Hanoinet – Ngày 19-4, UBND quận Tây Hồ cho biết, mới có 115 hộ/364 hộ gia đình trên địa bàn quận cho Tổ công tác vào điều tra hiện trạng tiến hành GPMB dự án đường Văn Cao-Hồ Tây. Do đó, quận mới lập phương án thu hồi và bàn giao cho chủ đầu tư 10.294 m2 đất trên tổng số 37.336m2 đất thu hồi cho dự án, chủ yếu của 4 đơn vị là Công ty Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Môi trường đô thị, Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư dự án cho biết, với hiện trạng bàn giao như vậy, các đơn vị thi công khó có thể triển khai dự án đồng bộ. Nguyên nhân chính là do các hộ dân thắc mắc về quy hoạch và giá đền bù, hỗ trợ GPMB. Song, từ năm 2007, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, tại công văn trả lời kiến nghị các hộ dân, đã nêu rõ, theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây và quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được phê duyệt, đoạn từ phố Thụy Khuê đến Hồ Tây dài 180m là trục không gian mở hướng ra Hồ Tây, phần lớn diện tích được dành xây dựng vườn hoa, cây xanh, tượng đài… kết hợp đường nối phố Thụy Khuê với đường ven hồ đã được xây dựng. Khu vực giao với đường Hoàng Hoa Thám được tổ chức khác mức, xây dựng 2 cầu vượt trên đường Hoàng Hoa Thám rộng 13,75mx2. Nút giao với phố Thụy Khuê tổ chức đồng mức. Phạm vi dự án bao gồm cả đoạn mở rộng một phần đường Hoàng Hoa Thám vừa phố Thụy Khuê trước và sau nút giao. Về giá đền bù, hỗ trợ GPMB, UBND TP Hà Nội cũng đã điều chỉnh giá đất 2 lần. Cụ thể, vị trí 1 đường Hoàng Hoa Thám mức giá từ 27 triệu đồng/m2 tăng lên 30 triệu đồng/m2. Vị trí 1 đường Thụy Khuê từ 25 triệu đồng/m2 tăng lên 30 triệu đồng/m2. Vị trí 1 dốc Tam Đa từ 18 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2… Trong khi đó, theo kế hoạch tiến độ thực hiện các công trình chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, dự án đường Văn Cao – Hồ Tây phải hoàn thành GPMB toàn bộ vào quý I-2010 và kết thúc thi công vào quý III-2010.
Theo ANTĐ