Ngày 21-7-2009 tại Thành phố Cần Thơ, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo điều phối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Theo số liệu thống kê từ 4 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng của vùng khá cao, bình quân 10,96% năm giai đoaạn 2001-2005(cả nước 7,5%/năm) và 13,57%/năm trong các năm 2006-2008(cả nước 7,6%/năm). Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của vùng đạt khá cao so với bình quân chung của cả nước, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng lên. Cơ cấu ngành kinh tế của vùng đã có sự chuyển dịch, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản(từ 43% năm 2000 xuống còn 35,5% năm 2008), tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Đáng chú ý về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã hình thành một số sản phẩm chủ lực, quy mô lớn như lúa, tôm, cá. Năm 2008, sản lượng lúa của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đạt 8,59 triệu tấn, bằng 22, 2% lúa cả nước; sản lượng thủy sản đạt 1.281,6 ngàn tấn, chiếm 27,8% lượng thủy sản cả nước. Về công nghiệp, một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng khá như xi măng, thủy sản đông lạnh, chế biến thức ăn gia súc…Các dự án có quy mô vùng và cả nước đã được triển khai như dự án khí-điện-đạm Cà Mau, sản xuất xi măng Hà Tiên, nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành như Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2(thành phố Cần Thơ), Khánh An(Cà Mau), Bình Hòa, Vàm Cống(An Giang), Thạnh Lộc, Thuận Yên(Kiên Giang). Về dịch vụ, tại khu vực biên giới giữa các tỉnh An Giang, Kiên Giang với Campuchia đã và đang hình thành các khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình(An Giang), khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên(Kiên Giang). Hoạt động xuất khẩu tăng nhanh, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2008 đạt 2.806,2 triệu USD, chiếm 4,48-5% cả nước. Điểm nổi bật nhất về du lịch của vùng là Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái lớn của cả nước có tầm vóc khu vực và thế giới. Thời gian qua, cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa đã được chú ý đầu tư cải tạo và xây mới góp phần giải quyết nhu cầu trước mắt, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế giai đoạn vừa qua. Các công trình Trung tâm văn hóa Tây Đô, Trung tâm văn hóa Khơ-me Nam bộ đang được đầu tư xây dựng tại thành phố Cần Thơ. Về kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông của vùng gồm cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không đã từng bước được cải thiện. Các quốc lộ chính và các tuyến đường quan trọng gồm quốc lộ 1A kết nối vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL với TP HCM và nội vùng(Cần Thơ-Cà Mau), quốc lộ 91, quốc lộ 80, tuyến Nam sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, một số tuyến đường trên đảo Phú Quốc đã được nâng cấp, mở rộng. Trong vùng hiện có 4 sân bay, bao gồm sân bay Trà Nóc(Cần Thơ), Cà Mau, Rạch Giá và Dương Đông(Phú Quốc) góp phần đẩy nhanh giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư giữa vùng với các trung tâm kinh tế khác trong cả nước. Cảng Cái Cui giai đoạn 2 và khu hậu cần Logistics vừa được khởi công. Định hướng chung cho vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước; là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000-9.400MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam; là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực. Đóng góp ý kiến cho quá trình điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ cho ĐBSCL thành lập Hiệp hội nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra, ba sa; tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ xem xét quyết định thành lập Khi kinh tế Năm Căn để triển khai thực hiện từ cuối năm 2009; tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ vốn ODA để phát triển lưới điện nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; thành phố Cần Thơ đề nghị xác định rõ lợi thế của từng địa phương trong vùng để có sự phân công chuyên sâu trên từng lĩnh vực. Các ý kiến khác tập trung vào việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính liên vùng và kết nối giữa vùng với vùng lân cận và cả nước; xây dựng cơ chế phối hợp trong phát triển giữa các địa phương trong vùng, trong tổ chức thực hiện, Văn phòng Ban chỉ đạo điều phối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBCSL nên kết hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trước tình hình khó khăn chung 6 tháng đầu năm nhưng 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất khẩu những sản phẩm chiến lược của vùng như lúa, tôm, cá tiếp tục vượt qua những khó khăn của thị trường. Trước những thay đổi của khí hậu, môi trường, vấn đề xây dựng hệ thống đê biển, cấp nước ngọt của vùng phải có những đánh giá, quy hoạch ngay từ bây giờ. Cần điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch phát triển các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm. Đồng chí đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, chú ý đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát lại các trường dạy nghề trên địa bàn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cải tiến và xử lý những bất cập trong cơ chế “hợp tác 4 nhà” trên cơ sở chia xẻ lợi ích. Quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nuôi cá tra phải mang tính bền vững, đầu tiên là cụ thể các dự án, kế tới là cơ chế sắp xếp vốn, xứ phạt nghiêm túc những trường hợp bán phá giá và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Bộ Xây dựng hoàn thành quy hoạch vùng về xử lý chất thải rắn; Bộ Giao thông và Vận tải thực hiện giao ban thường xuyên và chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn; Bộ Công Thương phối hợp cùng Tập đoàn dầu khí quy hoạch mạng lưới cung cấp khí-điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm; có hội nghị chuyên đề vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL về xây dựng nông thôn mới. Vì lợi ích chung cả vùng trong xuất khẩu gạo, tôm, cá, tiến tới phát triển bền vững các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, làm đầu tàu cho cả khu vực ĐBSCL. |
Giao ban Ban chỉ đạo điều phối, phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long
50