Giải trình đấu thầu khuđất ‘vàng’: Thanh tra Chính phủ không chấp nhận











Khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo –Phạm Ngũ Lão –Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hồng Hạnh

Hanoinet – Trước khi thí điểm, TPHCM không báo cáo Thủ tướng Chính phủ; không tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương, dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp quy định pháp luật… báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng nêu rõ.


Giấu đầu hở đuôi









Kết luận thanh tra việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học (THĐ-PNL-NTH) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định nhiều nội dung của quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 4241 của UBND thành phố khi triển khai thực hiện đã bị thay đổi nhưng lại không được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện.


Ngày 13/2, UBND TPHCM có Văn bản số 65 gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình nhiều vấn đề đã được TTCP kết luận, trong đó cho rằng những nội dung thay đổi của quy định ban hành kèm theo QĐ 4241 đã được thông qua tại cuộc họp ngày 4/10/2007. Mặt khác, Quyết định số 4702 của UBND thành phố đã cụ thể hóa các thay đổi.


Tuy nhiên, tại văn bản ban hành vào ngày 5/3, TTCP cho biết qua các tài liệu được cung cấp, có cơ sở khẳng định: Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư kiêm Chủ tịch Hội đồng đấu thầu tại cuộc họp ngày 4/10/2007, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4595 sau cuộc họp đó năm ngày, chỉ sửa đổi mục 6, điều 3 của quy định về đấu thầu đã nói ở trên và chỉ đề cập “… nhà đầu tư phải tìm địa điểm cụ thể theo quy hoạch tại phường Cô Giang hoặc phường Cầu Kho, quận 1 để xây dựng mới trường Ten-lơ-man trước khi thực hiện dự án…”. Điều 2 của quyết định này khẳng định: “Các nội dung khác của Quyết định số 4241 không thay đổi”.


Quan trọng hơn, Văn bản số 738/TB-VP ngày 10/10/2007 của Văn phòng UBND thành phố thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín tại cuộc họp ngày 4/10/2007 không có nội dung nào đề cập đến việc thay đổi các quy định ban hành kèm theo QĐ số 4241.


Còn Quyết định 4702 tuy cụ thể hóa nhưng đây chỉ là quyết định hành chính cá biệt, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nên phải tuân thủ quy định ban hành kèm theo QĐ 4241.


Nhiều sai phạm trong đấu thầu


Văn bản giải trình của UBND TPHCM không đồng tình với TTCP trước đó đã kết luận hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên,  báo cáo của TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo tính toán, nếu quy về một mặt bằng để đánh giá theo giá sàn đã xây dựng (4.700 tỷ đồng gồm vốn đầu tư xây dựng công trình, chi phí đền bù giải tỏa, hỗ trợ di dời), liên danh Thái Sơn (trúng thầu) chỉ có giá theo đánh giá là hơn 4.368 tỷ đồng (lấy tròn), không đáp ứng yêu cầu về mặt tài chính theo quy định của hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt.


Không chỉ thế, năng lực tài chính của liên danh Thái Sơn không đáp ứng được cả ba tiêu chí, như vốn chủ sở hữu (1.805 tỷ đồng) không đủ để hỗ trợ thành phố với mức đã cam kết (1.900 tỷ đồng) trong đơn dự thầu; vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư kể cả khoản cam kết đi vay vẫn còn thiếu đến hơn 813 tỷ đồng nếu so với giá dự thầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, hồ sơ mời thầu có tổng chi phí đền bù hỗ trợ và chi phí xây dựng cũng nhỏ hơn giá sàn.


Theo TTCP, chính vì thiếu chặt chẽ, sơ hở nên việc xác định giá sàn 4.700 tỷ đồng là thiếu căn cứ vì không tính đến cơ cấu sử dụng đất hiện tại cũng như toàn bộ chi phí đền bù giải tỏa, hỗ trợ di dời và xây dựng trường Ten-lơ-man tại địa điểm mới.


Nghiêm trọng hơn, Văn bản số 14 của Hội đồng đấu thầu có một số nội dung trái với hồ sơ mời thầu (đã được UBND thành phố phê duyệt) là không được phép, không đúng thẩm quyền. Sai phạm này làm thay đổi nội dung chuẩn bị hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư, thay đổi tiêu chí đánh giá và thay đổi kết quả đấu thầu.


Tại thời điểm đánh giá hồ sơ dự thầu, có ba trong số bốn thành viên tổ chấm thầu chưa có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, không đủ điều kiện tham gia. Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, nhiều nội dung không được xem xét, làm rõ, hiệu chỉnh (đặc biệt là đối với các nội dung liên quan đến năng lực tài chính của liên danh Thái Sơn), làm sai lệch kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu.


Với hệ thống các sai phạm trên, TTCP cho biết phương án hủy kết quả đấu thầu được nhiều ý kiến (trong đó có TTCP) đồng tình, dù UBND TPHCM cho rằng làm như vậy là không đúng quy định của Luật Đấu thầu.


Theo TTCP, đây là hình thức đấu thầu mới, việc hủy bỏ là do cơ quan hành chính cấp dưới có những việc làm, quyết định hành chính không phù hợp pháp luật, cấp trên có quyền yêu cầu đình chỉ, hủy bỏ. 







Theo TTCP, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu tam giác THĐ-PNL-NTH liên quan đến nhiều lĩnh vực như đấu thầu, đầu tư, tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng… nhưng khi triển khai, thành phố đã không tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực ở Trung ương. Đặc biệt, trước khi thí điểm, TPHCM đã không báo cáo xin phép Thủ tướng mà chỉ thực hiện nhiệm vụ đó sau khi đã triển khai.



Theo TPO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *