Trang chủ » “Hóa kiếp” nhà cổ giữa Hà Nội: Luẩn quẩn chuyện quản lý

“Hóa kiếp” nhà cổ giữa Hà Nội: Luẩn quẩn chuyện quản lý

bởi Kien Truc - Kientruc.vn





 – Giữa Hà Nội, suốt nửa năm, hai căn cùng một số nhà (chỉ cách nhau một khoảng sân nhỏ) hết xây sai, rồi được hòa giải, bị khiếu kiện, “gợi ý” hòa giải và lại được tiếp tục xây sai. Trong khi đó, chính quyền cấp quận chỉ có duy nhất trách nhiệm gửi một văn bản chỉ đạo cưỡng chế, rồi một thời gian dài sau đó không cưỡng chế cũng… không sao?


Chuyện về vụ “hóa kiếp” căn nhà mặt tiền thuộc dạng “đồ cổ” ngót trăm năm tuổi tại địa chỉ 207 phố Huế (phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với sàn gỗ, mái ngói thành 3,5 tầng kiên cố đổ bê-tông hoàn toàn không phép và những ngang trái quanh nó vừa “hâm nóng” lại dư luận về tình hình nhà xây không phép, sai phép tại Thủ đô.










Mặt trước của căn nhà kiên cố 3,5 tầng “thay thế” nhà cổ sàn gỗ mái ngói (ảnh trái) và mặt sau (ảnh phải) thấy rõ không chỉ đổ bê-tông mà nhà 3,5 tầng mới còn đè lên lối đi chung (Ảnh: H.H).


Hàng loạt cái sai của chính quyền phường phố Huế đối với việc ngang nhiên xây không phép giữa Thủ đô như: giải quyết không công bằng, định “xí xóa” chỉ đạo cưỡng chế của cấp có thẩm quyền bằng phương án hòa giải, khi dân đến phường trình bày thì bị bà Chủ tịch phường dùng báo đập vào mặt… sau suốt nửa năm người dân khiếu kiện, dư luận phanh phui – đã “đến tai” Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.


Bí thư Phạm Quang Nghị và Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đều khẳng định cần kiểm tra, kiểm điểm kỹ sai phạm của Chủ tịch UBND phường phố Huế – bà Hoàng Thị Bích Diệp.


Năng lực yếu kém, thái độ chưa đúng mực, cách giải quyết thiên lệch… của một số cán bộ cấp xã, phường tại nhiều địa bàn là điều lâu nay gây ra bức xúc đối với dân.


Phường bật đèn xanh xây không phép?


Vụ việc lùm xùm kéo dài chưa thể giải quyết khiến không ít người thắc mắc: nếu thực sự cả quận và phường đều chỉ đạo sát sao, xử lý triệt để và thanh tra xây dựng 2 cấp phát huy tác dụng thì chỉ 1 viên gạch xây sai cũng không có đất đặt, huống chi “hóa kiếp” cả một nhà cổ mái ngói thành nhà 3,5 tầng kiên cố, cửa sổ nhôm kính, sàn bê-tông và tum trùm lối đi chung?!






Quyết định 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ qui định thanh tra xây dựng cấp quận có trách nhiệm quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với các công trình vi phạm thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp phường nhưng không xử lý kịp thời hoặc do buông lỏng quản lý; kiến nghị chủ tịch UBND cấp quận xử lý những vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp phường.


Chuyện xảy ra từ cuối 2008, khi hai hộ sống trong hai căn nhà (mặt tiền và trong ngõ) cùng địa chỉ 207 phố Huế đồng thời cải tạo, xây mới lại nhà mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.


Giữa phố lớn Hà Nội, xây sai đã là quá “liều”, khó “bịt” thì với trường hợp sẵn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với nhau như nhà trong, nhà ngoài 207 (kể trên), khi mạnh ai nấy xây không phép tắc thì cái sai càng khó giấu…


UBND phường phố Huế biết việc sai này ngay lúc “manh nha” và càng rõ hơn khi hai nhà bắt đầu khiếu kiện. Tuy nhiên, không hề đình chỉ, xử lý công trình vi phạm – Chủ tịch phường Hoàng Thị Bích Diệp lại “tiến tới hòa giải, hai bên cùng có lợi để ổn định cuộc sống“!?


Cuộc hòa giải với biên bản viết tay ngày 8/12/2008 (được Chủ tịch phường ký tên, đóng dấu) đã đạt thỏa thuận: Cả hai cùng tiếp tục được xây không phép! 


Thế là, hai nhà “hăm hở” xây, tiền tỉ đổ ra. Song, chỉ ít lâu sau lại tiếp tục kiện nhau: Ông Nguyễn Duy Hưng (nhà trong) cho rằng mình đã tuân thủ đúng tinh thần hòa giải, chỉ cải tạo mái ngói cũ thành mái tôn và nâng cao thêm 1,5m cho đỡ nóng. Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng (nhà ngoài) bị kiện là đã đổ bê-tông nhà cổ thành 3,5 tầng, sai với những gì đã được phường “bật đèn xanh”!


