|
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh tham gia phiên chất vấn giữa kỳ của HĐND Thành phố- Ảnh: Viết Thành | HĐND Thành phố Hà Nội vừa tiến hành phiên giám sát dưới hình thức chất vấn đối với UBND Thành phố và các sở, ngành giữa hai kỳ họp về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố cũng như các vấn đề dân sinh bức xúc. Nổi cộm lên trong số này là vấn đề rà soát quy hoạch và ô nhiễm môi trường. Năm nay sẽ hoàn thành thêm 4.984 căn hộ phục vụ tái định cư Trả lời chất vấn về việc quản lý quỹ nhà tái định cư hiện nay trên địa bàn, UBND Thành phố cho biết, từ năm 2000 đến nay, toàn Thành phố đã và đang triển khai khoảng 80 dự án xây dựng nhà ở tái định cư, được UBND Thành phố đầu tư trực tiếp hoặc theo phương thức đặt hàng mua nhà bằng nguồn vốn ngân sách. Tính đến ngày 30/3/2009, tổng số căn hộ đã hoàn thành là 8.165 căn hộ, trong đó số căn hộ đã đưa và sử dụng là 6.894 căn hộ; Số căn hộ đã bố trí về nguyên tắc cho các Dự án nhưng chưa sử dụng là 1.271 căn hộ; Số căn hộ dự kiến có khả năng hoàn thành vào năm 2009 là 4.984 căn hộ; Số căn hộ dự kiến có khả năng hoàn thành vào năm 2010 -2011 là 7.123 căn hộ… Cho đến nay, có 4 dự án có quỹ nhà 30% bán lại cho Thành phố 124 căn hộ. Cụ thể: 42 căn hộ tại Khu nhà ở chung cư cao tầng tại ngõ 67, phường Đức Giang, quận Long Biên do Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư và Du lịch Nghi Tàm làm chủ đầu tư và xây dựng, 32 căn hộ tại dự án nhà ở bán tại xã Mỹ Đình do Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội) làm chủ đầu tư xây dựng; 32 căn hộ tại số 62 ngõ 83 đường Trường Chinh, 18 căn tại khu nhà ở phố Cự Lộc do Ban QLDA thuộc nguồn vốn ngân sách cấp (Sở Xây dựng) đặt ký hợp đồng hàng mua nhà. Về quỹ đất 20% của Thành phố, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát quỹ đất này tại các khu đô thị mới. Thực tế cho thấy, diện tích đất 20% thuộc 15 dự án đang giải phóng mặt bằng và 7 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa giao cho chủ đầu tư để xây dựng nhà ở tái định cư là 242.942 m2 đất. Diện tích đất 20% thuộc 24 dự án đã giao Thành phố sử dụng quỹ đất 20% là 350.554 m2 đất. Hiện UBND Thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng Hà Nội hoàn chỉnh Đề án ‘Xây dựng các khu đô thị mới phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội, nhà ở chính sách’ để báo cáo UBND Thành phố thông qua và triển khai thực hiện. Giai đoạn 2010-2020, Thành phố dự kiến triển khai thực hiện từ 3 đến 5 khu đô thị mới phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội, nhà chính sách. Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh đề cương dự kiến báo cáo UBND Thành phố vào trung tuần tháng 4-2009. Theo báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc, đến nay Sở Quy hoạch Kiến trúc đã giới thiệu 3 khu đô thị tái định cư bao gồm: Khu Thượng Cát (huyện Từ Liêm), Khu La Phù (huyện Hoài Đức) và khu Thanh Liệt (huyện Thanh Trì). Dự kiến sẽ giới thiệu thêm các khu đô thị tái định cư tại các huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, khu Tây Nam các trường đại học – huyện Từ Liêm, mỗi khu với quy mô từ 50 ha trở lên, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Thay thế dần các hố chôn lấp rác bằng các lò đốt công suất nhỏ Về xử lý nước thải, hiện Hà Nội mới chỉ có các trạm xử lý nước thải thí điểm đã hoàn thành năm 2005 bao gồm trạm xử lý nước thải thí điểm Trúc Bạch (2.300 m3/ngđ) và trạm Kim Liên (3.700 m3/ngày). Phía Bắc sông Hồng có nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long – Vân Trì công suất 42.000 m3/ngày đêm đã được xây dựng xong từng bước đi vào hoạt động. Thành phố cũng đã cấp giấy phép đầu tư cho tập đoàn Gamuda đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 200.000 m3/ngày cho lưu vực S1 gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một phần quận Hoàng Mai và huyện Thành Trì; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu công suất 13.300 m3/ngày và lập nghiên cứu khả thi cho một số nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội. Dự kiến, sẽ xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 358.000 m3/ngày đêm. Nhìn chung, tình hình thoát nước thành phố Hà Nội mới đầu tư vào 9 quận nội thành và thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước tuân thủ theo qui hoạch được duyệt. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết úng ngập và các khu xử nước thải tập trung. Liên quan đến việc nước sông Nhuệ và sông Đáy bị ô nhiễm nặng, UBND Thành phố đã chủ trì phối hợp với 5 tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020. Năm 2009, UBND Thành phố đã triển khai thực hiện các dự án ưu tiên trong đề án như: khảo sát, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án về nạo vét, cải tạo sông Nhuệ đảm bảo tiêu thoát nước, xử lý về vi phạm môi trường, rà soát, xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng dọc tuyến sông.
