Hà Nội: Nhộn nhịp chợ vé “đen” trước cửa ga











“Cò vé” mời khách công khai ở cửa ga. Ảnh S.H

Để về quê thăm gia đình nhân dịp 30/4 năm nay, anh Tuấn Vũ (Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội) ra Ga Hà Nội mua vé từ trước lễ 1 tháng.

Vé tàu hỏa khởi hành từ Ga Hà Nội dịp 30/4 – 1/5 “cháy sạch” tại các quầy vé trong ga từ trước lễ cả tháng, nhưng lại luôn sẵn sàng tại “chợ đen”, nếu khách chấp nhận chi chênh lệch hàng trăm ngàn đồng/vé.

Cháy vé trước cả tháng


Để về quê thăm gia đình nhân dịp 30/4 năm nay, anh Tuấn Vũ (Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội) ra Ga Hà Nội mua vé từ trước lễ 1 tháng. Chị nhân viên nhà ga nhỏ nhẹ thông báo: “Hết vé rồi”. Anh Vũ sững người, dù dịp 30/4 của 3 năm nay anh đều được trả lời như vậy.
 
Sở dĩ năm nay anh Vũ đi mua vé tàu trước 1 tháng là do anh đọc trên trang web của Ga Hà Nội (gahanoi.com.vn) thông báo giảm giá cho hành khách mua vé trước lễ 30 – 60 ngày và ưu tiên bán cả vé khứ hồi.


Anh Vũ cũng đã gọi điện đến dịch vụ bán vé tận nhà theo số máy 04-39423949 của nhà ga (in trên trang web), được trả lời rằng đã hết vé tàu về quê anh (NA1) lâu rồi hoặc cố chờ thêm.
 
Khác với cảnh đìu hiu phía trong nhà ga, tại khoảng sân trước cửa ga (trên đường Lê Duẩn), anh Vũ được cò vé nhao nhao chào vé ngồi cứng đi Vinh với giá 300 ngàn đồng/vé (đắt gấp đôi giá gốc).
 
Theo phản ánh của nhiều bạn đọc báo, vé tàu lên phía Bắc dịp 30/4 – 1/5 cũng đã “cháy” từ trước đó 1 tuần, và dễ mua tại “chợ vé” ngoài ga. Vì vậy, nhiều khách tìm đến các cò – đội ngũ khá đông đứng ngồi lố nhố trên khoảnh sân trước cửa ga.


Chị Nguyễn Minh Long (quê Nghệ An) kể: “Tôi vào ga mua vé tàu đi Lào Cai vào ngày 29 và 30/4 chuyến 21h, nhân viên đều nói là hết mà ra ngoài sân ga tôi lại mua được ngay. Vé ngồi cứng giá gốc chỉ có 88 ngàn,  tôi mua 180 ngàn”.


Chiều 23/4/2009 phóng viên đến ga Hà Nội (cổng trên đường Trần Quí Cáp) mua vé tàu Lào Cai ngày 29/4. Chị nhân viên bán vé thông báo hết vé chuyến 22h05, chỉ còn vé chuyến 24h đêm.
 
Tuy nhiên, vé chuyến nào cũng có thể mua tuỳ thích, nếu chịu khó vào một quán nước ở sân ga. Chị chủ quán vồn vã mời: “Mua bao nhiêu cũng có, chênh giá gốc 100 ngàn vé thôi. Ưng thì đặt trước 50 ngàn/vé”. Thấy khách chấp nhận , chị rút ngay 1 mảnh giấy, cặm cụi ghi “giấy hẹn”, có chữ ký đàng hoàng rồi phân bua: “Ngày thường chị chỉ lấy cao hơn 10 – 20 ngàn đồng/vé. Ngày lễ, được 100 ngàn/vé thì bọn chị cũng chỉ được 20 ngàn, còn lại phải chi chỗ nọ chỗ kia”.
 
Đến sát lễ, chợ vé “đen” trước cửa ga Hà Nội bớt “nóng”. Tối 28/4, khi các quầy vé trong ga đều không còn vé tuyến Nam và Bắc trong 3 ngày 29, 30/4 và 1/5, phóng viên VietNamNet tìm đến khu chợ vé trên đường Lê Duẩn. Các cò vé đều ngần ngừ: “Giờ này thì khó. Giá chênh gấp 10 cũng khó mà còn”. Rồi các cò ra giá: “Chấp nhận vé đi xa hơn với giá… gấp 10 với lý do “Giờ này thì phải chi mạnh tay”. Họ đều hẹn khách chờ, tất tả chạy vào khu bán vé, rồi quay lại tay không.
 