Bà Diệp chủ tịch và các cán bộ phường đã nhiều lần xuống kiểm tra, nhưng có điều khó hiểu là sau mỗi lần kiểm tra thì gia đình ông Hùng lại càng xây dựng vi phạm hơn” – ông Hưng viết trong đơn.


Hơn 3 tháng sau thời điểm các gia đình tự tiện xây và kiện nhau, ngày 12/3/2009, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn mới có văn bản chỉ đạo UBND phường phố Huế “áp dụng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ các công trình đã xây không phép, lấn chiếm diện tích sử dụng chung“.


Tiếp thu chỉ đạo này, nhà trong (ông Hưng) đã tự hạ độ cao mái xuống đúng nguyên trạng ban đầu. Nhưng nhà ngoài lại được Chủ tịch phường một lần nữa đứng ra hòa giải, với mục đích không phải cưỡng chế như yêu cầu của quận.


Bà Diệp chủ tịch phường xuống nhà tôi gợi ý tôi nên thỏa thuận và không nên khiếu nại đối với ông Hùng (nhà ngoài)” – ông Hưng (nhà trong) viết đơn và sau đó vẫn kiên trì khiếu nại.


Câu chuyện “hóa kiếp” nhà trăm tuổi tiếp tục nhùng nhằng thêm 3 tháng. Phường “án binh bất động” trước các sai phạm còn quận suốt nửa năm chỉ có mỗi động thái ra duy nhất văn bản chỉ đạo phường!


Khi quản lý chỉ là… ra văn bản


Trả lời báo chí, ông Lâm Anh Tuấn đổ lỗi thiếu trách nhiệm cho phường, để hai hộ nhà trong, nhà ngoài 207 phố Huế tự thỏa thuận rồi tiếp tục vi phạm trật tự xây dựng, còn “bằng chứng” quận đã chỉ đạo trong quá trình xảy ra sai phạm là văn bản 218/UBND-VP ngày 12/3/2009.


Đương nhiên, chiểu qui định, “khi phát hiện vi phạm, trong thời gian 1 ngày (chậm nhất 3 ngày), chính quyền phường phải lập biên bản, tổ chức cưỡng chế và phải thông báo cơ quan liên quan cắt điện, nước, giải tán thợ, ngăn chặn vi phạm tiếp diễn” (phát biểu của Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ). 


Cái sai của phường đã rõ (như nói ở trên), tuy nhiên sai phạm tại 207 phố Huế không chỉ kéo dài 3 ngày, hay 30 ngày… mà thực tế hơn 300 ngày. 

Nửa năm sau khi sai phạm xảy ra, cuối tháng 5/2009, quận Hai Bà Trưng mới “chỉ đạo, tổ chức lực lượng chuẩn bị cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm tại số nhà 207 phố Huế” và “sáng 26/5, lực lượng chức năng gồm Thanh tra Xây dựng, Công an quận Hai Bà Trưng, UBND phường phố Huế có mặt tại hiện trường, tiến hành các thủ tục tháo dỡ công trình vi phạm“.









Lực lượng chính quyền, chức năng đỗ xe trước cửa công trình vi phạm và… nhìn. Hàng tuần sau đó công trình vẫn không suy chuyển gì đáng kể. Dân cho biết không chỉ một lần như vậy. (Chụp sáng 26/5/2009 – Ảnh: H.H)


Tuy nhiên, trên thực tế, sang đầu tháng 6/2009, hai nhà xây không phép tại 207 phố Huế mới chính thức bị cưỡng chế. Vậy là, suốt nửa năm, hai hộ dân đổ tiền xây theo thỏa thuận, hướng dẫn và đương nhiên dưới sự buông lỏng của phường. Khi các phần nhà không phép xây xong, đi vào hoàn thiện rồi – quận mới tiếp thu phản ánh từ công luận và “xử” (?)


Theo qui định, vi phạm trật tự xây dựng cần được lập biên bản chậm nhất 3 ngày sau khi phát hiện – nhưng nếu cấp phường cố tình không lập, cũng không đình chỉ, thì ngoài phường ra còn lực lượng nào có trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm này? Hay cứ để sai phạm tồn tại như vậy tháng này sang tháng khác?  


Cụ thể với trường hợp ở số nhà 207 phố Huế: Khoảng 4 tháng sau khi hai hộ xây không phép, quận Hai Bà Trưng mới có văn bản chỉ đạo phường cưỡng chế, hạn chót là 25/3/2009. Từ “hạn chót” này đến khi hai hộ chính thức bị cưỡng chế tháo dỡ lại kéo dài thêm 2 tháng nữa. Suốt nửa năm, phường phố Huế vẫn “làm ngơ” thì không biết các cơ quan chức năng khác của thành phố ở đâu?




  • Nhóm PV

Banner

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.