Hà Nội đang tiến tới việc thu gom nước thải sinh hoạt và tiến hành xử lý trước khi xả thải ra các sông, hồ
Với sông Tô Lịch, Thành phố đã hợp tác cùng chính quyền thành phố Seul và Tổng công ty bảo vệ môi trường Hàn Quốc để triển khai xây dựng và thực hiện đề án tổng thể về cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch đảm bảo các yêu cầu về thoát nước, môi trường và cảnh quan đô thị. Nội dung Đề án sẽ hoàn thành trong năm 2009. Song song, Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất đặc biệt là trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy; Rà soát và lập phương án xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường mới phát sinh, bắt buộc các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; Thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại các sông, mương, hồ và cho phép một số tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tham gia triển khai thực hiện, dự kiến các hoạt động thử nghiệm sẽ kết thúc trong tháng 10/2009. Về xử lý chất thải rắn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp phát sinh hiện nay đối với khu vực Thành phố Hà Nội khoảng 3.376 tấn/ ngày, trong đó lượng chất thải sinh hoạt 2.770 tấn/ngày, lượng chất thải công nghiệp 606,1 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn phát sinh cao tại khu vực nội thành Hà Nội với 3053,6 tấn/ngày, chiếm đến 90% lượng chất thải rắn phát sinh toàn Thành phố. Công tác tổ chức thu gom chất thải rắn của Thành phố hiện được thực hiện chủ yếu theo phương thức xã hội hóa do Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội, Xí nghiệp Môi trường đô thị các huyện, 2 Thành phố Hà đông, Sơn Tây và một số Công ty Môi trường. Tỷ lệ rác được thu gom đạt tỷ lệ 100% đối với các quận nội thành, 80% với khu vực thành phố Hà Đông, thành phố Sơn Tây. Phần lớn lượng rác hiện nay được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, một phần nhỏ (10%) được chế biến làm phân compost tại các nhà máy xử lý và tái chế. Chất thải rắn của Thành phố được chôn lấp tại bãi chôn lấp hợp vệ sinh Nam Sơn và 2 bãi chôn lấp nhỏ tại xã Xuân Sơn – Thành phố Sơn Tây và huyện Chương Mỹ. Việc xử lý rác thải công nghiệp mới đạt 50%. Khu vực phía Tây Thành phố thiếu các khu xử lý chất thải và toàn thành phố vẫn chưa có các khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tập trung vào đầu tư công nghệ cao, giảm diện tích chôn lấp rác, tiết kiệm đất và sản xuất phân vi sinh, tái chế, sản xuất điện… Trước mắt, triển khai giai đoạn II khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn – Sóc Sơn, nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây, Ba Vì vào năm 2009 – 2010; Triển khai khu vực xử lý rác thải Chương Mỹ; Xây dựng một số khu vực xử lý rác thải cho các huyện phía Tây của Thành phố với quy mô ≥ 100 ha; Xây dựng khu xử lý rác thải cho các huyện phía Nam Thành phố; Xây dựng các khu vực đổ phế thải xây dựng và tái chế trên địa bàn Thành phố (quy mô nhỏ và trung bình) và mỗi huyện có khu chôn lấp hợp vệ sinh, hoặc ứng dụng xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến… 2015: hoàn thành việc di dời các cơ sở ô nhiễm Một trong số những vấn đề “nóng bỏng” nhất tại phiên chất vấn sáng nay là về thực trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội cùng các giải pháp, lộ trình thực hiện. Theo danh mục ban đầu do Sở Quy hoạch- Kiến trúc tổng hợp năm 2000 (được UBND Thành phố phê duyệt), khu vực nội thành Hà Nội có 142 cơ sở nhà đất với tổng diện tích sử dụng là 260,15 ha đất phải di chuyển do không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Trong tổng số 142 cơ sở, có 56 cơ sở do các công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý diện tích rất lớn (190,73 ha, chiếm 73%). Số cơ sở và diện tích còn lại do các tổ chức kinh tế thuộc Thành phố quản lý. Sau khi UBND Thành phố ban hành Quyết định 74/2003/QĐ-UB ngày 17/6/2003 về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các quận nội thành, UBND Thành phố đã đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo quyết liệt. Sau 5 năm nỗ lực thực hiện, đến nay Thành phố đã di dời xong 22 cơ sở trong tổng số 142 cơ sở. Ngoài 142 cơ sở nêu trên, UBND Thành phố còn chỉ đạo các Sở, ngành tiếp tục rà soát các cơ sở sản xuất còn lại và hiện nay UBND thành phố đã chấp thuận cho 32 cơ sở sản xuất lập dự án đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, tiến độ di dời các cơ sở trên còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý doanh nghiệp ngại di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào giá trị lợi thế vị trí đất trong đô thị để sinh lợi, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ còn một số bất cập… Trước sự cấp bách đó, UBND Thành phố đã tạo điều kiện để các đơn vị di dời khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực tham gia các dự án cung ứng dịch vụ công cộng thuộc lĩnh vực xã hội hóa và giải quyết những vấn đề bức súc dân sinh, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Tại 22 cơ sở sản xuất đã di dời, các doanh nghiệp đều lập dự án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, đảm bảo quy định pháp luật đầu tư, dành quỹ đất hợp lý để có diện tích xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, cải thiện cảnh quan kiến trúc đô thị; đồng thời đảm bảo có nguồn kinh phí để di dời cơ sở sản xuất đến nơi mới phù hợp quy hoạch. Ngoài việc dành cơ cấu diện tích đất sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đối với cơ sở sản xuất phải di dời, UBND Thành phố còn chỉ đạo các địa phương rà soát các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư, nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, vườn hoa, cây xanh. Một số khu đất không thuộc đối tượng di dời, có dự án đầu tư xin chuyển mục đích sử dụng đất, Thành phố cũng chỉ đạo dành một cơ cấu diện tích đất đáng kể để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như Công ty TNHH Nhà nước một thành viên chiếu sáng đô thị Hà Nội – số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Nhà máy bia Việt Hà, Xí nghiệp xe đạp, xe máy Lixeha – phường Quang Trung, quận Đống Đa, Tổng công ty Cơ Khí – 125D Minh Khai, Công ty dệt 310 Minh Khai, Công ty Dụng cụ y tế xuất khẩu – phố Sơn Tây, quận Đống Đa… Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tiến hành các biện pháp quyết liệt để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. UBND Thành phố đã thống nhất đề xuất xây dựng chính sách di dời đảm bảo lợi ích hợp pháp của đơn vị di dời, của Nhà nước và xã hội; sử dụng quỹ đất phù hợp quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện môi trường đô thị và khu dân cư nông thôn. Việc di dời được thực hiện theo lộ trình đến năm 2015 phải hoàn thành. Tháng 6 sẽ có kết quả rà soát các dự án, đồ án Theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND Thành phố Phí Thái Bình, sau khi mở rộng địa giới, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tổ chức rà soát, đánh giá lại các đồ án, dự án quy hoạch trên địa bàn, phối hợp thực hiện cùng Bộ Xây dựng. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, vì trước khi hợp nhất, các địa phương đều căn cứ vào mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội, căn cứ Nghị quyết cấp ủy và HĐND của địa phương, căn cứ nguyện vọng của các nhà đầu tư, chủ đầu tư để xem xét, chấp thuận và phê duyệt các đồ án, dự án theo quy định chung của pháp luật.
