Nhiều người vẫn than phiền vỉa hè ở Hà Nội dành không còn dành cho người đi bộ mà bị lấn chiếm kinh doanh buôn bán hoặc để xe đạp, xe máy… Nhưng một hình ảnh nữa cũng gợi chúng ta nhiều suy nghĩ: những cây cầu, hầm được xây dành riêng cho người đi bộ thì việc khai thác, sử dụng nó cũng còn nhiều hạn chế. Từ những cây cầu vượt… Cầu vượt dành cho người đi bộ không còn là khái niệm mới mẻ với người dân Hà Nội nhưng câu chuyện về khai thác, sử dụng, quản lý những cây cầu này cũng còn nhiều điều đáng bàn. Thực tế, việc thiết kế, thi công và sửa chữa cầu đi bộ trên cao đơn giản hơn, chi phí xây dựng cũng đỡ tốn kém hơn nhiều so với hầm đường bộ nhưng về kiến trúc cảnh quan đô thị thì chưa thực sự “đẹp mắt” , dù những cây cầu xây sau được thiết kế hợp lý hơn những cây cầu trước. Tuy nhiên, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội dần hoàn thiện thì việc xây dựng cầu đi bộ là phương án giải quyết tình huống trước mắt.
trước khi khởi công thêm 18 cây cầu, Hà Nội cũng đã có 4 cây cầu và được đặt ở các vị trí khác nhau: trên đường Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Giải phóng (trước cổng bệnh viện Bạch Mai), trên phố Nguyễn Văn Cừ. Đặc điểm chung của những cây cầu này là sự nhếch nhác. Biển quảng cáo “bất đắc dĩ” thi nhau mọc lên, rác và bụi đất bám trên cầu. Dưới chân cầu là quán nước, gánh hàng rong, xe ôm “án ngữ”. Theo quan sát của phóng viên, đặc biệt vào giờ tan tầm, nhiều người dân, trong đó có sinh viên đã chọn cầu đi bộ làm bạn đồng hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số người đi ngang qua đường mà không sử dụng cầu bộ hành, dù đường đang nườm nượp xe cộ. phạm Thuỳ Linh, sinh viên trường Luật giải thích: em đang vội, đi bộ sang đường cho nhanh. …Đến hầm đường bộ vắng khách bộ hành Đường phạm Hùng là nơi tập trung nhiều hầm đi bộ nhất Hà Nội. Hầm được thiết kế rộng rãi nhưng …vắng khách bộ hành. Ngay trước bến xe Mỹ Đình, nơi thường xuyên có người đi bộ qua đường, hầm đường bộ đìu hiu như cảnh chợ chiều. Thực tế, do thói quen ngại đi vòng và sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông của người đi bộ đã khiến hầm đường không được khai thác hết tiện ích.
Khác với cảnh nhộn nhịp đi bộ thể dục trong hầm đường bộ ngã tư sở vào buổi tối, hầm bộ hành trên đường phạm Hùng lại rất vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới có một vài người qua lại. Chị Nguyễn Lan phương, Mễ trì Hạ, cho biết: Tôi rất sợ đi trong hầm vào buổi tối. Nếu không may gặp cướp hoặc gặp những chuyện bất trắc xảy ra thì không biết xoay xở thế nào, không biết kêu cứu ai. trên tuyến đường này có nhiều công trường xây dựng, nhưng theo quan sát của phóng viên, giờ tan ca, nhiều công nhân chọn cách đi bộ qua đường, mặc dù hầm chỉ cách họ có vài chục bước chân.
Nếu ở nước ngoài, hầm đi bộ trở thành địa điểm đi bộ mua sắm thú vị thì ở nước ta, hầm lại thành nơi …đổ rác. Ngay gần trước cổng trung tâm Hội nghị Quốc gia, một cảnh tượng thật khó tưởng tượng, rác thải đủ loại chen nhau lấp hầm. Có hôm trời mưa to bất chợt, bất đắc dĩ phải trú mưa cạnh hầm, nhiều người phải bịt mũi bỏ đi vì cái mùi khó chịu của rác quện với nước mưa. Những đống rác bất đắc dĩ này gây mất mĩ quan, đồng thời làm hư hỏng công trình, gây lãng phí không nhỏ. Theo TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, hầm cho người đi bộ ở Hà Nội mới đảm nhận chức năng giao thông là chính, chưa gắn nhiều với mục đích sử dụng công cộng. Mặt khác, chế tài xử phạt người đi bộ qua đường ở những nơi có hầm cho người đi bộ chưa nghiêm nên việc sử dụng, khai thác các hầm này còn nhiều hạn chế, không an toàn và hầm vắng khách. Rõ ràng, cầu và hầm đi bộ góp một phần giải quyết cho giao thông Hà Nội nhưng vấn đề quản lý những cây cầu, hầm này cũng cần được xiết chặt hơn nữa, đặt ra ngay từ bây giờ, tránh tình trạng người dân Thủ đô phải chứng kiến thêm nhiều hình ảnh không đẹp mắt từ những cây cầu này. |
Hà Nội: Quản lý, sử dụng cầu, hầm bộ hành còn bất cập
56