Hà Nội: Vẫn ngang nhiên bán hàng rong trên phố cấm











Nhiều hàng rong ngang nhiên trở lại phố cấm. Ảnh: N.H..

KTĐT – Bắt đầu từ cuối tháng 1/2009, TP Hà Nội đã triển khai việc cắm biển cấm bán hàng rong tại 63 tuyến phố. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, ngay tại các tuyến phố cấm, hàng rong đã trở lại hoạt động khá tấp nập như chưa hề có lệnh cấm.

Dư luận đang chờ đợi một câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng về việc có nên tiếp tục thực hiện lệnh cấm bán hàng rong tại một số tuyến phố hay tiếp tục để xảy ra nghịch lý: Cấm cứ cấm, bán cứ bán.


Cuối tháng /2009, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn tất việc tổ chức cắm biển báo cấm tại 63 tuyến phố và 48 khu di tích lịch sử, văn hóa (sau khi Hà Nội mở rộng địa giới).


Thêm một tuyến phố là phố Phùng Khoang đi Ba La vào danh mục phố cấm bán hàng rong. Ngay sau khi có lệnh cấm, đã có rất nhiều bài báo phản ánh những khó khăn của người bán hàng rong. Sau khi có lệnh cấm, họ sẽ đi về đâu. Rồi, bài toán chuyển nghề cho những người bán hàng rong là như thế nào?


Thực tế, khi lực lượng chức năng tổ chức ra quân xử phạt mạnh, những người bán hàng rong đã tự “lánh nạn” bằng cách trở về quê hoặc chuyển sang làm các nghề khác. Nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, sau khi qua thời kỳ “nóng” lực lượng chức năng ra quân mạnh kiểm tra xử lý, tình hình “lắng dịu”, những người hành nghề bán hàng rong với “bao trăn trở” trước đây trên báo chí lại trở lại phố cấm như chưa hề có lệnh cấm.


Theo nhu cầu của người mua, người bán hàng rong ngày càng trở lại tấp nập, đông đúc hơn. Tại phố Hàng Cân, Chả Cá, Lương Văn Can… hàng rong bán nào hoa quả, đồ ăn sống như cá, thịt… trở lại ngang nhiên. Nhiều chủ gánh hàng rong còn ngụy trang bằng cách chỉ xách theo hai chiếc túi to đựng đồ buôn bán.


Nếu có lực lượng trật tự đi qua, chỉ cần xách lên tay giống như người đi mua đồ chứ không phải mất thời gian gồng gánh. Nhiều người còn ngang nhiên băm, chặt cá, thịt sống ngay ở lề đường phố Hàng Cân rất mất vệ sinh. Phố Tây Sơn, Cát Linh, Trương Định… đều là những tuyến phố trong danh mục cấm nhưng cũng không khó để bắt gặp những gánh hàng rong gồng gánh trên phố.


Từ tháng 1/2009 đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội kết hợp với các lực lượng khác đã tiến hành xử phạt hơn 400 trường hợp bán hàng rong, lấn chiếm bán hàng trên vỉa hè, lòng đường, thu phạt hơn 100 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng đã có nhiều biện pháp như tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi đến tận tay người bán hàng rong để họ có thể biết được những tuyến phố bị cấm bán.


Tuy nhiên, có thuộc, có biết nhưng những người bán hàng rong vẫn ngang nhiên hoạt động. Đây đang trở thành nghịch lý: Cấm cứ cấm, bán cứ bán. Nhiều người e ngại liệu lệnh cấm hàng rong tại 63 tuyến phố có đi vào cuộc sống?


Theo anh Nguyễn Đức Minh, phố Đại La, Hà Nội: Việc triển khai lệnh cấm bán hàng rong cũng như kiểm tra, xử lý không được thực hiện một cách triệt để dẫn đến việc hàng rong trở lại là một điều đương nhiên. Việc hàng rong trở lại phố như thế này, các cơ quan chức năng có nên xem xét lại nên có cấm nữa hay không? Nên chăng chuyển sang một phương án khác.


Cảnh lộn xộn, mất an ninh trật tự đặc biệt là mất mỹ quan đô thị do gánh hàng rong gây ra vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng. Cùng với nhiệm vụ kiểm tra, xử phạt một cách triệt để của lực lượng chức năng, để gánh hàng rong không xuất hiện một cách lộn xộn trên các tuyến phố cấm cũng như các khu di tích lịch sử, ý thức chấp hành quy định cấm của người bán hàng rong nhằm xây dựng một Thủ đô Hà Nội đẹp, văn minh vẫn là điều quan trọng nhất



Theo CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *