(VTC News) – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, nếu đổi mới phương pháp thu gom, xử lý rác thải theo sáng kiến phân loại rác tại nguồn (3R) thì TP Hà Nội có thể tiết kiệm trung bình mỗi tháng 4 tỷ đồng từ xử lý rác thải.
> Hà Nội: Sắp mở cửa công viên… rác
> HN: 96% học sinh 3 trường tiểu học biết phân loại rác
> Thêm một phường thí điểm phân loại rác tại nhà
> Phường Thành Công “học cách” thân thiện môi trường
> Hà Nội: Phân loại rác thải tại nhà
> 30% rác thải Hà Nội sẽ… sinh lợi
Gần 3 năm “thu” được 10.000 tấn phân hữu cơ từ rác
Tại Hội nghị cuối kỳ dự án thực hiện sáng kiến 3R tại TP Hà Nội để góp phần phát triển bền vững (3R-HN) ngày 25/9, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, qua thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 4 phường tại Hà Nội (Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ) cho thấy, tỷ lệ giảm thiểu bình quân lượng rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình đạt từ 31% – 45%.
Sau 3 năm – kể từ khi mô hình 3R (phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu – tái chế – tái sử dụng) được triển khai tại Việt Nam (từ tháng 11/2006), các số liệu thống kê cũng cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, dự án đã đạt được mục tiêu giảm thiểu 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp.
Như vậy, mô hình này được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế “đầu vào” của rác thải – khi mà “đầu ra” còn đang rơi vào tình trạng quá tải, không còn chỗ chứa cũng như chôn lấp rác (hiện Hà Nội có 3/5 khu xử lý chất thải rắn tập trung dự kiến sẽ “đóng cửa” trong 2-3 năm tới).
Một em bé Hà Nội thông thạo cách phân loại rác tại nguồn (Ảnh: Kiều Minh)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, phương pháp 3R đã góp phần xử lý khoảng 2.940 tấn rác trong tổng số gần 3.000 tấn rác/ngày tại Hà Nội để tận dụng chế biến làm phân bón, nông nghiệp hoặc tái chế thành các sản phẩm có ích khác, còn 60 tấn rác vô cơ là không thể tái chế cần phải đem chôn lấp.
Trong các năm thực hiện dựa án 3R, Hà Nội đã thu được khoảng 25.000 tấn rác thải hữu cơ, từ đó chế biến được khoảng 10.000 tấn phân hữu cơ theo quy trình mới của dự án.
Như vậy, theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nếu đổi mới phương pháp thu gom, xử lý rác thải theo phương pháp 3R thì TP Hà Nội có thể tiết kiệm trung bình mỗi tháng 4 tỷ đồng từ xử lý rác thải.
3R sẵn sàng “tỏa” ra toàn Hà Nội
Ban quản lý dự án 3R Hà Nội cho biết, sau 3 năm thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, tỷ lệ người dân biết tới hoạt động 3R đạt tới 85% – 97,6%.
Từ những kết quả khả quan thu được nêu trên, theo Ban quản lý dự án 3R Hà Nội, TP Hà Nội cần tiếp tục mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn ra 4 quận nội thành cũ và một số địa bàn khác, trước tiên sẽ triển khai trên toàn quận Hoàn Kiếm.
Mục tiêu đặt ra khi triển khai rộng khắp 3R trên toàn TP Hà Nội là giảm 30% lượng rác thải chôn lấp vào năm 2015, tiến tới năm 2020 sẽ giảm được khoảng 70% lượng chất thải phải chôn lấp.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó tổng giám đốc URENCO cho rằng, để tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn, Hà Nội cần xây dựng quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn trên địa bàn gắn với chiến lược 3R Hà Nội và quốc gia. Cùng với đó, Ban quản lý dự án 3R- Hà Nội cũng nêu ý kiến, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng cần xem xét nhân rộng kết quả dự án cũng như xây dựng chính sách 3R và cách thức triển khai trên quy mô cả nước.
Chuyên gia của JICA cho biết, ở Nhật Bản, sáng kiến 3R phải mất 12 năm để thành công. Còn ở Việt Nam, mô hình này mới được triển khai trong 3 năm qua, nên sự kiên trì là yếu tố quyết định để dự án thành công. Muốn vậy, cần phải nâng cao ý thức của từng người dân đối với hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thực hiện sáng kiến 3R tại TP Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững” – tên gọi tắt 3R-HN do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Từ 2007 đến 2009, JICA sẽ tài trợ 3 triệu USD để Hà Nội thực hiện dự án tại 4 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sau đó sẽ nhân rộng ra toàn TP. |
Kiều Minh