(VTC News) – Một số tiểu thương đã biến cây cầu hơn 100 tuổi này thành chợ cóc, bày bán đủ thứ thực phẩm tại các khoảng trống trên cầu.
Nhộm nhoạm cảnh quan thành phố
Chỉ với chiều dài gần 2km, cầu Long Biên được coi như là một “di sản văn hoá” của người Hà Nội. Cây cầu cũng chính là một địa điểm “hot” của người trẻ Thủ đô. Từ lâu giới teen Hà Thành đã “phải lòng” địa điểm này, coi đó là nơi “thả hồn” lí tưởng sau những giờ học hoặc làm việc mệt nhọc…
Đáng tiếc! Cảnh quan “cây cầu trăm tuổi” đã bị phá hỏng bởi sự thiếu ý thức của một số người. Cứ đúng cuối giờ chiều, rất nhiều người kéo nhau lên cầu, bày bán các loại thức ăn: từ rau cỏ đến thịt, cá, tôm cua…
Giờ dọn hàng ra bán
Chuyện mặc cả, cãi cọ, đôi co giữa người mua kẻ bán làm cây cầu này mất đi vẻ thanh bình vốn có. Thời gian gần đây, việc họp chợ càng dày đặc hơn. Thậm chí từ sáng sớm họ cũng bày bán cho người đi đường. Hoạt động buôn bán tại “chợ lưu động” này đã tạo nên một hoạt cảnh…bát nháo.
Bác Tiến, một cán bộ hưu trí, nhà ở quận Long Biên cho hay: “Tôi rất bức xúc với chuyện họp chợ ở đây. Họp chợ ở đâu chứ sao lại họp chợ trên “di sản” của Hà Nội?!”.
Phía bên chiều ngược lại cũng bán Người đi đường phải đi sát thành lan can cầu để nhường chỗ…hàng rong Hiên ngang mua bán trên cầu
Còn bạn trẻ, Phương Anh, sinh viên trường ĐH Ngoại Thương tâm sự: “Giới trẻ thành phố này vốn đã thiếu chỗ để chơi rồi bây giờ cầu Long Biên mà ô nhiễm thì chán lắm. Mà đã từ lâu, cây cầu này đã trở thành niềm yêu thích của người trẻ vậy mà nguy cơ mất nó đang đến dần…”.
Chuyện an toàn cho người đi cầu
Tránh tình trạng quá tải cho cầu Chương Dương, mặc dù bị những “vết thương cũ tái phát hành hạ”, nhưng cầu Long Biên “gồng mình” hỗ trợ đắc lực cho giao thông thành phố. Hằng ngày, hàng nghìn lượt người, xe máy, các phương tiện giao thông thô sơ vẫn qua lại trên cầu Long Biên.
Nút giao thông Long Biên vốn luôn là “điểm nóng” bởi lưu lượng người, xe qua lại, càng căng thẳng hơn khi xuất hiện thêm đội ngũ bán hàng rong “mọc ra” ở những khoảng trống trên cầu.
Anh Nguyễn Tiến Minh, nhân viên một công ty trong nội thành HN cho biết: “Tôi làm việc ở nội thành, nhà thì ở ngoại thành, nhiều hôm tan tầm muốn về sớm với gia đình cũng khó. Đã ách tắc giao thông lại thêm chợ búa trên cầu khiến ai cũng bực mình…”.
Các phương tiện giao thông di chuyển trên cầu vốn đã khó, xe nọ nối tiếp xe kia. Bất thình lình có người dừng xe “đi chợ” là cả đoàn người đi sau cũng…tắc mất một lúc. Nhiều người bức xúc với việc mình vô cớ bị trễ, dính tắc đường vậy là xảy ra cãi vã.
“Bao nhiêu? Bán nhanh không tắc đường là bị thu dọn đấy”
Nhiều trường hợp còn xảy ra những tai nạn nhỏ khi người trước đột ngột dừng xe để mua hàng là y như rằng người sau “tông phải”. Chị Trần Phương Thanh, nhân viên Ngân hàng Viettin bực bội kể: “Hôm nọ đang đi thì tự nhiên có một chị dừng lại mua cá. Mình không kịp phanh đụng xe chị ấy. Chị bắt đền mình, bực không chịu được…”.
Thêm vào đó, những quán trà đá phục vụ khách chơi trên cầu cũng làm tình hình giao thông nơi đây thêm nhộm nhoạm. Người chạy đi đưa trà, người ngồi la liệt trên cầu như thách thức dòng người qua lại.