|
KTĐT – Một năm sau ngày Quốc hội biểu quyết đồng ý kế hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội, bắt đầu cho công cuộc đô thị hóa lớn chưa từng có ở Việt Nam. Cùng với đó, là hàng trăm dự án được trình duyệt. Những nông dân phải đối diện với “sinh cảnh” mới. Miền quê thay đổi cùng các dự án dở dang đang là gánh nặng cho chính quyền, doanh nghiệp lẫn người dân…
Lão nông Nguyễn Đình Thặng chống cây gậy tre lên cằm đăm đăm nhìn ra khoảng sân nhỏ trước nhà. Trên đó, con trai và con dâu đang hì hụi đảo lúa. Tháng 5 nắng to, lúa mới phả ra mùi thơm nồng ngai ngái. Được mùa, nhưng ông Thặng không mừng. Khẽ thở dài, ông nói: “Lúa này nhà tôi cấy rẽ trên ruộng người khác đấy. Chúng tôi không còn đất”.
Ông Thặng về xóm Nhòn thuộc tỉnh Hòa Bình từ những năm 60 của thế kỷ trước theo chương trình định canh định cư của Nhà nước. Lập gia đình, khai hoang, biến mình thành nông dân, ông cứ ngỡ sẽ yên tâm nơi quê mới sau gần nửa thế kỷ. Nhưng tất cả đã đảo lộn. Từ năm 2003 đến nay, gần một mẫu đất ruộng – tức toàn bộ gia sản của đời ông đã dần bị “sung công” cho các dự án phát triển của Nhà nước và cả tư nhân. Tiền đền bù, vỏn vẹn 20 ngàn đồng/m3, ông đã tiêu hết từ lâu. “Tôi sống không được mấy nữa thì cũng chả sao, chỉ lo cho con cháu”, ông nói.
Phiêu bạt làm thuê
Nay thì ông Thặng và cả gia đình lớn của mình trở thành những nông dân không đất, như tất cả người dân khác trong xóm. Xóm Nhòn, nay thuộc Lương Sơn, Hà Nội, có vẻ u tịch, khác với không khí nhộn nhịp của các làng quê miền Bắc đang hối hả gặt vụ mùa tháng 5. Chỉ ra con đường vắng lặng, các nếp nhà đóng cửa im ỉm, ông Thặng nói: “Đấy, cả làng tôi nay bươn bả phiêu dạt làm thuê. Gái trai đi hết cả rồi”.
Tình cảnh của xóm Nhòn không phải duy nhất. Người dân các xóm lân cận như Gò Mè, Bãi Dài thuộc xã Tiến Xuân cũng đã mất hầu hết đất nông nghiệp từ vài năm nay vì lý do tương tự. Cuộc sống của họ làm kinh động những người còn đất. “Chúng tôi sợ lắm. Không đất là chết đói”, Đinh Thị Miền, dân tộc Mường thôn Gò Mè nói. Hơn bảy sào ruộng của Miền đang bị các doanh nghiệp đòi mua. Chỉ vào hai đứa con ở ngoài sân, Miền nói: “Không đất thì lấy gì nuôi nổi chúng nó. Mà còn nấu rượu, nuôi lợn, nuôi trâu nữa chứ”. Người chồng Hoàng Công Lý ngồi cạnh nói thêm: “Vợ tôi ám ảnh chuyện mất đất cả trong giấc ngủ. Thi thoảng cứ nói linh tinh”.
Nói rộng hơn, thì cả xã Tiến Xuân cũng thế. Theo phó chủ tịch xã Đinh Văn Lý, chỉ riêng trong xã có tới 70% là người dân tộc Mường này đã có 20 dự án phần lớn liên quan đến du lịch sinh thái, trong đó 10 dự án đã được quyết định thu hồi đất của dân. Các dự án này chiếm dụng tới 800ha trong tổng số 1.500ha đất nông nghiệp. Ông Lý nói thủng thẳng: “Chúng tôi là người Hà Nội, nhưng chúng tôi vẫn là nông dân. Mà không đất thì sống thế nào?”
