Biển quảng cáo, biển hiệu với nội dung gây sốc, sai lỗi chính tả, thậm chí ghi sai tên của những nhân vật nổi tiếng… đang là những thực tế trên một số đường phố Hà Nội. Không chỉ gây phản cảm về mỹ quan đô thị, sự bức xúc cho người đi đường mà sự sai lệch đó cũng đã ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Nhiều hình thức, nội dung gây sốc để… gây sự chú ý của khách
Dạo một vòng trên các tuyến phố có thể bắt gặp nhan nhản đủ các loại biển hiệu quảng cáo. Sự nhập nhèm giữa biển hiệu của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và những biển quảng cáo nhiều khi đã bị xóa nhòa. Không chỉ những đường phố cũ ken đặc quảng cáo mà tại những khu nhà đang xây dở dang trên các tuyến phố mới nhiều biển quảng cáo đã tranh thủ hiện diện.
Thời buổi mà trình độ công nghệ thông tin phát triển các biển hiệu cũng được thiết kế rất công phu, hoành tráng. Bảng hộp, đèn nêông đủ màu xanh, đỏ uốn cong đủ kiểu, nhấp nháy loạn xạ để gây chú ý. Tận dụng việc treo biển hiệu chính mình kèm luôn việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đang là mốt của nhiều cửa hàng, cửa hiệu trong thời gian gần đây.
Dĩ nhiên là nếu như đó là biển quảng cáo thì phải xin phép, phải đóng thuế. Còn nếu là biển hiệu công ty, trụ sở, cửa hàng, cửa hiệu… thì dĩ nhiên là họ được phép treo lên. Ý thức được rằng quảng cáo là vấn đề sống còn của thương hiệu, thế nên quảng cáo lách luật xuất hiện đủ mọi nơi, mọi lúc.
Có mặt trên một số tuyến phố lớn ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Giải Phóng… chúng ta có thể bắt gặp cảnh biển quảng cáo chen lấn, xô đẩy nhau nhằm tranh giành sự chú ý của người đi đường. Theo Thanh tra Sở Văn hóa – Thông tin và Du Lịch Hà Nội thì từ đầu năm đến nay đơn vị này đã xử lý tháo dỡ hàng chục biển quảng cáo trái phép. Đấy là những biển quảng cáo loại lớn, án ngữ trên một số trục đường, tuyến phố quan trọng, chưa kể đến việc xử lý một số lượng không nhỏ quảng cáo, rao vặt, băng rôn… được chăng mắc, treo dán khắp nơi rất phản cảm.
Tình trạng biển hiệu của các công ty, cơ sở kinh doanh, gia đình… “kiêm” luôn biển quảng cáo thì cực kỳ nan giải. Những biển hiệu này gắn trước trụ sở, nhà riêng nên không ít người lý giải là “đất của mình muốn vẽ voi cũng được”. Đặc biệt là ở các phố mới mở thì hầu như cửa hàng, cửa hiệu nào cũng cố gắng thửa cho mình những tấm biển hiệu kiêm quảng cáo “khủng” nhất. Trên những tấm biển hiệu đó ngoài những dòng chữ khiêm tốn về địa chỉ, điện thoại thì tên nhãn, dịch vụ được phóng to quá kích cỡ để bắt mắt người đi đường… Có rất nhiều chiêu thức được đưa lên mặt biển hiệu để câu khách. Trong đó ngoại trừ những slogan dễ nhớ, đọng lại lâu và giàu cảm xúc thì không ít những biển bảng rất khiến khách cảm thấy ngượng ngùng, bức xúc…
Đã có dạo một số tiệm kinh doanh thi nhau gây sốc bằng biển quảng cáo. Để thu hút khách hàng, một hiệu ăn ở Hà Nội đã đặt tên quán mình là “Ối giời ơi”. Cái tên nghe lạ đời đó khiến nhiều người chú ý. Cũng na ná gây sốc như trên, gần đây một cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Tôn Đức Thắng cũng trưng một biển hiệu to tướng choán hết mặt tiền ngôi nhà “Ối giời ơi rẻ quá”. Có dịp đi ngang qua phố Quán Sứ, nhiều người lại nhìn thấy áp phích quảng cáo của một loại dược phẩm: “Ăn được, ngủ được là tiên, không ăn được ngủ được trả lại tiền”.
Dĩ nhiên là từ trước tới nay chưa có tiền lệ bắt phạt những biển hiệu quảng cáo “nổ”, những quảng cáo sai sự thật. Làm sai mà không bị nhắc nhở, xử lý thế nên nạn quảng cáo “nổ vang trời” cũng có dịp bung ra vô tội vạ. Hầu như đi trên đường phố nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những biển hiệu, cửa hàng thản nhiên treo biển “tốt nhất” “rẻ nhất” “xịn nhất”, “chính hãng nhất” “gia truyền”, “cổ truyền”…
Cách phản ứng trên của chủ quán bún chả Sinh Từ xem ra cũng “nhẹ nhàng” chán so với cách “so găng” của hàng loạt quán cầy tơ nổi tiếng trên đê Yên Phụ. Quả thật nếu lần đầu tiên lên “phố thịt chó” trên đê Yên Phụ, ai cũng đều phải hoa cả mắt. Chỉ vài cái tên như Anh Tú, Trần Mục… thôi mà đủ các quán tranh nhau đặt tên này. Và ai cũng giành phần hơn bằng cách thêm vào phía sau những tên này đủ các mỹ từ nào là “xịn”, “cũ”…
Tuy nhiên có lẽ phản cảm nhất đối với người đi đường đó là hàng loạt biển hiệu “Nạo, hút thai” có mặt ở khắp nơi. Trên đường Giải Phóng đoạn đối diện Bệnh viện Bạch Mai bất cứ người đi đường nào cũng bắt gặp những biển quảng cáo “Nạo thai”, “Hút thai” được kẻ vẽ công phu, to hoành tráng ngay mặt đường trước con mắt của hàng ngàn lượt người qua lại. Theo quy định của ngành Y tế thì chỉ những bệnh viện cơ sở lớn có đủ điều kiện trang thiết bị cũng như cán bộ mới được phép thực hiện dịch vụ này. Tuy nhiên dường như phớt lờ tất cả những quy định đó, hàng loạt phòng khám nhỏ lẻ ngay mặt đường Giải Phóng công khai quảng cáo dịch vụ này.
Lỗi chính tả tràn lan trên các tuyến phố
Một trong những điều dễ gặp trên rất nhiều tuyến phố đó chính là lỗi chính tả của các biển hiệu, cửa hàng, rồi việc viết sai tên đường phố. Tại nhiều điểm sửa xe có thể bắt gặp những khẩu hiệu quảng cáo “hồn nhiên” như: “Xửa xe, vá xăm lốp”. Rồi dịch vụ bán nước sôi được ghi thành “bán nước xôi”, cửa hàng bún riêu được ghi thành “bún diêu”. Cũng là ăn uống nhiều địa chỉ bán cơm suất quảng cáo là “Cơm xuất”, cạnh đó cửa hàng khác lại bán món “Mỳ sào”. Có cửa hàng trên phố Bà Triệu treo hẳn một tấm áp phích khá to quảng cáo bán mặt hàng “túi sách”…
Tình trạng mắc lỗi chính tả gần như diễn ra ở nhiều loại hình dịch vụ. Chỉ cần chú ý một chút người ta có thể phì cười trước những biển hiệu như “Cửa hàng xay bột trẻ em”, “Xí nghiệp sản xuất thương binh nặng”… Thậm chí khi trả lời thắc mắc của một số người, chủ cửa hàng xay bột còn cho biết: Cửa hàng chị không chỉ “xay bột trẻ em” mà còn “xay bột người lớn” nữa. Trên đường Hoàng Hoa Thám còn có cửa hàng đề biển “Cầm đồ lãi xuất thấp”…
Sai lỗi chính tả tên các dịch vụ, ngành nghề… là điều khá phổ biến. Tuy nhiên tình trạng ghi sai tên đường của những nhân vật nổi tiếng cũng không phải không có. Sáng 10/9, có mặt trên đường Lương Định Của – con đường mang tên nhà bác học về ngành Nông nghiệp Lương Định Của, chúng tôi nhận thấy việc ghi sai tên của ông diễn ra khá phổ biến. Nếu như mặt đường bên này ghi đúng là Lương Định Của thì ngay lập tức nhà đối diện bên kia đã ghi sai thành Lương Đình Của. Thậm chí là hàng loạt nhà cạnh nhau hồn nhiên ghi mỗi người một cách. Không thể đếm hết được nhưng ước chừng phải có gần một nửa nhà dân, cửa hàng, trụ sở ở đây ghi sai tên ông. Thậm chí là ngay cả trụ sở chi nhánh một ngân hàng, trụ sở một công ty cũng ghi sai.
Đặc biệt, Trường Trung học cơ sở Đống Đa nằm trên tuyến đường này – nơi đào tạo hàng ngàn lượt thế hệ học sinh nhiều năm nay vẫn hồn nhiên ghi sai tên nhà khoa học. Trên tấm biển tên ngôi trường này phía dưới vẫn “hồn nhiên” ghi địa chỉ là “28 Lương Đình Của”.
Nhà dân ghi sai, cửa hàng tư nhân ghi sai, trụ sở trường học ghi sai… nhưng điều đáng buồn nhất là ngay cả chính biển hiệu đường phố do cơ quan chức năng cắm trên tuyến phố này cũng… sai nốt. Đây là sai sót khó có thể chấp nhận được. Nếu như những biển hiệu ở phía đầu tuyến phố này đều ghi chính xác thì bỗng dưng đến đoạn cuối đường, đoạn ngã tư giao nhau với phố Phương Mai tấm biển hiệu được dựng hoành tráng tại đây bỗng chuyển thành… phố Lương Đình Của.
Tình trạng ghi sai tên đường đang là thực tế diễn ra ở một số tuyến phố Hà Nội. Trên đường Trường Chinh, một cửa hàng mới khang trang ở đây đã ghi trên tấm biển hiệu to, rất hoành tráng của mình địa chỉ là “đường Trường Trinh”. Thật khó có thể chấp nhận….
Liên quan đến lĩnh vực loạn biển quảng cáo, trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Văn hóa – Thông tin và Du lịch cho biết cho đến hiện tại về lĩnh vực này cũng có khá đầy đủ các văn bản, quy định của pháp luật. Đặc biệt là UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Theo nội dung quy chế thì có những khu vực, những tuyến phố nơi có các trụ sở, cơ quan quan trọng sẽ không được quảng cáo. Tại các điểm di tích, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh trại Quân đội, trụ sở Công an… cũng sẽ nghiêm cấm việc quảng cáo.
Quy chế cũng đưa ra một loạt địa chỉ các khu vực phải hạn chế quảng cáo. Thay vì hình thức quảng cáo kích cỡ lớn, các điểm này chỉ được dùng các bảng đèn neon uốn chữ, hộp đèn, màn hình điện tử… chạy chữ với diện tích không quá 20m2. Đặc biệt cũng theo quy chế mới thì biển hiệu tại các tuyến phố sẽ được thống nhất quy chuẩn với kích cỡ thống nhất cho từng đường phố.
Và theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại trụ sở của họ sẽ không phải xin phép, tuy nhiên phải đảm bảo kích thước như quy định trong quy chế mới được ban hành.
Đại diện đơn vị này cũng cho rằng chính việc trước đây không quy định kích thước của biển hiệu nên một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở này thực hiện lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị. Với quy định trên nếu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì việc xử lý tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn Thủ đô sẽ tạo được bước chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt hình thức thì việc rà soát, chấn chỉnh và khắc phục những biển quảng cáo có nội dung không phù hợp, sai lỗi chính tả. Đặc biệt là việc trả lại đúng tên đường trên các biển hiệu là việc cần phải được quan tâm thực hiện sớm khi mà thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã cận kề.
theo CAND