Về kiến trúc và không gian văn hóa của các nhà hát hiện nay





Lịch sử phát triển của các mô hình nhà hát cho thấy, đây là một trong những yếu tố quyết định quá trình chuyên nghiệp hóa một nền sân khấu; nếu không nói việc xây dựng địa điểm biểu diễn cố định (tùy những trường hợp cụ thể mà người ta gọi địa điểm ấy là nhà hát hoặc rạp hát) là một vấn đề hết sức quan trọng.



Dây điện chăng ngang trước Nhà hát
Giao hưởng Vũ kịch, TP Hồ Chí Minh.


Thông qua không gian kiến trúc một nhà hát (rạp hát), phần nào biểu hiện được chất lượng và thực trạng văn hóa của đơn vị sân khấu đang sở hữu nó. Cho nên nếu coi nhà hát là bộ mặt của văn hóa sân khấu, thì mỹ quan kiến trúc nhà hát cần được coi trọng.


Hiện nay, phần lớn các đơn vị sân khấu lớn của nước ta đều tập trung ở thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Song trong thực tế, không phải đơn vị sân khấu nào cũng được sở hữu nhà hát (rạp hát) của riêng mình, hoặc nếu có thì cũng không thỏa mãn một cách cơ bản nhu cầu ngày càng cao của việc biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật. Tại Hà Nội, trong số năm nhà hát trực thuộc Trung ương thì Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn chưa có “nhà” để diễn. Ðịa điểm của Nhà hát Cải lương Việt Nam là một phòng tập cũ kỹ và chật chội ở phố Hồng Mai bị chợ búa, quán xá che khuất, và lại nằm sâu trong ngõ nên rất khó tìm đường. Còn bộ mặt của Nhà hát Kịch Việt Nam, một thời mang tiếng là “anh cả đỏ” nhưng cũng chỉ là một sàn nhỏ có 150 ghế, nằm sau lưng Nhà hát Lớn Hà Nội, thậm chí nhiều người không biết đến sự hiện diện của nó. Những đơn vị còn lại may mắn hơn là có nhà hát của riêng mình như Nhà hát Chèo Việt Nam có nhà hát Kim Mã, Nhà hát Tuồng Việt Nam có rạp Hồng Hà, Nhà hát Tuổi Trẻ có đại bản doanh ở phố Ngô Thì Nhậm. Nhưng thực tế cũng cho thấy là các địa điểm biểu diễn này vẫn chưa thu hút được khán giả sân khấu. Rạp Hồng Hà thường xuyên cho các đơn vị sân khấu khác thuê để biểu diễn nên có tần suất sáng đèn khá đều đặn, nhưng địa điểm biểu diễn đối diện với một khu chợ có lẽ chưa tương xứng với một không gian văn hóa, bởi lẽ hàng ngày trước rạp là quán cóc, là cảnh mua bán, xe rác tập kết… Ðến rạp Hồng Hà, sự khó chịu trước tiên vẫn là các loại mùi đọng lại từ chợ, rồi cảnh nhếch nhác chung quanh rạp cũng đủ làm cho người xem chán nản. Hơn nữa, vì xây dựng đã lâu, mọi trang thiết bị của rạp đều đã cũ kỹ và lạc hậu. Từ khi tiếp quản rạp cho đến nay, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng chưa tu bổ nhiều cho đẹp hơn. Nhà hát Tuổi Trẻ với chương trình kịch mục phong phú nhất miền bắc, song không gian biểu diễn còn hạn chế về mặt mỹ quan. Quan sát các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng ở Hà Nội, chỉ có Nhà hát Lớn là còn nhận được sự tán thưởng về thẩm mỹ. Ðược xây dựng năm 1911 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, Nhà hát Lớn Hà Nội hiện vẫn giữ được vẻ đẹp của một công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển châu Âu, mặt tiền thoáng rộng trông ra trục phố trung tâm của Thủ đô. Do vậy, Nhà hát đã trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa có giá trị, mỗi lần biểu diễn và thưởng thức tại địa điểm này luôn đem lại hứng thú cho nghệ sĩ cũng như khán giả. Cũng được xây dựng từ thời Pháp và cũng theo phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, song rạp Chuông Vàng ở phố Hàng Bạc lại có số phận hẩm hiu hơn, bởi mặt tiền đã chật chội lại còn bị chiếm dụng làm nơi mua bán lộn xộn. Nhà hát Quân Ðội – “ngôi nhà chung” của các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Tổng cục Chính trị, vừa được xây dựng cách đây không lâu, nếu quay ngược trở về thời gian khoảng một năm trước sẽ được chứng kiến quang cảnh kỳ dị chỉ có tại phố Mai Dịch. Ðó là vào ban ngày, mặt tiền nhà hát bị “tập đoàn rửa xe – trà đá” bao vây; ban đêm thì bị “tập đoàn ốc luộc – nem chua rán – chân gà nướng” lấn át. Nhà hát mới tinh với biển hiệu sáng choang nhưng chung quanh lại lụp xụp quán xá tạm bợ. Nay đã dẹp được tình trạng ấy, nhưng nhìn chung việc xây dựng nhà hát trong một khu quá xa trung tâm như thế này khiến cho việc khai thác không gian biểu diễn có phần hạn chế. Nhà hát được xây dựng mà không sử dụng hết công suất, thậm chí đơn vị chủ quản còn cho thuê làm “võ đường” hay làm nơi tổ chức đám cưới, trong khi đó có đơn vị nghệ thuật khác lại khốn đốn vì không có nơi tập và diễn. Tại TP Hồ Chí Minh, cũng còn nhiều đơn vị sân khấu chưa được sở hữu nhà hát cố định như đơn vị IDECAF, Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn… IDECAF là một điểm sáng trong làng sân khấu, vậy mà vẫn phải biểu diễn trong những không gian nhỏ hẹp được cải tạo từ một rạp chiếu phim ở phố Lê Thánh Tôn, một ngôi nhà ở phố Trần Cao Vân. Kịch Phú Nhuận đang là thương hiệu nổi tiếng ăn nên làm ra cũng phải thuê mướn hội trường của Nhà văn hóa quận Phú Nhuận rồi cải tạo thành sàn diễn… Quả thực, việc thuê mướn hay sử dụng tạm bợ các địa điểm biểu diễn sân khấu khiến cho các đơn vị chủ quản không coi trọng vấn đề mỹ quan chung quanh địa điểm. Phải chăng vì không phải của mình nên ngại bỏ tiền đầu tư sửa chữa và tu bổ, chỉ quan tâm đến việc nơi đó có chức năng diễn kịch, chuyện đẹp xấu trở thành khái niệm xa vời? Cũng như ở Hà Nội, nhìn chung ở TP Hồ Chí Minh chỉ có công trình Nhà hát Lớn Thành phố là chấp nhận được về mặt mỹ quan, còn những địa điểm biểu diễn khác thì chưa có nhiều điều để tự hào. Vào hạng “đệ nhất nhếch nhác” là rạp Trần Hưng Ðạo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhìn bên ngoài, rạp Trần Hưng Ðạo vốn đã rệu rã thì bên trong còn rệu rã hơn, bức tường ẩm thấp dường như chỉ chực đổ xuống, cùng với những hàng ghế cũ kỹ. Nhà hát Kịch Thành phố lại có sàn diễn quá hẹp, trang thiết bị lạc hậu đến nỗi tiếng quạt gió còn át cả tiếng diễn viên. Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch Thành phố thì bị mạng lưới dây điện “giăng tơ” ngay trước mặt. Ði khắp lượt, xem ra nhà hát Thế Giới Trẻ là có sàn diễn khá hiện đại và đầy đủ phòng triển lãm, phòng hóa trang, phòng đạo cụ, phòng vệ sinh sạch sẽ… Tiếc rằng địa điểm này lại nằm trong một khu phố chật chội và có kiến trúc theo lối nhà ống thực dụng đặc trưng của đô thị, thiếu hấp dẫn về thẩm mỹ.


 
Mặt tiền của Nhà hát Quân đội trước đây.


Chúng ta đã bàn nhiều đến hiện tượng khán giả ít hào hứng với sân khấu và đôi khi cũng đã chạm đến chuyện khán giả thiếu văn hóa khi xem kịch. Có lẽ nên đặt lại vấn đề là chính sân khấu cần hành xử văn hóa như thế nào khi mời khán giả thưởng thức nghệ thuật trong những nhà hát không thể xấu hơn được nữa. Với điện ảnh, thì dường như nhiều cụm rạp hiện đại như Megastar, điện ảnh đã ngày càng thu hút được số lượng khán giả đông đảo. Nhằm vào đối tượng khán giả trẻ năng động, không gian cụm rạp Megastar được bày trí đẹp mắt và phù hợp với tâm lý giới trẻ. Ngoài phòng chiếu hiện đại, hệ thống quầy phục vụ ăn nhanh được thiết kế rộng rãi và lịch sự hấp dẫn, từ đó đem lại nguồn đáng kể. Ít ra, với thí dụ trên, có thể nhận thấy điện ảnh đã và đang nỗ lực xóa nhòa hình ảnh của nhiều rạp chiếu phim có từ thời bao cấp nay đã cũ kỹ, ọp ẹp để xây dựng nên các mô hình kiến trúc mới, phù hợp với cảm quan và thị hiếu thẩm mỹ của các thế hệ khán giả mới. Trong khi đó, dường như sân khấu vẫn dậm chân tại chỗ với những mô hình kiến trúc nhà hát cũ kỹ và đợi chờ khán giả đến xem. Thiết nghĩ đó cũng là điều đáng quan tâm trong quá trình phát triển và chuyên nghiệp hóa nền sân khấu Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *