Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2, Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp được UBND thành phố phê duyệt tháng 6-2008 với tổng mức đầu tư gần 813 tỷ đồng. trước đó, năm 2006, dự án đầu tư nâng cấp cơ sở 1 của bệnh viện cũng được triển khai với việc xây mới 3 khu nhà và một số công trình phụ trợ với kinh phí 56,4 tỷ đồng. Mặc dù được Chính phủ và thành phố tạo điều kiện nhiều mặt, nhưng sau gần 2 năm triển khai, dự án cơ sở 2 vấn gặp khó khăn về vốn.
Bệnh viện vùng khang trang, hiện đại Mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện là xây dựng bệnh viện quy mô 1000 giường bệnh, có chuyên khoa sâu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố và khu vực Duyên hải Bắc bộ, góp phần giảm tải cho các bệnh viện trung ương ở Thủ đô Hà Nội. Địa điểm xây dựng bệnh viện tại xã An Đồng ( huyện An Dương), trên diện tích hơn 203 nghìn m 2 , gồm một khu nhà chính 10 tầng và một tầng hầm, trên cùng có sân đỗ máy bay lên thẳng. Ngoài ra, còn 7 khu nhà khác và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có trạm biến áp và mạng lưới cáp ngầm…Thành phố xác định, bệnh viện vẫn duy trì hoạt động ở cơ sở 1 với quy mô gần 1000 giường bệnh như hiện nay, cho nên, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở 2, thì cơ sở 1 tại đường Nhà thương cũng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ. Hiện khu nhà người bệnh nội 6 tầng và nhà giải phẫu bệnh lý đã xây dựng xong, đang chờ lắp đặt thiết bị để đưa vào sử dụng. Hạng mục thứ ba trong khuôn khổ dự án cơ sở 1 của bệnh viện là khu nhà đa khoa 5 tầng sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2010. Như vậy, với việc hoàn thành 3 khu nhà mới, cùng với số trang thiết bị y tế được đầu tư 7 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ phần Lan, cơ sở 1 của bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp ngày càng khang trang, hiện đại. Ách tắc giải phóng mặt bằng đến vốn xây dựng cơ bản Ông Đào trọng Đạo, thường trực Ban quản lý dự án xây dựng bệnh viện cho biết, đến thời điểm này, bệnh viện phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên- Môi trường), chính quyền địa phương và UBND huyện An Dương thực hiện đền bù, bàn giao xong 19 ha đất. Hiện còn 1 ha đất chưa giải phóng xong mặt bằng do còn một số vướng mắc trong việc điều chỉnh phương án đền bù sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69 với mức đền bù cao hơn so với quy định cũ. Tuy nhiên, theo ông Đạo, khó khăn lớn nhất của bệnh viện vẫn là vốn xây dựng. 2 năm trước đây, khi thành phố phê duyệt dự án xây dựng bệnh viện, lãnh đạo ngành Y tế, bệnh viện và nhiều ngành chức năng lo không biết xây dựng bệnh viện bằng nguồn vốn nào. Tháng 6-2009, Chính phủ có quyết định đầu tư xây dựng bệnh viện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, theo đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 60% tổng nguồn vốn thực hiện dự án; 40% còn lại, thành phố đối ứng. Những tưởng khó khăn lớn nhất đã được tháo gỡ, nhưng quá trình triển khai dự án lại phát sinh khó khăn về vốn. Khó khăn này phát sinh sau khi các cơ quan chức năng hoàn thành thiết kế kỹ thuật và lập dự toán xây dựng khối nhà chính với mức dự toán tăng từ 400 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng, bằng hơn 50% so với thời điểm lập dự án. Từng bước tháo gỡ khó khăn Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện là công trình trọng điểm thành phố, vì vậy, thành phố và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để dự án được triển khai đúng tiến độ, trong đó có việc khởi công xây dựng khối nhà chính 10 tầng vào dịp 55 năm giải phóng Hải phòng. trước mắt, Ban quản lý dự án bệnh viện đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư kiến nghị với Bộ chủ quản cấp bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 để phục vụ việc xây dựng khối nhà chính. Bởi 25 tỷ đồng kế hoạch năm 2010 là quá ít đối với một công trình trọng điểm. Bệnh viện cũng đề nghị Sở KH-ĐT và UBND thành phố cấp bổ sung vốn xây dựng cho cơ sở 2 bằng nguồn ngân sách thành phố phục vụ việc đền bù, giải phóng phần mặt bằng còn lại. Các ngành chức năng cũng sớm thẩm định tổng mức đầu tư của dự án, trình thành phố phê duyệt để bệnh viện thực hiện đấu thầu, bảo đảm tiến độ xây dựng bệnh viện đề ra./. |
Hải Phòng: Dự án xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp khó khăn về vốn, chậm tiến độ
2