“Sống thế nào ư? Thì chúng tôi vẫn sống sờ sờ đây thôi, nhưng mà không phải cuộc sống!”, nông dân không đất Nguyễn Văn Chính, 33 tuổi, cười nhăn nhở. Nhưng mặt Chính trông buồn xo khi ngồi chồm hỗm trên ghế trong căn nhà hai tầng xây dang dở ở thôn An Thọ, xã An Khánh. Chính nói, tiền đền bù đất đã bỏ hết ra xây nhà, nhưng không đủ nên đành để nham nhở thế này. Từ khi hơn 3 sào ruộng bị mất đi, Chính và vợ, Bùi Thị Hường thành rảnh rỗi. Thi thoảng, anh được gọi đi đánh vécni cho các chủ lò gỗ, được vỏn vẹn khoảng 700 ngàn đồng/tháng, “đủ đong gạo”.
Căn nhà ống và luống rau
Những ngôi nhà tầng khang trang mọc lên cùng lúc với ruộng đất bị lấy đi. Ở những khoảng sân vỏn vẹn vài mét vuông trước những căn nhà hình ống – là những luống rau nho nhỏ. “Chúng tôi tận dụng trồng rau ăn đấy, chứ làm gì có tiền mà mua”, trưởng thôn Nguyễn Văn Thịnh cười giải thích.
Ông Thịnh, cũng mất hết đất canh tác, kể cả thôn 1.000 hộ từng rất hy vọng với những cam kết của 11 doanh nghiệp khi về đây lấy đất. Nào đền bù cao, nào nhận con em nông dân vào làm, nào vận động nông dân phải trở thành công nhân phục vụ cho công nghiệp hóa, vân vân và vân vân. Nay thì những cánh đồng của thôn An Thọ và xã An Khánh đã trở thành cụm công nghiệp lớn của Hà Tây. Nhưng, khi các doanh nghiệp lấy đất xong thì khác. “Họ thông báo chỉ tuyển công nhân từ trung học trở lên, mà người làng tôi sinh trước 75 thì chỉ học hết tiểu học”.
Ông Thịnh đi dọc đường làng. Những người từng là nông dân đứng tụm năm, tụm ba tán chuyện phiếm. Rảnh rỗi. “Những người này đã trên 40 tuổi, họ chả có việc gì làm. Còn những người trẻ hơn đã vào Hà Nội “xịn” bán hàng rong rồi”, ông Thịnh giải thích. “Rất nhiều người đã trở nên tái nghèo trong những ngôi nhà mới. Họ không còn tiền đâu”, ông Thịnh nói.
Tiền đền bù là cả một câu chuyện dài cho nhiều người dân bị thu hồi đất. Họ không biết cách giữ. Ngồi trong căn nhà cấp 4 xây cách đây ba thập kỷ ở thôn Lâm Hộ, xã Thạch Lâm của Mê Linh, bà Nguyễn Thị Tân không khỏi tiếc của. Hơn 26 triệu đồng đền bù từ hai sào đất lúa bị thu hồi đã mất từ lâu. “Tôi dùng để mua xe máy, đi được hai ngày thì bị cướp. Thế là hết”, ông Trần Duy Đảm chồng bà Tân kể. Hồi ở Vĩnh Phúc, tiền đền bù chỉ vỏn vẹn 16,4 triệu đồng/sào, nay về Hà Nội tăng lên 75 triệu. Bà Tân lừ mắt: “Ông chỉ được cái nhanh nhẩu đoảng. Để đất thì giờ còn có”. Nhưng ông Đảm có lý do: “Tôi là trưởng thôn, là đảng viên thì phải chấp hành trướcquần chúng. Nhưng mà thiệt quá”. Hết ruộng, bà Tân nay ở nhà chăn mấy con lợn, còn lương trưởng thôn của ông Đảm 300 ngàn đồng/tháng.
Mỗi người “Hà Nội mới” mỗi hoàn cảnh riêng, nhưng đều có một điểm chung: đầy lo lắng về tương lai sau khi không còn đất sản xuất. Có tới 2,9 triệu người bị ảnh hưởng bởi 744 dự án với tổng diện tích gần 75.200ha được cấp phép cấp tập trước khi Hà Nội mở rộng, theo chính quyền thủ đô, là một con số quá lớn. Số phận của họ đã thay đổi sau khi đặt bút ký vào các văn bản nhượng đất. Hầu hết những người từng là nông dân này nói, họ đã quá hiền lành và cả tin. Nhưng với nhiều nông dân khác thì khác.
Theo SGTT