Một số cò vào cửa không thành (do đã quá quen mặt với các giám sát viên nhà ga), đành nhờ người nhà làm xe ôm trong khu vực vào quầy mua vé hộ và hẹn hò để khách yên tâm: “Chỉ cần qua cửa ga (chỗ giám sát viên ngồi), vào quầy là OK!”.
 
Đặt vé khó như hái sao


Trước lễ 1 tuần,  toàn bộ vé tàu tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Sài Gòn cơ bản đã hết. Trực tiếp mua vé tại ga đã khó, đặt vé qua điện thoại với các đại lý vé tàu còn khó hơn. Các công ty du lịch đều đã đặt vé cho khách đi tour trước lễ cả tháng với Trung tâm dịch vụ vé ga ở Hà Nội và Lào Cai, và các đại lý bán vé trong cả nước. Nên khách đi lẻ khó mà kiếm được vé tàu trong dịp này.


Trước lễ 1 tuần, phóng viên trong vai khách đi tour lẻ gọi điện đến một số địa chỉ để đặt vé.


Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Trần Quý Cáp, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Văn Hoá, Công Ty Đông Nam Á, đại lý vé tàu của khách sạn LiVerTral và Trung tâm dịch vụ vé Ga Lào Cai đều cho biết đã hết vé và các tour đã được đặt vé trước lễ một tháng.


Tuy nhiên, nếu khách đi tour lẻ chấp nhận chi thêm khoảng 70 – 100 ngàn đồng/vé thì việc đặt vé lại trở nên dễ dàng.


“Ga Hà Nội chưa phát hiện nhân viên móc nối với cò vé” 


Trao đổi với phóng viên VietNamNet ngày 23/4/2009 về việc có hay không hiện tượng nhân viên bán vé của nhà ga móc nối với “cò” để đưa vé ra ngoài, bán  với giá cao gấp nhiều lần giá vé thực, bà Phùng Thị Lý Hà – Phó trưởng ga Hà Nội khẳng định:


“Cán bộ công nhân viên ở Ga Hà Nội cam kết không ai tiếp tay cho các “cò vé”, nhân viên của ga rất có ý thức trong việc này. Còn bên ngoài người ta mua với hình thức như thế nào cũng rất khó xác định. Một số cò vé có thể nhờ hàng rong, người lang thang mua hộ”.


Theo bà Hà, việc duyệt bán vé tập thể được Ga Hà Nội thực hiện chặt chẽ. Nhân viên đều ký vào bản cam kết với nhà ga không bán vé tập thể khi chưa được đội trưởng đội bán vé xét duyệt. Các công ty du lịch khi đặt vé với ga phải có danh sách cụ thể và phải được xem xét kỹ lưỡng mới được cấp vé.


Về việc ngăn chặn vé chợ đen, bà Hà cho biết Ga Hà Nội từng phối hợp với lực lượng công an ở khu vực ga bắt nhiều đối tượng mua vé bán cho khách kiếm lời. Nhưng do chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên cơ quan chức năng cũng chỉ phạt hành chính rồi lại thả ra. “Còn đối với nhân viên của ga, chúng tôi cũng chưa phát hiện trường hợp nào móc nối với “cò vé”. Nếu phát hiện chúng tôi sẽ phạt theo hình thức kỷ luật cao nhất của ngành Đường sắt và quy định của ga Hà Nội” – bà Hà khẳng định.


Bà Hà khuyến cáo: Vào những đợt cao điểm như Tết, lễ, dịp hè… khách mua vé tại Ga Hà Nội nên trực tiếp mua tại các cửa bán vé, không nên mua ở bên ngoài để tránh mua phải vé giả, vé đắt cắt cổ.


Được biết riêng trong 3 ngày từ 29 – 30/4 Ga Hà Nội đã bán hơn 18 ngàn vé xuất phát từ ga này đi các tuyến trong cả nước.



 



Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *