KTĐT – Mấy ngày qua đê bao bờ hữu sông Bùi ở thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị sạt lở, hai cung đê dài 600m đã bị nước sông kéo sạt, cuốn theo diện tích lớn một số vườn tược, chuồng chăn nuôi, công trình phụ của 20 hộ dân địa phương.
Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh cho hay huyện đã cử đoàn xuống kiểm tra hiện trường sạt lở và chỉ đạo địa phương huy động lực lượng di dời tám hộ dân và tài sản của những hộ dân khác chịu ảnh hưởng ra nơi an toàn, đồng thời trình UBND TP xin ý kiến lập phương án an toàn cho người dân cạnh đê lâu dài.
Sáng 10-6, chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết đã nhận thông tin sạt lở đê và thuê đơn vị tư vấn xuống hiện trường khảo sát để khắc phục hậu quả. “Đê bờ hữu sông Bùi là loại đê bao ngăn lũ, trước mắt để khắc phục sự cố đơn vị kỹ thuật sẽ áp dụng phương án hạ tải, hộ chân đê, nếu lượng nước sông vượt quá tần suất có thể phải xả tải” – ông Thịnh cho biết.
Trên địa bàn huyện Ứng Hòa, thống kê cho thấy chỉ tính riêng tuyến đê cấp 1 Tả Đáy chạy qua 13 xã thuộc huyện đã có hơn 900 trường hợp vi phạm Luật đê điều. Những lỗi vi phạm chủ yếu như dựng mái che, lều quán, thậm chí xây dựng nhà tạm và cả nhà kiên cố ở trong hành lang đê.
Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Trần Gia Hưng cho biết trong số hơn 900 trường hợp vi phạm đã xử lý được 400 trường hợp. Riêng 500 trường hợp vi phạm còn lại phần lớn các hộ gia đình có đất từ đời cha ông để lại, nguồn gốc đất hợp pháp. Tuy nhiên, từ khi Luật đê điều có hiệu lực (2005), những trường hợp này rơi vào hành lang đê phải di dời. Nhiều trường hợp nhà ở dột nát cần phải cải tạo nhưng Luật đê điều không cho phép.
“Hiện tại, cả quỹ đất và nơi tái định cư mới đều chưa có nên để tránh vi phạm thêm, UBND huyện không cho phép xây nhà kiên cố trong hành lang đê, nhưng đối với nhà ở xập xệ, cũ nát vẫn phải linh động cho người dân cải tạo sửa chữa để tránh đổ sập” – ông Hưng nói.
Theo TT