Đến nay, do yêu cầu mới của Thành phố mở rộng phải rà soát, xem xét lại sẽ không tránh được những phân vân và gây tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư. Tiếp đó, công tác thu thập hồ sơ, tài liệu, cũng rất phức tạp vì việc quản lý hồ sơ, tài liệu, bản vẽ ở các địa phương không giống nhau, không thống nhất đầu mối, các sở, ngành và chủ đầu tư không cung cấp đủ tài liệu, mặc dù Thành phố cũng đã chỉ đạo nhiều biện pháp khác nhau để thu thập như: đăng báo mời các nhà đầu tư, các chủ đầu tư, văn bản yêu cầu các ngành, tổ chức đi xuống các địa phương… để thu thập tài liệu, nhưng đến nay số đồ án, dự án thu thập được vẫn chưa thực sự đầy đủ.
Rà sóat quy hoạch phải công tâm, trí tuệ mới giảm thiểu được thiệt hại và hậu quả
Một trong những yêu cầu, mục tiêu đặt ra trong đợt rà soát này là phải đánh giá các đồ án, dự án theo tiêu chí phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô, nhưng đến nay Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, còn Quy hoạch chung thì Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các tổ chức Tư vấn nước ngoài kết hợp với Tư vấn trong nước nghiên cứu, xây dựng. Theo kế hoạch phải đến cuối năm 2010 đồ án quy hoạch chung mới hoàn thành. Mặc dù có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng trước nhiệm vụ được giao, Hà Nội đã thành lập Tổ Công tác rà soát do đồng chí Phó Chủ tịch Thành phố làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và mời đại diện Bộ Xây dựng tham gia. Đến nay, sau 5 tháng thực hiện công tác rà soát, UBND Thành phố đã thu thập được 744 đồ án, dự án, với diện tích chiếm đất khoảng 75.189 ha trong đó có 306 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 (đã có quyết định phê duyệt quy hoạch và đang nghiên cứu theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền); 438 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư (cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho phép đầu tư, quyết định phê duyệt đầu tư), trong đó 213 dự án đã có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Thành phố đang chỉ đạo phân loại các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư theo các nhóm: Thứ nhất, các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết được tiếp tục triển khai: Đối với nhóm này, xem xét được xác định đồng thời bởi 4 tiêu chí trên và thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, đảm bảo môi trường và đặc biệt phải có nhiệm vụ được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các đồ án dự án có quyết định giao đất, san nền, giải phóng mặt bằng. Thứ hai, các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết được xem xét tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh: Đối với nhóm này, việc xem xét được xác định khi đã phù hợp với các tiêu chí trên nhưng cần điều chỉnh, bổ xung thông tin, thống nhất về hạ tầng kỹ thuật, kết nối không gian kiến trúc – cảnh quan, quy mô và chức năng sử dụng đất. Thứ ba, các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đề nghị tạm dừng chờ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng: Nhóm này gồm các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với Quy hoạch Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 và nội dung Nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2008. Nhóm đồ án này sẽ được tiếp tục đánh giá sau khi quy hoạch chung Thành phố Hà Nội được phê duyệt, và Thứ tư, các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đề nghị dừng hẳn. Đối với nhóm này, việc xem xét được xác đánh bởi các tiêu chí: Nằm trong các hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; các khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật (ví dụ: hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình kỹ thuật đầu mối, đê điều, di tích…); Không đảm bảo môi trường; Không nằm trong định hướng các quy hoạch chung đã được phê duyệt; Các đồ án quy hoạch chi tiết chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Đối với các nhà đầu tư, các chủ đầu tư có đồ án, dự án nằm trong nhóm phải dừng hẳn, Thành phố sẽ nghiên cứu, tùy theo mức độ đã đầu tư, đề xuất phương án, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi quá lớn cho nhà đầu tư. Ngày 3/4/2004, UBND Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan kết quả ban đầu công tác rà soát đánh giá các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư nêu trên; Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với quan điểm, mục tiêu và cách thức tiến hành của Thành phố (Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 15/4/2009 của Văn phòng Chính phủ) đồng thời chỉ đạo: Chờ Bộ Xây dựng báo cáo Thường trực Chính phủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội lần 1 dự kiến vào tháng 5/2009. Trên cơ sở các nhóm tiêu chí do Hà nội đề xuất kết hợp với kết quả báo cáo lần 1 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành phố Hà nội chủ trì, thống nhất với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và phân nhóm các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, trong đó nêu rõ dự án nào tiếp tục được triển khai, dự án nào phải tạm dừng chờ điều chỉnh, dự án nào phải dừng hẳn, để báo cáo Chính phủ, dự kiến trong tháng 6/2009. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đang tập trung chỉ đạo Tổ Công tác triển khai theo đúng tiến độ Thủ tướng yêu cầu. Khi có kết quả phân loại, Thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho lãnh đạo các địa phương và các chủ dự án biết. Công việc này dự kiến sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 6/2009. Tuy nhiên, sau khi nghe phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nhiều đại biểu HĐND Thành phố vẫn quan tâm đến thời điểm nào sẽ có danh sách chính thức các dự án được triển khai, điều chỉnh hoặc dừng lại, cũng như thời điểm hoàn thànhbởi mỗi dự án thay đổi sẽ liên quan đến lợi ích của chủ đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết, những dự án phải điều chỉnh vẫn phải chờ khi có quy hoạch chung của Hà Nội. Với các chủ đầu tư có dự án phải điều chỉnh hoặc dừng lại, nếu không vướng các lỗi pháp lý. Tháng 10/2010, sẽ có quy hoạch chung Hà Nội, thậm chí sẽ có cả sa bàn. Phó Chủ tịch cũng cho biết, ngay cả với những dự án được phép triển khai, Thành phố cũng sẽ tăng cường giám sát. Các dự án sẽ phải thực hiện song song cả công trình kinh doanh lẫn hạ tầng xã hội, hoặc hạ tầng xã hội phải đi trước một bước, khi dân đến nơi ở mới là đã có đủ. “Có lẽ sau đợt rà soát này, Thành phố sẽ phải kiểm tra “sức khỏe” của nhà đầu tư, kiến nghị thu hồi những dự án quá thời hạn nhưng chưa thực hiện mà không có lý do chính đáng”, ông Phí Thái Bình nói. Rà soát quy hoạch phải vừa công tâm, vừa trí tuệ Đó là ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại phiên chất vấn. Theo Chủ tịch UBND Thành phố, rà soát quy hoạch là một công việc khó khăn, đòi hỏi những người đảm đương công việc này vừa công tâm, vừa trí tuệ. Có như vậy, mới xác định, phân loại được từng dự án cụ thể, giảm thiểu tối đa những tổn thất và hậu quả của việc dừng, tạm dừng các dự án. Kể cả với những dự án được tiếp tục thực hiện thì vẫn phải rà soát, cơ cấu lại. Những dự án khó xác định ranh giới giữa việc cho tiếp tục hay dừng thì phải tạm dừng. Những dự án nằm trong định hướng quy hoạch thì nhất thiết dừng thực hiện. Những dự án đã có quyết định đầu tư mà không nằm trong quy hoạch chung thì phải xem xét. Với những dự án mở đường, Thành phố cũng đang tiếp tục rà soát theo hướng, những tuyến đường đã được quy hoạch nhưng khó thực hiện thì dừng, hoặc dự án được giao nhưng không thực hiện thì thu hồi để tránh lãng phí, hoang hóa đất. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố sẽ thực hiện quản lý các ao, hồ theo hướng khoán quản, tự quản để tránh ô nhễm, lấn chiếm đất; tiến hành xây dựng các trạm xử lý rác theo công nghệ đốt ở quy mô phù hợp với khả năng tài chính, hạn chế sử dụng và mở rộng công nghệ chôn lấp; xây dựng khu hỏa táng mới với quy mô và công nghệ cao hơn để thay thế Nghĩa trang Văn Điển, giảm thiểu việc chôn cất theo lối truyền thống; hỗ trợ các làng nghề xây dựng hệ thống xử lý nước, rác thải… Tuy nhiên, để môi trường Hà Nội xanh-sạch-đẹp, vai trò của người dân, sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng.
|