|
Hanoinet – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nêu quan điểm: Những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di chuyển khỏi nội thành đến nơi khác đều phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Nhiều đơn vị “tắt điện” hệ thống xử lí thải
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai xử lí các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, diễn ra ngày 25/2, trên địa bàn TP Hà Nội có 25 cơ sở gây ô nhiễm thuộc danh sách phải thực hiện biện pháp xử lí theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ (về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”). Cho đến nay, thành phố đã xử lí được 17 cơ sở trong số đó, 8 cơ sở còn lại đã và đang tiếp tục triển khai.
Trong 8 cơ sở còn lại, Cty cổ phần cồn, rượu Hà Nội đã và đang di chuyển khoảng 65% khu vực sản xuất sang khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh, dự kiến đến hết quí IV năm 2009 sẽ hoàn thành di chuyển toàn bộ. Bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang thực hiện các thủ tục để có thể tiến hành xây dựng, hoàn thành trạm xử lí nước thải trong năm 2009…
Mở rộng sang vấn đề ô nhiễm nói chung, ông Bình cho biết, Hà Nội là đơn vị được đánh giá có tỉ lệ phát hiện – xử lí cao nhất các cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông Bình vấn đề môi trường của thành phố còn rất nhiều lo ngại, bởi qua trinh sát nghiệp vụ tại nhiều cơ sở không thực hiện đúng các tiêu chuẩn về thải như đăng kí.
Đặc biệt, có nhiều bệnh viện, cơ sở chế biến rượu bia không vận hành dây chuyền xử lí chất thải. Ông Bình đề xuất, cần có qui định về việc kẹp chì đồng hồ đo nước thải cũng như buộc phải sử dụng công tơ điện cho việc vận hành hệ thống thải để thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra.
“Khi chúng tôi kiểm tra công tơ điện cho hệ thống xử lí thải thì nhiều đơn vị nói hỏng rồi và sử dụng điện từ nguồn khác”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra, xử lí ô nhiễm môi trường tại thành phố cũng còn chưa tách bạch, rõ ràng. Có những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân kéo lên thành phố khiếu nại, nhưng khi hỏi Chi cục Môi trường lại chỉ sang Thanh tra, trong khi Thanh tra cũng chưa có động thái gì.
Ông Bình đề xuất, thành phố cần phải có một Ban chỉ đạo về vấn đề ô nhiễm môi trường, tương tự như Ban chỉ đạo về an toàn giao thông, Ban chỉ đạo phòng chống gian lận thương mại.
Ở lại hay đi đều phải xử lí ô nhiễm
Phó Chủ tịch UBND TP, ông Vũ Hồng Khanh, cho biết, thành phố sẽ thành lập một ban chỉ đạo về xử lí ô nhiễm môi trường như đề xuất của ông Bình. Ông Khanh chỉ đạo, thực hiện rà soát, cấp chứng nhận cho các đơn vị hoàn thành việc di dời, xử lí ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời cũng tiến hành theo dõi, nếu vi phạm sẽ đưa trở lại danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Khanh nhấn mạnh, với những bộ phận sản xuất đã di chuyển sang nơi khác hoặc ở lại đều phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. “Hà Nội không có quan điểm đẩy ô nhiễm môi trường sang các tỉnh khác”, ông Khanh bày tỏ.
Theo ông Khanh, hiện nay khoa học kĩ thuật tiến bộ rất nhiều, các đơn vị di chuyển cần lựa chọn những dây chuyền sản xuất có tính lâu dài. Cùng đó, địa điểm di chuyển cũng phải đảm bảo không phải di chuyển một lần nữa trong thời gian ngắn, do tốc độ đô thị hóa nhanh.
Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa các cơ sở di dời theo các qui định hiện hành. Với các đơn vị chủ động di dời, thành phố sẽ cho chuyển đổi mục đích sử dụngđất (tại nơi cũ) phù hợp với qui hoạch chung của thủ đô… Ông Khanh cũng chỉ đạo rà soát lại để lên danh sách mới những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngoài danh sách đã lập từ năm 2002.
Theo DT