Giãy nảy khi được “soi gương”

Việc một Cty thông tin tín nhiệm của Việt Nam dám “cả gan” công bố Bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam đã khiến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) giãy nảy lên và ngay lập tức gửi văn bản gửi lên Ngân hàng Nhà nước phản ứng dữ dội về việc này. Chẳng biết hình ảnh của các ngân hàng trong bảng xếp hạng kia chính xác được bao nhiêu phần trăm nhưng việc “phản pháo” ấy đã khiến cho dư luận quan tâm và bàn luận.

Quan điểm của VNBA cho rằng hoạt động của các ngân hàng thương mại là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, đã được pháp luật quy định; vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Đặc biệt, việc xếp hạng các ngân hàng thương mại chỉ có thể được thực hiện bởi các cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước vì họ có đầy đủ chức năng và thông tin, số liệu chính xác về hoạt động của từng ngân hàng.

Quan điểm của Cty xếp hạng lại cho rằng trong hệ thống luật pháp hiện hành không cấm một Cty đưa ra nhận xét của mình về một DN khác. Đặc biệt, nếu là Cty đại chúng thì lại càng cần có sự xem xét, đánh giá của công chúng. Đây là hoạt động cần thiết cho xã hội, cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và cũng là việc làm cần thiết cho mỗi ngân hàng đôi khi phải “soi gương” chính mình.

Khi nghe quan điểm của VNBA, nhiều người có tiền gửi trong các ngân hàng ngạc nhiên. Ơ kìa, thế quyền của chúng em thì các bác cất ở xó xỉnh nào? Tài sản của nhà em, nồi cơm của nhà em, manh áo của nhà em đem gửi nơi các bác thì các bác cũng phải cho chúng em một hai tí thông tin chứ. Em lại muốn có thêm nhiều Cty đánh giá các bác kia. Chúng em sẽ tự đánh giá họ và sẽ tin vào những bảng đánh giá đáng tin cậy nhất để “chọn mặt gửi vàng”. Chứ cứ để mờ mờ mịt mịt như hiện nay, em cũng “no nắm”…

Thôi thì cứ phải nghe ý kiến từ nhiều phía nhưng ngẫm lại, đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì tất yếu phải chấp nhận các công cụ kiểm soát của nền kinh tế ấy. Đánh giá tín nhiệm DN, đánh giá giá trị thương hiệu… là những hoạt động rất bình thường trên thị trường thế giới. Vì ở Việt Nam, hoạt động này mới quá nên chưa quen khẩu vị mà thôi.

Tuy nhiên, phải xác định rằng hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến nhiều người. Chỉ một thông tin không chính xác sẽ có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, nhất thiết cần hình thành một hệ thống pháp lý trong lĩnh vực này, không phải để bó hẹp hành vi của những người tham gia mà là xác định nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý nếu hành vi đó có gây tổn hại cho xã hội và những tổ chức, cá nhân liên quan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *