Hà Nội – Bao giờ sống lại những dòng sông? Trở về ký ức “Trâu Vàng”?ngày xưa











Một làn nước trong xanh, đôi bờ thơ mộng với đàn thiên nga hay những con thuyền nhẹ nhàng trôi… Đó có thể là hình ảnh của những dòng sông Sen, sông Đanuýp chảy qua những thành phố của nước Pháp, Hungari xa xôi. Còn đối với Hà Nội, những dòng sông chảy trong đô thị lại mang đến nỗi buồn, sự hãi hùng đối với người dân.


Rác thải lềnh bềnh dòng nước đen ngòm.






Trở về ký ức, cụ Nguyễn Thị Niệm, quê vùng Yên Sở vẫn nhớ về sông Kim Ngưu ngày xưa: “Thuở còn con gái, chúng tôi thường đố nhau bơi qua sông. Bờ bên này trồng rau, bên kia là những rặng ổi. Cả vùng rau quả được tưới mát bởi con sông, rồi vô kể cá, cua…”. Bây giờ cụ đã chuyển lên phố Thanh Nhàn sống với con gái, không xa quê mấy và vẫn gần con sông. Chị con gái than thở: “Bao nhiêu lần đã bảo cụ là làm gì còn sông mà cứ “tao ra sông”. Ấy là lúc cụ đi bộ tập thể dục. Mà ra đấy chỉ tổ rước bệnh vào thân. Mùi thì thối như thế”.



Câu chuyện của mẹ con cụ Niệm khiến người nghe không khỏi ngậm ngùi cho con sông Kim Ngưu ngày xưa. Quả vậy, Kim Ngưu bây giờ không còn là sông nữa, và càng không thể là Trâu Vàng được nữa bởi hình hài của nó đúng nghĩa đã trở thành một dòng kênh chứa nước thải. Nhằm phục vụ cho mục tiêu thoát nước cũng như mong tìm lại vóc dáng cho con sông, một thời gian TP Hà Nội đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây kè đoạn sông từ đầu phố Lò Đúc đến quá cầu Mai Động, rồi cũng nạo vét, trồng liễu cho rủ hai bên bờ… Nhưng vẫn cứ không phải là sông, bởi dường như làm xong thì thấy càng nhiều cửa cống nước thải đổ xuống, cửa cống thải cũng khơi to hơn. Từ các miệng cống chảy ra thứ nước thải như hắc ín, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi khi đi dọc bên bờ, người dân vẫn phải bịt mũi, phải đeo khẩu trang. Hàng ngày những người dân sống bên cạnh con sông vẫn phải chịu đựng và bị tra tấn với thứ mùi khó chịu ấy, vẫn ngày một nặng hơn. Đấy là đoạn trên phố đã được kè, còn đoạn xuôi xuống Yên Sở thì đến là dòng kênh, mương cũng không còn. Hai bên bờ là nơi tập trung rác thải, phế liệu xây dựng, dòng chảy đen đặc bị ứ nghẹn bởi rác.


Những cửa cống thoát nước thải đen ngòm ra dòng sông



Ước tính một ngày hơn 400 nghìn m3 nước thải đổ ra Kim Ngưu, chưa kể bao nhiêu lượng rác nữa chất xuống lòng sông. Tất cả nước thải đều chưa qua xử lý, trong đó là của các nhà máy công nghiệp, bệnh viện… Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, ngửi bằng mũi cũng đo được mức độ ô nhiễm như thế nào. Hẳn ai cũng giật mình hãi hùng bởi các chỉ số qua nghiên cứu mới đây nhất của các nhà khoa học cung cấp: Sông Lừ và sông Sét, chỉ số ô nhiễm BOD vượt quá tiêu chuẩn cho phép 6 – 8 lần; sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu là 10 – 12 lần. Hàm lượng COD, SS ở 4 con sông này thì vượt qua ngưỡng ô nhiễm tới hàng chục, hàng trăm lần. Sự ô nhiễm của dòng nước khiến không một loài động vật, thực vật nào sống được, kể cả các loài tảo độc. 



Những dòng sông phải mang lại phù sa, tắm mát cho những vùng mà nó đi qua. Vốn dĩ xưa kia những con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét là như vậy, chúng đều là nhánh nhỏ của sông Hồng. Sau khi ổn định dòng chảy, sông Hồng cắt Hà Nội ra 2 miền tả ngạn và hữu ngạn. Bên tả hình thành những con sông nhánh phía bắc như sông Đuống và một số sông khác làm nhiệm vụ tưới tiêu cho các huyện phía Bắc sông Hồng. Phía Nam sông Hồng có các nhánh được hình thành từ đầu là những con sông mà tàu thuyền có thể qua lại được như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Lừ. Những con sông thơ mộng ấy chỉ còn trong lịch sử. Cho đến bây giờ thì chúng lại đang mang nỗi ám ảnh và những điều kinh khủng cho những nơi mà nó đi qua. Những đoạn nào tiếp cận với các nhà máy công nghiệp thì ô nhiễm các hóa chất và kim loại. Khúc nào tiếp cận với bệnh viện thì mang mầm bệnh. Khi mùa mưa, lượng nước ở các sông này tràn vào ao hồ, làm cá chết, rau nhiễm độc. Tất cả những thứ đó đều ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của con người.



Vấn đề ô nhiễm của các dòng sông đang là một thách thức, một câu hỏi lớn của Hà Nội. Rất nhiều tiền đã bỏ vào đây nhưng rồi lại như muối bỏ bể. Nào thì xây kè, nạo vét, rồi còn có dự án có thể dùng hóa chất làm trong lại nước… Chỉ biết rằng, theo các nhà khoa học, nếu các con sông này vẫn chỉ là nơi chứa nước thải chưa qua xử lý cho TP, thì dù cải tạo đến mấy vẫn sẽ không làm sống lại được sông. Chỉ khi nào không còn những miệng cống chi chít như tổ ong, như những vết sẹo trên mình nó, từng mét khối nước xả vào nó đều đã được xử lý thì mới hy vọng làm cho nó sống lại được… Và điều đó thì bao giờ mới làm được?

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *