Tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gia tăng quá nhanh đã trở nên bức xúc đối với Hà Nội. Dù được mở rộng gấp ba về diện tích nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông của Thủ đô vẫn quá ít ỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giao thông Hà Nội rối bời như hiện nay, phải kể đến hai nguyên nhân quan trọng đó là hạ tầng kém, mức tăng phương tiện quá nhanh. trong nhiều năm qua, dường như nội thành Hà Nội chỉ tăng thêm được vài chục kilômét đường, trong khi phương tiện giao thông gia tăng chóng mặt (tổng số phương tiện đăng ký đến nay là trên 320 nghìn xe ôtô và gần 3,6 triệu môtô, xe máy). Diện tích đường giao thông hiện mới chiếm khoảng 7% diện tích đất đô thị. trong khi đó, mỗi năm Hà Nội xây dựng mới hàng triệu mét vuông nhà, hàng chục khu đô thị ồ ạt mọc lên. Bên cạnh đó, không gian giao thông đô thị Hà Nội đã bị hạn chế hoặc thay đổi chức năng vốn có của nó khi mà các vỉa hè dành cho người đi bộ hầu như bị hàng quán, các bãi gửi xe tự phát lấn chiếm khiến người đi bộ phải xuống lòng đường. Một số cầu vượt, đường hầm được đầu tư hàng tỷ đồng dành cho người đi bộ đã không phát huy hết hiệu quả. Ngay cả việc các lực lượng chức năng chi hàng tỷ đồng để tổ chức giao thông lại hàng loạt tuyến đường, nút giao thông thời gian qua cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Bùi Danh Lưu – Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước về sự phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thủ đô đang cận kề đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, và thời điểm mà quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một trong những khâu đột phá chiến lược đang là mối quan tâm lớn của nhân dân thì việc tìm các giải pháp cho giao thông Hà Nội rất cần thiết. Quan điểm chung của nhiều chuyên gia thì quy hoạch giao thông Hà Nội phải đi trước một bước và làm nền tảng cho các quy hoạch khác. Cụ thể, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng với mục đích giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết nạn tắc đường hiện nay. Đối với một số tuyến đường có tính chất huyết mạch khi phát triển giao thông trên cao cần kết hợp cả đường bộ, đường sắt. Chẳng hạn, có thể kết nối giao thông từ pháp Vân về ga Hà Nội sang Gia Lâm bằng hệ thống giao thông nhiều tầng trên cao, mặt đất và cả hệ thống giao thông ngầm. Để giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt và lâu dài, nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đòi hỏi trước hết phải phát triển toàn diện, bền vững hệ thống giao thông đô thị. Cùng với việc khai thác tối đa và hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, cần phải tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết hợp lý các phương thức vận tải giữa đô thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu giao thông nội vùng, quốc gia và quốc tế cũng như giao thông nội đô; gắn kết bảo vệ môi trường và hướng tới bảo đảm công bằng xã hội…
|
Giao thông Hà Nội: Đột phá từ đâu ?
7
Bài trước