Hà Nội kiến nghị với Quốc hội cho phép triển khai xây dựng Luật Thủ đô





Chiều 15/5, để có những kiến nghị cụ thể của thành phố Hà Nội cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội đồng ý cho triển khai xây dựng Luật Thủ đô để kịp ban hành Luật vào dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được ban hành từ năm 2000. Hơn 8 năm thực hiện và cùng với những yêu cầu mới của Thủ đô, Pháp lệnh đã phát sinh những điều không phù hợp với thực tế. Mặt khác, hiệu lực của Pháp lệnh chưa cao, bị ràng buộc về thứ bậc hiệu lực pháp lý của các luật liên quan.

Để đảm bảo đồng bộ, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được hiệu quả, Thành phố cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng như Luật Đầu tư, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Đất đai, nhà ở… Đồng thời đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần có ngay các văn bản hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật được thông qua.

Liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, để đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND Thành phố đề nghị Chính phủ xem xét phương án giải quyết phần kinh phí thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không nên phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có chế tài đủ mạnh để xử lý và bắt buộc tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Cho phép UBND các tỉnh, thành phố được giữ lại 100% phí bảo vệ môi trường nước cũng như các loại phí bảo vệ môi trường khác để phục vụ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, hoặc có cơ chế ưu tiên trong việc sử dụng các nguồn phí bảo vệ môi trường thu được tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Sớm thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đề điều hành triển khai thống nhất Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tại lưu vực 2 sông này. Thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hút đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường và dịch vụ môi trường (nước thải, rác thải…) theo hướng xã hội hóa theo hình thức BOT, BT của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; Hướng dẫn cụ thể hơn về việc xây dựng phương án đầu tư ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành, định mức kinh phí cho các hoạt động quản lý, quan trắc phân tích môi trường để các địa phương tổ chức thực hiện.

Cũng nhân dịp này, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi áp dụng của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do suy giảm kinh tế, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, còn nợ lương, nợ BHXH, nợ trợ cấp thôi việc đối với người lao động, nhưng các khoản nợ này là từ năm 2008; cho phép giảm lãi suất cho vay từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm; tăng mức trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội lên 200.000đ-250.000đ thay cho mức chuẩn hiện nay quy định của Trung ương là 120.000đ (Hà Nội là 150.000đ). Đồng thời duyệt phương án trợ cấp cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở mỗi xã, phường, thị trấn và quận, huyện với định biên mỗi đơn vị một người (cán bộ xã là 50% mức lương tối thiểu, cán bộ phường, quận, huyện là 35%).

Tại cuộc họp, ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội có 18 dự án sân golf, trong đó có 3 dự án đã đưa vào sử dụng, 1 dự án đang triển khai xây dựng. Các dự án còn lại đang xem xét điều chỉnh quy hoạch và Thành phố cũng đã có báo cáo về các dự án này với Chính phủ. Vì vậy, để có cơ sở tiếp tục triển khai xây dựng các dự án sân golf, Thành phố đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn quy hoạch và đầu tư xây dựng sân golf; giao các Bộ Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá và có kết luận chính thức về vấn đề môi trường tại các dự án sân golf; ban hành các tiêu chuẩn, quy định bắt buộc để hoạt động đầu tư, kinh doanh sân golf trên cả nước không gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp thu những kiến nghị của UBND thành phố, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cam kết sẽ kiến nghị với Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đồng thời đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ cùng với Thành phố nhanh chóng chuẩn bị các thủ tục để trình Dự án Luật Thủ đô lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *