài 25,7km… Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 30/9/2005 với dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 8/2007. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị chậm, đồng thời việc lắp đặt đường ống gặp khó khăn do phải qua nhiều địa hình, nhất là băng qua sông Sài Gòn, nên tiến độ bị kéo dài. Tháng 4/2009, công trình được vận hành thử nghiệm và ngày 5/5 vừa qua đã phát nước hòa mạng kỹ thuật cho khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức. Dự kiến đến tháng 9 năm nay, Nhà máy nước B.O.O Thủ Đức sẽ phát đủ công suất 300.000 m3/ngày để cung cấp nước thêm cho quận 7 và huyện Nhà Bè.


Mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ 15 đến năm 2010, toàn tỉnh có 90% số hộ được dùng nước sạch. Mặc dù, những năm qua tỉnh đã có nhiều cố gắng đầu tư cho chương trình nước sạch, nhưng xem ra khó có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2010. Mỗi năm, Khánh Hoà đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công trình nước sạch, nhưng hiệu quả rất thấp. Nhiều công trình nước sạch ở nông thôn thuộc các huyện Ninh Hoà, Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Cam Ranh tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng không sử dụng được hoặc sử dụng kém hiệu quả do nước không đến được với các hộ hoặc đến “nhỏ giọt”, thiếu người quản lý, điều hành dẫn đến hư hoảng, lãng phí.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hoà cho biết, năm 2007, toàn tỉnh có khoảng 75% dân số nông thôn được dùng nước sạch, nhưng chỉ có 6% số này được hưởng nước sạch đạt tiêu chuẩn của ngành y tế và một nửa số hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Năm 2008, tỉnh đã dành ngân sách cho chương trình này hơn 21 tỷ đồng (trong đó có hơn 10 tỷ đồng của Trung ương cấp). Ngoài ra, Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn cho vay khoảng 39 tỷ đồng để đầu tư các công trình cấp nước nhỏ, lẻ và xây dựng nhà vệ sinh và đã có thêm hơn 70 công trình nước sạch được xây dựng bằng nguồn vốn này. Nhưng cả năm toàn tỉnh cũng chỉ thêm được 2% số hộ được dùng nước sạch.

Công ty Cấp thoát nước-Công Trình đô thị tỉnh Hậu Giang đã trình cho UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt dự án để khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ kênh Tám Ngàn thuộc huyện Châu Thành A cung cấp nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Hậu Giang đặt tại thị xã Vị Thanh . Hệ thống dẫn nước ngọt về Vị Thanh có chiều dài 15 km với tổng nguồn kinh phí đầu tư khỏang 15 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt ổn định cho nhà máy nước Hậu Giang với công suất 11.000 m3/ngày đêm. Nếu sớm được phê duyệt thì khả năng chỉ trong tháng 6 đến tháng 7/2009, Công ty sẽ xây dựng hòan tất và đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước ngọt để người dân thị xã Vị Thanh và các vùng phụ cận có nước ngọt sinh họat ổn định. Được biết từ ngày 20 đến 28/4 vừa qua , nước mặn từ biển Tây đã xâm nhập sâu vào địa bàn thị xã Vị Thanh và một phần của huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang. Gần 100% hộ dân của thị xã tỉnh lỵ Vị Thanh phải sử dụng nước máy bị nhiễm mặn gây khó khăn rất lớn trong sinh họat của bà con…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *