|
Theo số liệu thống kê, nếu chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được Quốc hội khóa XI thông qua là 28.530ha, thì quỹ đất công xây trụ sở cơ quan và công trình sự nghiệp trên phạm vi toàn quốc hiện đã vượt 121,86%. Trong số này, đang có rất nhiều đất công ích bị hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích.
Những con số giật mình
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường(TNMT) cho biết, cả nước hiện có trên 70 triệu m2 nhà công sở, ước tính giá trị khoảng trên 8.000 tỉ đồng. Với phong trào xây dựng trụ sở hành chính mới ở các địa phương, từ năm 2001 đến nay, các cơ quan nhà nước “dốc hầu bao” khoảng 2.500 tỉ đồng để xây mới 440.000m2.
Tuy nhiên, qua khảo sát 2.248 địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và DN quản lý trên địa bàn TP.Hà Nội, cơ quan chuyên môn đã phát hiện 3,6 triệu mét vuông đất bị sử dụng sai mục đích. Kiểm tra 802 địa điểm nhà, đất do các cơ quan T.Ư quản lý, đã có tới 172 địa điểm bị sử dụng sai mục đích, với tổng diện tích lên đến 728.000m2.
Tại TPHCM, trong tổng số 20 triệu mét vuông nhà, đất công đang giao cho các cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng, đang có tới… 2 triệu mét vuông đất bị hoang hóa. Nhiều diện tích đất công ích bị bỏ hoang đã tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị sử dụng đất chuyển nhượng trái phép, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Cũng trên địa bàn TPHCM, đang có 523 trong 9.970 địa điểm nhà đất do cơ quan hành chính sự nghiệp, DN quản lý đang bị bỏ hoang. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất công trái pháp luật tại các DN nhà nước, DN có vốn nước ngoài tại Cần Thơ… đang là những con số cho thấy sự bất hợp lý trong công tác quản lý sử dụng quỹ đất công có giá trị lớn ở địa phương.
Quá lãng phí
Tình trạng quản lý, sử dụng đất đai lãng phí trong các DN nhà nước, DN có vốn ngân sách nhà nước cũng khá phổ biến. Được biết, trong số hơn 2.100 DN 100% vốn nhà nước, khối DN này đang được sử dụng rất nhiều đất đai, nhưng mang lại hiệu quả không như mong muốn của xã hội.
Lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai 2003 khi chưa đưa ra tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu sử dụng đất của DN, nhiều địa phương đã giao hoặc cho DN thuê đất tùy tiện với hiệu quả kinh tế thấp. Điển hình tại các lâm trường, đã có trên 7.700 hécta đất bị “xà xẻo” cho thuê, cho mượn, 54.000ha đất khác đang bị lấn chiếm trong tổng số gần 5 triệu hécta đất nông – lâm trường.
Tình trạng sử dụng đất ở các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) và các khu công nghệ cao cũng đang trong tình trạng vô cùng lãng phí. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu địa chính, tính đến thời điểm cuối năm 2007, trong số 550 cụm công nghiệp, KCN, chỉ có 332 khu/cụm đang hoạt động, 112 khu/cụm đang trong giai đoạn xây dựng, còn lại là những cụm/khu chưa triển khai. Đáng chú ý, tính đến nay, đất công nghiệp có thể cho thuê chỉ đạt 46,6%.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 185 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 44.895ha, đến thời điểm cuối năm 2008, mới chỉ có 110 KCN đã đi vào hoạt động. Tiến độ triển khai chậm chạp của các KCN đã kéo theo việc sử dụng quỹ đất tại các KCN, cụm công nghiệp kém hiệu quả.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ cho biết: Đã 2 lần Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Bộ TMMT cũng đã 2 lần tiến hành thống kê tình trạng sử dụng đất của các tổ chức. Điều này cho thấy, việc rà soát quỹ đất của đối tượng này cũng khá nhiều lần, nhưng sau những lần kiểm tra cũng chỉ mang lại được số liệu thống kê số lượng diện tích bị sử dụng lãng phí, thất thoát… nhưng chưa lần nào các cơ quan quản lý đưa ra được biện pháp xử lý dứt khoát.
Nguyên nhân tồn tại này xuất phát từ những lý do thực tiễn do tồn tại của lịch sử, là do các đơn vị giữ quỹ đất đó chưa sử dụng để lãng phí… và nhất là khi xử lý lại có công văn can thiệp từ các bộ chủ quản, của UBND các cấp… làm cho việc thu hồi đất lãng phí là cực kỳ khó khăn, thậm chí làm cho việc thu hồi gần như không thể thực hiện được mặc dù pháp luật về quản lý đất đai quy định rất chặt chẽ về vấn đề này là: Không sử dụng mà để lãng phí, dứt khoát phải thu hồi.
Nhưng việc lãng phí đất công vẫn cứ tồn tại trong thực tế và chưa hạn chế được, thậm chí còn có xu hướng nhiều hơn – không chỉ đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, mà tình trạng này còn có cả trong khối các DN.
Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, để giải quyết vấn đề này, cần phải xem xét lại cách quản lý đất cấp cho các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng như DN hiện vẫn đang còn “bao cấp” và hành chính. Chính vì cơ chế đó đã gây ra ách tắc trong việc xử lý đối với vấn đề lãng phí đất đai hiện nay. Còn để khắc phục tận gốc vấn đề này, kinh nghiệm từ các nước trong việc khoán quỹ đất cho đối tượng sử dụng, và đây là vấn đề các cơ quan chuyên môn đã đưa ra, nhưng chưa được xem xét, nên việc xử lý đối với vấn đề lãng phí đất công chưa thể sớm được khắc phục.
Theo LĐ